1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những đứa trẻ mồ côi sau vụ lật cầu treo thảm khốc

(Dân trí) - Đã hơn một tháng sau vụ lật cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu), đau thương vẫn nằm lại hai bên bờ cây cầu định mệnh. Ở hai thôn Chu Va 6 và 8 giờ có thêm nhiều gia cảnh vợ góa con côi...

Khắp các bản làng ở Tam Đường - Lai Châu, bà con đang tất bật chuẩn bị bước vào mùa vụ sản xuất mới. Người dân hai thôn bên bờ cây cầu Chu Va 6 đang dần ổn định cuộc sống, tập trung vào sản xuất. Nhưng không còn cảnh tất bật rủ nhau đi làm rẫy, thay vào đó là hình ảnh những người mẹ dắt con nhỏ lầm lũi lên nương. Chỉ trong phút chốc, những người chồng, người cha của họ đã mãi mãi ra đi, để lại  những người vợ góa, con côi. 

Chị Cứ Thị Giàng ở thôn Chu Va 6 - vợ nạn nhân Hàng A Khoa - đang gắng gượng vượt qua nỗi đau để lo cho 5 đứa con thơ dại. Chị bảo, ngoài làm ruộng nương, gia đình không còn một nguồn thu nhập nào khác. Mà để trồng ngô, trồng sắn thì phải có sức khỏe như đàn ông mới làm được. Trước đây, mọi việc công việc từ nhỏ đến lớn đều do một mình anh Khoa đảm nhiệm. Chị Giàng chỉ là người phụ trợ chồng trong những công việc nhẹ nhàng hơn.

Ngày anh Khoa mất, cháu Hàng A Quốc mới chào đời hơn 3 tháng, vậy là đứa con út chưa kịp biết mặt bố. Giờ công việc chất đống mà chị Giàng không thể đi làm, phần vì con nhỏ dại, phần vì quá đau buồn. Cháu lớn nhất nhà chị là Hàng Thị Mùa mới 13 tuổi, mới biết trông em và đỡ đần mẹ những việc vặt.


Bản nghèo Chu Va sau vụ lật cầu thương tâm 
Bản nghèo Chu Va sau vụ lật cầu thương tâm 

Chị Cứ Thị Giàng lo lắng vì gia đình không còn người lao động chính
Chị Cứ Thị Giàng lo lắng vì gia đình không còn người lao động chính

Vụ mùa đang đến rất gần, không làm thì sẽ không có cái ăn, ngồi ôm 5 con nhỏ, chị Giàng chỉ còn biết khóc. 

Một hoàn cảnh cũng đáng thương không kém là gia đình nạn nhân Thảo A Dơ ở thôn Chu Va 8. Dơ mất đi bỏ lại người mẹ Giàng Thị Mải cùng người vợ trẻ. Hai người cưới nhau đã mấy năm mà chưa kịp có con...

Mẹ của Dơ tinh thần không minh mẫn nên hàng ngày chỉ loanh quanh ở nhà; vợ anh cũng sức yếu nên không kham nổi những công việc nặng nhọc. Hàng ngày chị Bơ chỉ biết theo con trâu lên núi, tối lại dắt trâu về nhà. Chiều tối, khi chúng tôi tìm đến, hai mẹ con chị Bơ đang ngồi thẫn thờ trước bếp lửa cháy rực. Cả hai đều không biết tiếng phổ thông, phải nhờ người hàng xóm làm “phiên dịch” giúp để trò chuyện với phóng viên.

Được biết, trước đây anh Dơ là lao động chính trong gia đình. Nhà anh chỉ có vài sào ruộng nhưng làm hết mới đủ gạo ngô để ăn. Để kiếm thêm thu nhập, gần như quanh năm anh đi làm thuê, khi thì cày mướn, lúc phát nương lấy tiền nuôi sống gia đình.

Sau khi xảy ra tại nạn, như những gia đình cùng cảnh ngộ, gia đình đã nhận được số tiền hỗ trợ 55 triệu đồng từ những tấm lòng hảo tâm và các cơ quan ban ngành. Số tiền tuy lớn đối với bà con, nhưng không bù đắp được nỗi mất mát lớn khi mất con, mất chồng. 

Những nạn nhân bị thương tích nặng đã được xuất viện, dù chưa khỏe hoàn toàn nhưng vì cái ăn cho gia đình, mùa vụ này họ vẫn phải lên nương. Anh Hàng A Xẻng ở thôn Chu Va 8 với vết thương cột sống chưa bình phục, đi lại vẫn cần người thân giúp đỡ và đôi nạng, than, không làm lấy gì mà ăn?

Chị Cứ Thị Giàng lo lắng vì gia đình không còn người lao động chính
Ông Vàng A Hồ - Chủ tịch xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu: " Nhiều gia đình mất người nên không còn lực lượng lao động..."

Anh Xẻng chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi mổ và điều trị không mất tiền viện phí, các bác sĩ cũng tận tình chăm sóc nên mới mau chóng khỏi bệnh như vậy. Có lẽ người nghèo như chúng tôi sẽ không thể có tiền thực hiện được những ca mổ nặng như thế. Không những thế gia đình còn được một khoản tiền hỗ trợ, chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi, động viên rất nhiều. Nhưng may mắn hơn là mình đã sống xót, thoát chết trong gang tấc”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vàng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, Tam Đường cho biết, đến nay hầu hết bà con đều quên đi những nỗi đau để tập trung ổn định sản xuất. Mùa vụ trước mắt sẽ là thách thức lớn đối với nhiều gia đình bởi không có người lao động chính, không còn trụ cột. 

Theo ông Hồ, sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan ban ngành, những nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ nên bà con cũng phần nào cảm thấy được chia sẻ. Theo thống kê từ những nguồn ủng hộ qua chính quyền địa phương, đến thời điểm này mỗi gia đình có người thiệt mạng đều nhận được số tiền gần 60 triệu đồng, những gia đình có người bị thương là gần 30 triệu.

Quốc Cường - Xuân Thái