(Dân trí) - Ngày 13/3/1988, 45 thanh niên xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) nhập ngũ, đi thẳng vào Cam Ranh (Khánh Hòa). Những chàng lính trẻ măng tơ ấy đã đồng lòng ký vào lá đơn xin ra bảo vệ đảo...
"Sóng ngầm" ở Trường Sa
"Vùng biển Trường Sa của ta nhiều cá, giàu tài nguyên, nên từ trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, ngoài đó cũng hết sức căng thẳng", cựu lính hải quân Nguyễn Ngọc Vận (SN 1962, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) mở đầu câu chuyện những ngày đi bảo vệ đảo của mình. Ông vào đất liền khi tình hình biên giới phía Bắc đang hết sức căng thẳng nhưng trước đó, người lính đảo đã chứng kiến sự hung hãn của những con tàu Trung Quốc.
Ngày 22/12/1982, người lính Nguyễn Ngọc Vận (Sư đoàn 403 Quân chủng Hải quân), khi đó đang đóng quân tại Đà Nẵng được lệnh lên tàu ra Trường Sa. Lênh đênh trên biển đến ngày thứ 13, ông đặt chân lên đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ở đây, ông được phân công là khẩu đội trưởng pháo binh.
"Thời điểm ấy trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa đã hết sức phức tạp. Tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta để đánh bắt hải sản, nhiều con tàu lạ lượn lờ, áp sát các đảo. Lính trên các đảo luôn nhận được chỉ thị nâng cao cảnh giác và đẩy đuổi các tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển của mình", cựu lính hải quân Nguyễn Ngọc Vận kể.
Với những tàu đánh bắt hải sản trái phép, việc tuyên truyền, đẩy đuổi bằng pháo hiệu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với những con tàu đủ kích cỡ, không cắm cờ hoặc không rõ số hiệu, mà ông Vận khẳng định là tàu Trung Quốc thì việc đẩy đuổi không hề đơn giản.
"Tàu lớn Trung Quốc được sơn lem luốc hoặc tàu cá mang cờ Trung Quốc, cũng có khi không có cờ, không có số hiệu đi vào vùng biển của ta là nhiều nhất. Tàu họ lượn qua lượn lại vậy thôi, không thấy có hoạt động đánh bắt gì cả. Nhiều khi chúng điều khiển tàu áp sát vào gần bờ rồi lại giãn ra", ông Vận nhớ lại.
"Những năm 1983-1984, tình hình trên biển đã rất căng thẳng. Trực chiến là thường xuyên, nhất là những ngày lễ, ngày nghỉ. Những ngày đó, chúng tôi được lệnh trực 100%, ăn gạo rang, ở ngoài công sự suốt ngày", ông kể tiếp.
Theo đánh giá của người lính hải quân Nguyễn Ngọc Vận, thời gian này tàu Trung Quốc mới thực hiện việc thăm dò là chủ yếu, ít xảy ra các vụ tấn công đảo. Tuy nhiên, một ngày biển động giữa tháng 8/1984, ông đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về những con tàu này.
"Hôm đó anh em vừa dọn cơm sáng ra thì báo vụ báo cáo phát hiện 2 tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc đảo Sinh Tồn. Báo động vang lên, anh em đặt bát cơm xuống, chạy vội ra vị trí chiến đấu, sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy.
Hai con tàu, 1 lớn 1 nhỏ chạy song song dần áp sát bờ. Chúng tôi phát loa, bắn pháo hiệu yêu cầu rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một lúc lâu sau chúng mới chịu quay đầu rời đi. Bất ngờ, từ con tàu lớn, 1 loạt đạn nã vào bờ, mặt đất rung chuyển dữ dội. Sau loạt đạn, hai con tàu tăng tốc, chạy thẳng ra vùng biển quốc tế", người lính được kết nạp Đảng giữa trùng khơi kể.
Ngày 25/5/1985, ông rời đảo vào đất liền. Năm 1993, người con trai cả tiếp bước cha, lên tàu ra biển, đóng quân ở đảo Thuyền Chài. Ngày con trai lên đường, ông chỉ dặn: "Biển của ta lắm tôm, nhiều cá, giàu tài nguyên, lại có vị trí chiến lược quan trọng, kẻ thù không bao giờ ngừng nhăm nhe chiếm lấy. Con ra đảo chân cứng đá mềm, can trường dũng cảm nơi đầu sóng để bảo vệ từng tấc biển của cha ông".
Những lá đơn xung phong ra đảo
Thiếu 1 năm nữa là tròn 30 năm ông Nguyễn Đức Thuận (SN 1968, trú xóm Ngọc Văn, Diễn Ngọc) rời quân ngũ. Tháng 3/1988, chàng trai miền biển này được gấp gáp gọi lên đường nhập ngũ.
"Đợt đó có 45 thanh niên xã Diễn Ngọc được gọi nhập ngũ. Ngày 13/3/1988 chúng tôi lên đường, chỉ biết sẽ vào Nha Trang (Khánh Hòa) chứ không biết thêm thông tin gì hơn. Đi xe khách vào TP Vinh, vì nhiều lý do nên lịch trình hành quân bị chậm 3 ngày so với dự kiến. Ngày 21/3/1988 chúng tôi mới lên tàu hỏa vào thẳng Nha Trang", ông Thuận kể.
Vào Nha Trang, những lính mới được lệnh rút ngắn thời gian huấn luyện còn 1 nửa so với quy định và nhanh chóng được phân về các đơn vị thuộc các binh chủng khác nhau. Nguyễn Đức Thuận được biên chế vào bộ phận tên lửa, ra-đa thuộc Tiểu đoàn 297, Lữ đoàn 378, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời các tỉnh Nam Trung Bộ và Quần đảo Trường Sa.
"Thời điểm ấy, trên các đường phố ở Nha Trang lính nhiều hơn dân thường. Ai cũng cảm nhận được sự căng thẳng và không khí khẩn trương ở đây.
Trong các buổi học chính trị chúng tôi mới được thông tin về sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tận mắt thấy chiếc áo của các chiến sỹ đảo Gạc Ma vẫn còn vết máu được trưng bày tại bảo tàng, những người lính trẻ mới 18-20 tuổi sục sôi căm thù tội ác của quân xâm lược. 100% đều ký vào đơn xin ra đảo, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù nhưng không phải ai cũng được chọn", người lính ra-đa tên lửa nhớ lại.
Thời điểm này, tàu chở quân liên tục vận chuyển quân, vũ khí, lương thực ra các đảo. Ở trên đất liền, các bộ phận khác cũng luôn trong trạng thái trực chiến. Đơn vị của ông Thuận có nhiệm vụ theo dõi, kịp thời phát hiện sự xuất hiện các vật thể bay xâm phạm vùng trời, vùng biển Nam Trung Bộ.
Nhiệm vụ được ông Thuận và đồng đội hoàn thành xuất sắc, góp phần cùng Trạm ra-đa 11 (được đưa ra đảo Trường Sa vào ngày 24/6/1988) và các trạm ra-đa trong cả nước khép kín trường ra-đa giữa Trường Sa với đất liền, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Năm 1992, ông xuất ngũ, trở về địa phương.
"Thời điểm đó chúng ta còn thiếu thốn nhiều lắm. Thiếu về vũ khí, khí tài thiếu thốn về lương thực, thực phẩm nhưng người lính chúng tôi có lòng yêu nước và quyết tâm để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", ông Thuận tự hào nói về quãng thời gian ngắn tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
Lớp anh ra đảo trước, lớp em tiếp bước theo sau
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Diễn Ngọc cho biết, từ khi chiến dịch CQ88 diễn ra cho đến nay, trung bình mỗi năm có trên dưới 20 thanh niên xã Diễn Ngọc được gọi nhập ngũ vào hải quân, có năm lên tới 38-45 người.
"Cứ lớp anh ra đảo trước, lớp em tiếp bước theo sau. Trong nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo máu thịt của Tổ quốc, có đóng góp của con em Diễn Ngọc", ông Tuấn không giấu nổi tự hào. Bản thân ông cũng là lính hải quân, nhập ngũ vào năm 1992, đóng quân tại Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Không chỉ trực tiếp tham gia huấn luyện, biên chế vào lực lượng hải quân, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn có sự tham gia tích cực và hiệu quả của ngư dân xã Diễn Ngọc.
Năm 2011, Trung đội dân quân biển Diễn Ngọc được thành lập với biên chế ban đầu là 28 ngư dân. Đến nay, quân số của Trung đội là 31 người. Tất cả họ đều là những ngư dân thuộc các đội tàu đánh bắt xa bờ của xã.
Với ngư trường rộng lớn, từ Vịnh Bắc bộ đến Quảng Ngãi, cứ mỗi chuyến ra khơi kéo dài 3 tháng, mỗi ngư dân còn là một chiến sỹ.
Bên cạnh đánh bắt hải sản, mỗi ngư dân còn là một tuyên truyền viên chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển đảo. Họ cũng chính là hạt nhân nắm tình hình, kịp thời thông tin về sự xuất hiện cũng như những hoạt động phi pháp của tàu nước ngoài trên vùng biển chủ quyền Việt Nam; tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Ngoài ra, hiện có 6 tàu cá của ngư dân xã Diễn Ngọc được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển theo Nghị định 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ.