1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Về Bức thư của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2/1933

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã số hóa và đăng đầy đủ 54 tập Văn kiện Đảng toàn tập phát lên mạng internet theo chức năng của Báo. Trong đó, tập 4 được đăng ngày 10/6/2003, có bức thư của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Đông phương bộ (thuộc Quốc tế Cộng sản) và các thuộc địa (từ trang 49 đến trang 63), trong đó có đoạn viết “…đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Kông”. Nhưng gần đây, một số người trích đoạn thư này đưa lên một số mạng xã hội: “Nguyễn Ái Quốc đã bị ám sát vào năm 1932". Đây là cách đưa tin "cắt xén", "mập mờ" với dụng ý xấu. Thậm chí họ còn "câu khách" bằng thủ đoạn loan tin: "Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa tin". Do đó, chúng tôi nêu đầy đủ hoàn cảnh ra đời của bức thư để bạn đọc suy ngẫm và hiểu đúng sự thật.


Bìa
    cuốn sách:


Bìa cuốn sách: Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập
Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1999

Theo cuốn Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tập 2 đã thuật lại rất kỹ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian từ đầu năm 1930 đến cuối năm 1933:

Cuối tháng 12 năm 1929, dưới danh nghĩa của đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từ Xiêm (Thái Lan) trở về Hồng Kông (Trung Quốc) để triệu tập hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam (là An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Ít ngày sau đó, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ở lại Hồng Kông để hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước.

Sáng 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc - tên trong thẻ căn cước là Tống Văn Sơ, đã bị cảnh sát Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của thanh tra cảnh sát A. E. Ca-rây bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168, đường Tam Lung (Hồng Kông, Trung Quốc) mà không có lệnh bắt. Cùng bị bắt với Nguyễn Ái Quốc còn có Lý Phương Thuận (Lý Sâm). Cảnh sát thu được một số giấy tờ doNguyễnÁi Quốcghi những địa danh mà cảnh sát Anh và mật thám Pháp không xác định được.

Tuy vậy, mãi 5 ngày sau, đến ngày 11/6/1931, Thống đốc Hồng Kông mới ký lệnh bắt giam (Lệnh thứ nhất) đối với Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc).

Ngày hôm sau, 12/6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị đưa từ nhà giam của Sở Cảnh sát Hồng Kông đến giam tại ngục Vích-tô-ri-a cho đến ngày 18/6/1931.

Ngày 24/6/1931, Nguyễn Ái Quốc được luật sư người Anh là Ph. H. Lô-dơ-bi đến gặp tại ngục Vích-tô-ri-a.

Ngày 25/6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ký lệnh bắt giam (Lệnh thứ hai).

Ngày 2/7/1931, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bị Thống đốc Hồng Kông ký lệnh bắt giam (Lệnh thứ ba).

Sau ba lần bị Thư ký Trung Hoa thẩm vấn mà không thu được kết quả gì, đến ngày 30/7/1931, Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông lại ký lệnh bắt giam (Lệnh thứ tư).

Ngày 31/7/1931, Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử (Phiên toà thứ nhất). Tại toà, luật sư Ph. C. Gien-kin theo sự uỷ nhiệm của luật sư Lô-dơ-bi, thuộc "Văn phòng luật sư Rớt-xơ" thay mặt Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) và Lý Phương Thuận (Lý Sâm) nêu rõ: “Việc bắt Nguyễn Ái Quốc và Lý Phương Thuận ngày 6/6/1931 mà không có lệnh bắt là bất hợp pháp và việc thẩm vấn họ sau 1 tháng (ngày 10/7/1931) mới tiến hành là phạm luật”.

Đến ngày 14/8/1931, trong phiên tòa xét xử lần thứ hai, viên công tố của Chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông đã đọc lệnh trục xuất Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) ra khỏi Hồng Kông.

Sau đó, Tòa án của Chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông còn chín lần mở phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc). Tại phiên xét xử lần thứ năm, ngày 24/8/1931, Tống Văn Sơ đã đanh thép tố cáo trước tòa: “Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ. Tôi đã tham gia tích cực vào phong trào này trong một thời gian trước ngày tôi bị bắt ở Hồng Kông ngày 6/6/1931.

Theo những người cầm quyền của Chính phủ Pháp thì tham gia vào một phong trào như vậy là phạm tội và kẻ phạm tội phải nhận án tử hình.

... Mục đích thực sự của Chính quyền Hồng Kông khi tiến hành các thủ tục trục xuất tôi là nhằm khẳng định việc giao tôi cho Pháp ở Đông Dương để Chính phủ Pháp xử lý tôi theo tội trạng đã nói trên”.

Vậy là Chính quyền thực dân Anh đã không dám trục xuất Nguyễn Ái Quốc, nhưng vẫn giam giữ.

Trong thời gian bị giam giữ, Nguyễn Ái Quốc đã luôn được hai luật sư người Anh là Lô-dơ-bi và Gien-kin bênh vực. Sau rất nhiều lần gửi đơn kháng án và nhờ sự đấu tranh của các luật sư, chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc vào ngày 28/12/1932.

Ngày 12/1/1933, Nguyễn Ái Quốc xuống tàu thủy tới Xinh-ga-po. Chính quyền thực dân Anh ở Xinh-ga-po không cho Nguyễn Ái Quốc lên bờ và bắt phải quay trở lại Hồng Kông do nhận được thông báo của Chính quyền Hồng Kông.

Ngày 19/1/1933, sau khi quay trở lại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc lại bị thực dân Anh ở đây bắt. Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi luật sư Lô-dơ-bi báo tin mình lại bị giam giữ và yêu cầu luật sư can thiệp. Nhờ sự can thiệp đó, Thống đốc Hồng Kông đã chỉ thị cho cảnh sát ngay trong đêm 19/1/1933 phải trả lại tự do cho Người.

Đến ngày 22/1/1933, được sự giúp đỡ của Luật sư Lô-dơ-bi và sự thỏa thuận miễn cưỡng của viên Thống đốc Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật xuống tàu rời Hồng Kông đến Hạ Môn (Trung Quốc), rồi sau đó tiếp tục đến Thượng Hải (Trung Quốc).

Từ khi bị bắt, bị giam giữ, kể cả bị đưa ra xét xử, các tổ chức cách mạng ở trong nước không hề có được thông tin về Nguyễn Ái Quốc. Nguyên nhân là Chính quyền thực dân Anh đã bưng bít thông tin và bí mật bắt tay với Chính quyền thực dân Pháp để cho thực dân Pháp ở Đông Dương tìm cách hãm hại Nguyễn Ái Quốc. Bản thân Nguyễn Ái Quốc lúc này cũng không bắt được liên lạc với các tổ chức cách mạng ngay ở Hồng Kông, Trung Quốc và trong nước. Ngày 25/3/1933, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã chính thức phát lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc.

Mãi đến cuối thu năm 1933, khi đang ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và các đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vay-ăng Cu-tuy-a-ri-ê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vay-ăng Cu-tuy-a-ri-ê. Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vay-ăng Cu-tuy-a-ri-ê. Người kể cho Pôn Vay-ăng Cu-tuy-a-ri-ê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vay-ăng Cu-tuy-a-ri-ê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp nối được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Nguyễn Ái Quốc có dịp kể lại nỗi vui mừng của mình lúc ấy bằng hai câu thơ:

“Ba năm lưu lạc linh đinh
Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.


Đồng
    chí Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1933 tại Thượng Hải
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1933 tại Thượng Hải
(Nguồnảnh:"Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập
Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1999)


Còn về Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, kể từ khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt (ngày 6/6/1931) đã hoàn toàn mất liên lạc, trong khi Chính quyền thực dân Anh đã đánh lạc hướng dư luận thỉnh thoảng lại tung tin Tống Văn Sơ đã chết. Trong khung cảnh ấy, nhiều người cộng sản Việt Nam cũng tưởng rằng Nguyễn Ái Quốc đã bị sát hại trong nhà tù thực dân.

Chính vì những lý do như vậy cho nên vào khoảng đầu tháng 2 năm 1933, nhân kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc này đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã viết một bức thư rất dài với nhan đề “Kỷ niệm ba năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” gửi cho Đông phương bộ và các thuộc địa, trong đó có đoạn: “... Được lập nên từ những nhóm nhỏ qua các cuộc tranh đấu không thương xót chống các kẻ tử thù của giai cấp vô sản, Đảng Cộng sản Đông Dương vừa được thống nhất vào đêm trước của cuộc bãi công có tính chất khởi nghĩa của các phu đồn điền Phú Riềng, bởi ba nhóm cộng sản của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của người sáng lập của nó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Kông”.

Đây là một bản báo cáo về tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời tố cáo Chính quyền thực dân Anh ám sát Nguyễn Ái Quốc vì Chính quyền thực dân Anh nhiều lần tung tin Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) đã chết.

Và thực tế lịch sử đã chứng minh, bằng sự thông minh, khôn khéo, gan dạ, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua những ngày sóng gió, đấu tranh phá vỡ âm mưu của thực dân Anh và thực dân Pháp định ám sát Người, đồng thời nối lại liên lạc với tổ chức cách mạng, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước.

82 năm qua, chúng ta cùng nhớ lại những ngày tháng lịch sử đầy thử thách, khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, hào hùng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng Việt Nam, từ đó nhắc nhớ các thế hệ con cháu dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn vững niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất đước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Theo Trần Quỳnh
Báo điện tử ĐCSVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm