1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “nạn nhân” không thương tích của vụ sập cầu

(Dân trí) - Vụ sập cầu thảm khốc chưa từng có xảy ra hôm 26/9 đã làm hơn 50 người chết, 87 người bị thương, bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh chia ly, tang tóc. Và có nhiều người dù không có mặt ở hiện trường, cũng trở nên khốn đốn sau vụ sập cầu lịch sử ấy.

Đã bước qua ngày thứ 6 nhưng người dân sống gần công trình cầu Cần Thơ vẫn chưa qua cơn bàng hoàng. Sự cố sập cầu không chỉ gây đau thương, mất mát về con người và của cải mà còn khiến biết bao người dân mưu sinh dưới chân cầu rơi vào cảnh khốn đốn.

 

Quay trở lại ngày cây cầu mới khởi công, vùng đất ven sông Hậu vốn vắng vẻ, heo hút bỗng trở nên “có giá”. Rất nhiều người đã đổ về xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) mua đất dựng nhà, mở dịch vụ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hàng nghìn công nhân, kỹ sư…

 

Các quán cơm, giải khát dưới chân cầu, hàng ngày nườm nượp khách vào ra. Bà Đàm Thị Sanh (thường gọi là Tám Nổ), chủ một quán cơm gần cầu, cho biết ngày nào quán của bà cũng tiếp khoảng 400 lượt khách. Và ở khu vực này, đâu chỉ có quán cơm của bà Sanh.

 

Quán cà phê, giải khát và tạp hóa của ông Chín Nén (ông Nguyễn Văn Nén), từ hôm cầu sập, cũng heo hắt không kém. Ông Nén thở dài bảo ngày trước, mỗi ngày bình quân bán được gần 2 triệu tiền nước; trong khi tiền thuế chỉ mất hơn 200 nghìn, thu nhập cũng khá.

 

Tai họa ập đến, bao nhiêu nỗi thống khổ cũng kéo đến theo. Bà Sanh mặt rầu rầu chỉ lên bàn thờ, nơi có di ảnh của người con nuôi Nguyễn Quốc Dũng (SN 1977). Bà bảo chậm tí nữa là bà cũng đã nằm dưới đống sắt cùng con. Mất con, bà Sanh chẳng thiết làm ăn, quán cơm đóng cửa im ỉm gần một tuần nay.

 

Gần đó, chủ quán Ngọc Mai cũng rầu rĩ không kém. Chị cho biết đang sốt ruột chờ Công ty Vĩnh Thịnh, nhà thầu vẫn thuờng đặt cơm cho công nhân ở chỗ chị, tới thanh toán khoản nợ hơn chục triệu. Quán Ngọc Diễm vẫn kiên trì mở cửa, nhưng khách lèo tèo vài ba người... 

 

Hai hộ kinh doanh chịu thiệt hại lớn nhất là nhà ông Nguyễn Văn Nén và bà Trần Thị Lan.

 

Những “nạn nhân” không thương tích của vụ sập cầu - 1

Trong mái nhà dựng tạm, ông Nén thẫn thờ lần giở 4 cuốn

sổ nợ chi chít tên công nhân. Trong số họ có nhiều người

đã chết, có người còn sống nhưng mang thương tật suốt đời.

Cả gia tài của ông nằm ở đây, nhưng ông cũng

không nỡ đòi ai khoản nợ này.

 

Quán và nhà ở của gia đình ông Nén đều bị giàn giáo hàng chục tấn đè  xuống, rất may nhà ông không ai bị thương. Bây giờ cả gia đình ông 4 người phải sống tạm bợ dưới cái lán lợp tạm trong mảnh vườn đầy sình lầy. Thúy, con gái ông Nén, nghẹn ngào: “May mắn thoát chết nhưng ngày mai không biết sống bằng gì khi mà nhà không có ruộng, vườn có mấy chục gốc bưởi Năm Roi cũng đã chết vì phèn từ công trình chui lên. Quán nước là cái “cần câu cơm” của cả nhà, ai dè…”.

 

Cầm trên tay 4 cuốn sổ ghi nợ, ông Nén run run lật từng trang. Những dãy tên công nhân ghi sổ nợ dài dằng dặc, giờ người mất cả rồi, biết đòi ai đây. Ông Nén thất vọng: “Số vốn ít ỏi của gia đình nằm lại cả trong đống sổ sách kia, hơn chục triệu các công nhân của 2 công ty VSL và Vĩnh Thịnh còn nợ không biết đòi ai đây. Từ khi mất nhà mất cửa đến giờ cũng chẳng có một ai bên công trình thăm hỏi một tiếng”.

 

Bà Trần Thị Lan, chủ quán mỳ và cà phê cũng bị mất nhà trong vụ sập cầu. Đứng cạnh đống đổ nát, bà Lan buồn bã: “Người ta nợ tui hơn ba chục triệu mới trả được gần hai chục,..”.

 

Tuy không bị thiệt hại gì nhưng cho đến bây giờ, gia đình bà Bùi Thị Bé Sáu vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về một vụ sập cầu quá thảm khốc. Gia đình bà có 4 ngôi nhà ở sát chân cầu nhưng giờ đành bỏ trống vì không dám ở trong đó. Cả nhà dồn lại trong một ngôi nhà chật hẹp.

 

Cho đến 5 giờ chiều qua (2/10), một số hộ dân sống gần khu vực xảy ra sự cố đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Lại những chuỗi ngày bấp bênh…

 

Đức Nguyễn