Những địa danh mang dấu ấn Cách mạng tháng 8 tại Sài Gòn
(Dân trí) - Dù khởi sự muộn hơn các tỉnh phía Bắc, nhưng chỉ trong đêm 24/8/1945 và sáng 25/8/1945, lực lượng cách mạng Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã giành chính quyền thành công tại khu vực đầu não của toàn Đông Dương lúc bấy giờ.
Bắt đầu chuẩn bị từ ngày 16/8/1945, cách mạng giành chính quyền của quân Dân Sài Gòn – Gia Định đã thành công vào ngày 25/8/1945 (thực hiện: Phạm Nguyễn – Tùng Nguyên)
Theo sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến, vào đêm 16/8/1945 và rạng sáng 17/8/1945, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng lần 1 đã được tổ chức tại Chợ Đệm (Tân Túc, Bình Chánh hiện nay). Đình Tân Túc bên sông chợ đệm là căn cứ địa của Tỉnh ủy Chợ Lớn trở thành nơi nuôi dấu lực lượng vũ trang khu vực Chợ Đệm chuẩn bị cho cách mạng tháng 8.
Trong kỳ họp này, hội nghị chưa quyết định khởi nghĩa nhưng yêu cầu các lực lượng phải túc trực tại Sài Gòn, sẵn sàng khởi nghĩa. Hội nghị cũng quyết định để Đảng Cộng sản, Việt Minh ra hoạt động công khai.
Sáng 18/8, trước phòng mạch của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trên đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên được treo lên một cách công khai giữa Sài gòn, thủ phủ của toàn vùng Đông Dương.
Sáng 19/8/1945, tại vườn ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn), Thanh niên Tiền phong đã tổ chức lễ tuyên thệ với 70.000 người tham dự. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập. sau lễ tuyên thệ, 70.000 thanh niên đã tuần hành trong thành phố, hát vang những bài ca cổ vũ thanh niên “lên đàng” đấu tranh.
Cũng trong ngày 19/8/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Xứ ủy Tiền Phong liên tiếp tổ chức 2 cuộc mít tinh công khai hoạt động tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (Rạp chiếu bòng Công nhân), Việt Minh tổ chức mít tinh trình bày chương trình hành động, thu hút đông đảo đồng bào tham dự. Cờ Việt Minh, cờ Đảng xuất hiện ở nhiều nơi.
Sáng 20/8, Xứ ủy Tiền phong được tin Hà Nội khởi nghĩa thành công. Xứ ủy triệu tập hội nghị Chợ Đệm lần 2 vào đêm 20 và ngày 21/8. Trong hội nghị lại tiếp tục tranh cãi thời cơ khởi nghĩa. Sau cùng, Hội nghị quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm vì ở đây cơ sở quần chúng mạnh, qua đó sẽ giúp Xứ ủy nắm rõ phản ứng của Nhật.
Nếu Tân An khởi nghĩa thắng lợi thì các tỉnh còn lại của Nam Kỳ sẽ đồng loạt khởi nghĩa. Thời điểm chuẩn bị của Tân An là đêm 21/8 và ngày 22/8, ngày 23/8 báo cáo. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa thí điểm tại tỉnh Tân An.
Khi Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng về đến Tân An thì Tỉnh ủy Tân An đã phát động khởi nghĩa cướp chính quyền trong ngày 21/8 vì thấy thời cơ đã tới. Ngày 21/8, Tân An khởi nghĩa và đến ngày 22/8, cách mạng đã thành công, bắt sống Tỉnh trưởng và chiếm được chính quyền.
Sáng sớm 23/8, được tin khởi nghĩa ở Tân An đã thắng lợi, Nhật không có phản ứng gì, Xứ ủy Tiền phong lại họp hội nghị Chợ Đệm lần 3 và quyết định đêm 24 và ngày 25/8, Sài Gòn - Gia Định sẽ khởi nghĩa theo kế hoạch đã vạch ra và có sự tham gia của nhân dân các tỉnh xung quanh, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ sẽ ra mắt quốc dân đồng bào, các tỉnh cử đại biểu về quan sát và nghe chỉ thị khởi nghĩa của toàn Nam Bộ.
Ngay từ đêm 24/8, quần chúng nhân dân Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một… rầm rập kéo về nội thành Sài Gòn. Từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên có tổ chức, mang theo giáo mác, tầm vông vót nhọn… với khí thế ngút trời khiến quân địch không còn ý chí chống cự.
Từ 17 giờ đến 22 giờ ngày 24/8, quân khởi nghĩa Sài Gòn - Gia Định chiếm các Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà đèn, các quận, bốt… và các cầu chính bao quanh khu trung tâm Sài Gòn như cầu Thị Nghè, Nhị Thiên Đường, cầu Mống…
Vào lúc 22 giờ 24/8, Trung đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm Dinh Khâm sai (nay là Bảo tàng TP) của chính quyền Trần Trọng Kim. Cờ “quẻ li” bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Cuộc chiếm “Soái Phủ Nam Kỳ” cũng không vấp phải sự kháng cự gì. Riêng tại Sở Mật thám Catinat, phía phản cách mạng chống cự một cách yếu ớt và bị lực lượng khởi nghĩa đè bẹp ngay.
Từ 5 giờ sáng ngày 25/8, nhân dân Sài Gòn - Gia Định lại cầm cờ, biểu ngữ tràn xuống các đường phố, thể hiện quyết tâm giành độc lập thật sự. Theo ước tính, có khoảng một triệu người Sài Gòn - Gia Định tham gia cuộc biểu tình tuần hành lớn này để biểu dương lực lượng. Đoàn người bắt đầu từ nhà từ Đức Bà kéo qua các đường phố Catina (Catinat), Bỉ (Belgique), Kitsơne (Kitchener), Bôna (Bonnard)…
Đến trưa 25/8, đoàn tuần hành tụ tập tại ngã tư đường Bonnard - Charner (nay là Lê Lợi – Nguyễn Huệ) trước dinh Đốc lí thành phố (này trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố) để biểu dương lực lượng.
Sau đó, quần chúng cách mạng đã dễ dàng chiếm lĩnh Dinh Đốc lý để dùng làm trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Chiếm dinh Đốc lý, Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8 kết thúc thắng lợi.
Tại ban công của tòa nhà này, đồng chí Trần Văn Giàu, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ, đọc lời kêu gọi nhân dân thành phố, cả Nam Bộ, cùng đồng bào cả nước quyết tâm đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn