Cơ đồ, uy tín đất nước Việt Nam có công sức không nhỏ của báo chí
(Dân trí) - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cơ đồ và uy tín đất nước Việt Nam hôm nay có phần đóng góp công sức không nhỏ của báo chí cách mạng.

Chiều 30/5, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Báo chí phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng
Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đánh giá, hội thảo là sự kiện quan trọng, khởi đầu cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cho biết, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Đây không chỉ là một dấu mốc đánh dấu sự ra đời mà còn là sự khởi đầu của chặng đường vẻ vang của nền Báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm qua; báo chí cách mạng góp phần làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Bên cạnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như thời kỳ đổi mới đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ông nhấn mạnh, qua 100 năm xây dựng và phát triển, nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, chương trình, nội dung ấn phẩm, bước đầu đã làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại.
Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện ngang tầm khu vực và thế giới, đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp và thực hiện tốt chức trách xã hội.
Để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình, đồng hành cùng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, các cơ quan báo chí trong cả nước cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung như: Cấp ủy của các cơ quan báo chí, hội nhà báo các cấp cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đối với hoạt động báo chí.
Báo chí phải bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; theo sát hơi thở của cuộc sống, của thời đại; tuyên truyền thường xuyên, liên tục về những việc lớn, quan trọng, cấp bách mà hiện nay toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đang tập trung tổ chức thực hiện như: cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị,...
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tích cực, quyết liệt tiến hành đổi mới, sắp xếp, tinh gọn theo hướng tinh - gọn - mạnh; nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn, sức thuyết phục trong công tác thông tin, tuyên truyền của hệ thống báo chí.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hải).
Mỗi cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chú trọng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các ấn phẩm, nền tảng, các loại hình báo chí, nhất là trên Internet, mạng xã hội, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Thường trực Ban Bí thư, cần đặc biệt coi trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Trên cơ sở các quy định đạo đức báo chí, mỗi cơ quan báo chí có thể ban hành quy định riêng phù hợp với đặc thù của từng loại hình báo chí và thực tế của cơ quan, đơn vị mình.
Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thực sự là những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, xúc tích, đi đầu trong mọi mặt trận, đặc biệt là trên mặt trận thông tin, tuyên truyền đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ,...
Những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin, văn hóa
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, hội thảo là hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực, kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Thắng nhấn mạnh, việc tôn vinh, tri ân và động viên đội ngũ những người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin, văn hóa.
Trên hành trình thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình, hàng trăm nhà báo đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường ác liệt trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc.
Trong những năm tháng cam go nhất của chiến tranh dưới khẩu hiệu mỗi người làm báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, các nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng dấn thân nơi tuyến đầu, trở thành cầu nối giữa chiến trường với hậu phương, giữa sự thật và công lý.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay đội ngũ những người làm báo tiếp tục khẳng định vai trò xung kích trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Không quản hiểm nguy, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã dấn thân, điều tra, kiên trì theo đuổi đến cùng để phanh phui những sai phạm, góp phần làm trong sạch bộ máy, bảo vệ công lý, giữ gìn kỷ cương, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu qua lịch sử 100 năm hình thành và phát triển Báo chí cách mạng Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, chúng ta phải luôn kiên định về vai trò báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, thông tin truyền thông.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hải).
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ những người làm báo vừa hồng, vừa chuyên, giàu tâm huyết, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; không ngại hy sinh vì lý tưởng lớn lao, làm nên truyền thống vẻ vang, bản sắc và uy tín của nền Báo chí cách mạng Việt Nam; luôn bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, từ đó góp phần thúc đẩy tư duy cổ vũ cái mới, phê phán cái lạc hậu,...
Các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, chủ động thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu truyền thông hiện đại, duy trì sức lan tỏa và hiệu quả xã hội; đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
"Đây chính là những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nền tảng vững chắc để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang", ông Nguyễn Xuân Thắng nêu.
Đảng, Nhà nước, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của các nhà báo liệt sĩ
Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết với tinh thần khoa học, nghiêm túc, khẩn trương hội thảo đã triển khai đúng yêu cầu, nội dung đề ra.
Hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của các thế hệ nhà báo, đặc biệt là các nhà báo lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham dự buổi hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong quá trình chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được số lượng lớn bài tham luận và đã lựa chọn 100 bài chất lượng cao để đăng bài kỷ yếu về hội thảo.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, các bài tham luận tại hội thảo có tinh thần khoa học cao, sâu sắc, tâm huyết đặc biệt là những câu chuyện về những nhà báo đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và viết báo ở chiến trường đã hy sinh anh dũng hết sức xúc động, tự hào.
"Hơn cả là niềm tự hào về những thành tựu to lớn trên chặng đường 100 năm vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, nội dung các tham luận đã bám sát, tập trung phân tích và làm nổi bật về chủ đề của hội thảo", ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.
Từ những tham luận tại hội thảo, Ban tổ chức đã đi đến những vấn đề trọng tâm như: Khẳng định được đóng góp to lớn của Báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp vẻ vang của Đảng, dân tộc. Chặng đường vẻ vang một thế kỷ qua, Báo chí cách mạng Việt Nam được mở đầu bằng sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh niên ngày 21/6/1925.
Sau khi ra đời, báo Thanh niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, truyền bá tư tưởng cách mạng đến đông đảo tầng lớp nhân dân, giai cấp công nhân; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Nguyễn Hải).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách, bồi đắp niềm tin, thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong mỗi thế hệ người dân Việt Nam, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết giữa các tầng lớp, giai cấp góp phần đưa cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đông đảo các nhà báo đã vượt qua khắc nghiệt, mưa bom bão đạn của khói lửa chiến tranh; vừa cầm bút, vừa cầm súng để làm báo và chiến đấu. Hàng trăm nhà báo đã hy sinh, hàng nghìn người đã bị thương nhưng dòng chảy thông tin chưa bao giờ dứt.
"Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các nhà báo liệt sĩ đã góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam và của dân tộc Việt Nam anh hùng", Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu.
Ông nhấn mạnh, gần 40 năm đổi mới, vai trò của báo chí thể hiện ngày càng thể hiện rõ hơn trong việc tuyên truyền, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo.
Báo chí phản ánh kịp thời các mô hình tiên tiến, các kinh nghiệm tốt, các bài học hay của các cá nhân, đơn vị, địa phương và mở ra khả năng truyền bá, phổ biến, hiện thực hóa các kinh nghiệm, bài học đó để phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.
Báo chí cũng tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch,...
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, cơ đồ và uy tín đất nước Việt Nam hôm nay có phần đóng góp công sức không nhỏ của Báo chí cách mạng Việt Nam.
Mỗi người làm báo hôm nay cần tự hào với truyền thống 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam và đồng thời cần nhận diện rõ những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ông cho rằng, kỷ nguyên mới cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới cao hơn đối với Báo chí cách mạng Việt Nam; đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm với nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại,...
Tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng 100 năm qua, chúng ta cần tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng tầm một thế hệ nhà báo tương lai bút sắc, lòng trong, tâm sáng, thấm nhuần tinh thần phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần đào tạo người làm báo phải giỏi về nghiệp vụ báo chí, sâu sắc về lý luận chính trị, am hiểu thực tiễn đời sống xã hội và tinh thông về ứng dụng công nghệ.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương yêu cầu xây dựng thể chế, chính sách có tính định hướng và kiến tạo môi trường cho sự phát triển lành mạnh của báo chí; khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành,...
Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân,... tổ chức.
Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), góp phần cổ vũ, động viên đội ngũ người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững bản lĩnh chính trị, đổi mới, sáng tạo, xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá,...
Ban Tổ chức hội thảo cho biết, hội thảo đã nhận được 100 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà lãnh đạo, quản lý về báo chí làm sâu sắc hơn ý nghĩa khoa học và thực tiễn về sự kiện 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.
Các nhóm nội dung chính được đề cập đó là: Báo chí cách mạng đồng hành cùng dân tộc trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (1925-1945); Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đóng góp quan trọng vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.
Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập; Bối cảnh mới, những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề đặt ra đối với Báo chí cách mạng Việt Nam; Giải pháp xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.