Đắk Nông:
"Chuyện lạ" ở dự án thủy lợi trăm tỷ: Phá nát đường làng để đắp kênh
(Dân trí) - Câu chuyện kênh dẫn nước "trơ đáy" chưa có hồi kết thì hàng chục hộ nông dân xã Buôn Chóah lại bức xúc khi con đường chính phục vụ sản xuất bị phá nát, lấy đất đắp cho kênh.
Dù thuộc dự án Nâng cấp công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán nhưng kênh dẫn nước cho xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lại khiến khoảng 200 ha đất trồng lúa ở xã này thiếu nước sản xuất trầm trọng.
Sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã đi kiểm tra, khẳng định có nhiều bất cập trong thiết kế và vận hành kênh dẫn nước, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của hàng trăm ha lúa tại vùng trọng điểm lương thực này.
Tại buổi kiểm tra của ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cả trăm người dân xã Buôn Chóah đã tập trung phản ánh tình trạng con đường giao thông nội đồng bị phá nát, để lấy đất đắp cho con kênh thủy lợi.
Theo người dân địa phương, hàng trăm mét đường giao thông nội đồng, cũng là con đường chính phục vụ sản xuất đã bị đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk) hạ thấp cốt nền, xới tung mặt đường. Mục đích của việc làm này nhằm lấy đất đổ vào công trình kênh thủy lợi đang được xây dựng nằm ngay bên cạnh.
Ông Phạm Xuân Lai (trú thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah) cho biết, tuyến đường giao thông nội đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc vận chuyển phân bón và các loại nông sản. Thế nhưng, đơn vị thi công đã tự ý hạ thấp nền đường xuống khá nhiều để lấy đất đắp vào 2 bên kênh mương thủy lợi vừa mới xây dựng.
Theo ông Lai, tuyến đường giao thông nội đồng đang cao ráo, chắc chắn bỗng dưng bị đào bới vô tội vạ, phá vỡ kết cấu nền đường đất cũ. Đất bị đào lên được đắp vào hai bên thành kênh mới được xây dựng, đồng thời thu hẹp chiều rộng mặt đường, gây cản trở giao thông, đi lại của người dân.
Trong khi đó, ông Phan Văn Tác (trú thôn Bình Giang, xã Buôn Chóah) cho biết, tuyến đường này được người dân đào đắp, xây dựng từ lâu, trải qua nhiều trận lũ lụt nhưng nền đường vẫn bền chặt.
"Họ múc đường lên đắp vào bờ kênh khiến thay đổi hiện trạng, làm cho tuyến đường không còn đảm bảo về mặt chất lượng. Sau này đổ đất bù trả lại, dù phải lu lèn nhưng cũng không bằng con đường cũ, mưa xuống sẽ rất dễ bị nước xói mòn", ông Tác nói.
Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản các dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông ghi nhận việc múc đất của nhà thầu. Trong thời gian sắp tới chủ đầu tư sẽ phối hợp với nhà thầu, bù đắp lại phần đất vừa rồi nhà thầu đã lấy theo tình thần phải được sự đồng thuận của người dân.
"Theo thiết kế thì đất phải được đưa từ nơi khác về để gia cố bờ kênh. Chủ đầu tư sẽ phối hợp với nhà thầu để xử lý dứt điểm tình trạng này"- ông Vận cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đăng Ánh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, qua thực tế người dân phản ánh, đơn vị thi công kênh thủy lợi đã sử dụng đất tại chỗ, như vậy là sai với thiết kế. Về việc này, huyện đã làm việc với chủ đầu tư đề nghị xem xét lại việc đắp lại bờ kênh này.
"Đối với việc này, huyện sẽ phối hợp với xã yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư hoàn trả, bồi đắp lại mặt đường do nhà thầu lấy đất, đảm bảo việc đi lại cho người dân. Mặt khác, trong quá trình nhà thầu bồi trả lại mặt đường huyện sẽ yêu cầu nhà thầu lu lèn để đảm bảo về độ chặt, chất lượng… cho nền đường", ông Ánh cho hay.
Như Dân trí đã thông tin, công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1, công trình được bố trí 166 tỷ đồng.
Công trình này dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến 31/5/2021. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế công trình, Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk trúng thầu thi công.
Hiện nay, công trình đã đưa vào sử dụng tại một số hạng mục như kênh dẫn nước, trạm bơm số 1, số 3... nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Điều này khiến cho hàng trăm ha đất trên cánh đồng Buôn Chóah thiếu nước trầm trọng và sản xuất vụ đông xuân năm nay bị chậm so với lịch thời vụ.