1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình cần 175 tỷ đồng để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Thái Bá

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Bình sẽ sáp nhập huyện Hoa Lư với thành phố Ninh Bình, lấy tên thành phố mới là Hoa Lư. Có 35 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại, hàng trăm cán bộ và nhiều cơ sở nhà đất dôi dư.

Dôi dư hơn 400 cán bộ

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.

Theo báo cáo, tỉnh Ninh Bình sẽ thành lập thành phố Hoa Lư (trên cơ sở sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) và sắp xếp 35 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn các huyện, thành phố.

Ninh Bình cần 175 tỷ đồng để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã - 1

Thành phố Ninh Bình sẽ sáp nhập với huyện Hoa Lư, lấy tên thành phố mới là Hoa Lư (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Việc sắp xếp này sẽ có tổng số 429 cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Cụ thể, việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ dôi dư 60 người (17 cán bộ, 29 công chức và 14 viên chức).

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là 2.818 người (59 cán bộ, 175 công chức, 2.498 viên chức và 86 người lao động). Sau khi thành lập thành phố Hoa Lư, 60 người dôi dư sẽ được bố trí đến công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh (những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế).

Thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh nằm trong diện sắp xếp hiện có 1.057 cán bộ, công chức, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách. Việc sắp xếp 35 đơn vị hành chính cấp xã sẽ dôi dư 369 người (159 cán bộ, 97 công chức, 45 viên chức y tế và 68 người hoạt động không chuyên trách cấp xã).

Tỉnh Ninh Bình dự kiến giai đoạn 2024-2029 sẽ giải quyết xong số người dôi dư cấp xã. Trong đó, 159 cán bộ dôi dư sẽ bố trí 68 người làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng địa bàn huyện; 12 người tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh, hoặc xét tuyển làm viên chức; 17 người nghỉ theo quy định tại Nghị định 26/2015/NĐ-CP; 47 người nghỉ hưu trước tuổi và 15 người nghỉ thôi việc (nghỉ hưu đúng tuổi).

Ninh Bình cần 175 tỷ đồng để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã - 2

Quần thể danh thắng Tràng An sẽ nằm trong lòng thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Thanh Bình).

Đối với 97 công chức dôi dư, tỉnh Ninh Bình dự kiến bố trí 59 người làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng địa bàn huyện, 24 người nghỉ hưu trước tuổi, 14 người nghỉ thôi việc (nghỉ hưu đúng tuổi).

Báo cáo của tỉnh Ninh Bình cũng nêu rõ, đối với 45 viên chức y tế dự kiến sẽ điều động công tác tại các trạm y tế khác trên địa bàn đang còn thiếu chỉ tiêu biên chế. Riêng 68 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến sẽ nghỉ hưởng chế độ theo nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Xử lý tài sản công trong 3 năm

Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Bộ Nội vụ cũng cho biết thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2025, toàn tỉnh có 242 cơ sở nhà đất thuộc diện sắp xếp lại.

Trong tổng số 242 cơ sở nhà đất này, sẽ giữ lại sử dụng 219 cơ sở, số còn lại (23 cơ sở) điều chuyển, chuyển giao về cấp huyện, cấp xã quản lý theo quy định.

Ninh Bình cần 175 tỷ đồng để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã - 3

Số trụ sở dôi dư sẽ được tỉnh Ninh Bình xử lý trong 3 năm kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết (Ảnh: Thanh Bình).

UBND tỉnh Ninh Bình cam kết, trong 3 năm kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị được sắp xếp.

Để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Ninh Bình dự kiến cần đến số tiền hơn 175 tỷ đồng. Kinh phí này sẽ dùng thực hiện các công việc như: hội họp, tuyên truyền, in ấn tài liệu, lấy ý kiến cử tri.

Ngoài ra, số tiền trên còn để chi trả chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách; kinh phí đầu tư nâng cấp trụ sở, cơ sở làm việc; chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa chính…

Trong số 175 tỷ đồng, có 15 tỷ đồng làm kinh phí dự phòng. Nguồn kinh phí sẽ do ngân sách địa phương đảm bảo, thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Báo cáo này cũng nêu rõ dự kiến phân kỳ đầu tư: Năm 2024: 36,861 tỷ đồng, năm 2025: 73 tỷ đồng, năm 2026: 22 tỷ đồng, năm 2027: 16 tỷ đồng, năm 2028: 14 tỷ đồng, năm 2029: 14 tỷ đồng.