1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thái Nguyên:

Những cung đường gỗ lậu kỳ lạ “chạy qua mặt” kiểm lâm

(Dân trí) - Sau khi những cây nghiến đại thụ bị đốn hạ, “xưởng cưa” được lập ngay tại gốc cây, xẻ thành gỗ nghiến thành phẩm, chuyển xuống chân núi. Từ đây, gỗ “chạy” khỏi rừng theo 3 con đường; trong đó có 2 đường qua... cửa trạm kiểm lâm xã Sảng Mộc.

Những cung đường gỗ lậu


Những cuộc “tàn sát” gỗ nghiến kiểu tận diệt của lâm tặc tại rừng đặc dụng xã Sảng Mộc - Võ Nhai (Thái Nguyên) kéo dài trong suốt 3 năm. Với cưa xăng, cứ trung bình 30 phút, nghiến tặc hạ một gốc nghiến đường kính từ 1,5 - 2m.


Một người dân địa phương cho biết, vào thời điểm “nóng”, tính không xuể lượng cưa xăng trên rừng, có thể lên đến hàng trăm máy; còn vào ngày bình thường tính sơ sơ cũng vài chục cái. Thử làm một phép tính: trong suốt 3 năm ròng, rừng nghiến bị “chảy máu” một lượng gỗ lớn đến đâu? Kiểm lâm không dám tính! Chúng ta không tính nổi!


Vận chuyển gỗ trái phép bằng vác bộ đi xuyên núi rừng.

Vận chuyển gỗ trái phép bằng vác bộ đi xuyên núi rừng.

Gỗ nghiến được cưa xẻ, sơ chế thành phẩm ngay trong rừng già.
Gỗ nghiến được cưa xẻ, sơ chế thành phẩm ngay trong rừng già.

Theo điều tra của PV Dân trí, một cung đường gỗ lậu đã được hình thành một cách khá táo tợn, bắt đầu tại rừng đặc dụng Sảng Mộc. Sau khi gỗ được tuồn khỏi rừng xuống điểm tập kết dưới chân núi tại thôn Tập Lập (Sảng Mộc), các đầu nậu trực sẵn để cất hàng bằng đội xe thồ hùng hậu. Sau đó, gỗ lậu sẽ “chạy” qua 3 con đường: Một đường chạy sang huyện Na Rì (Bắc Kạn) vốn giáp ranh với xã Sảng Mộc, chỉ cách khoảng vài km (cung đường này vận chuyển bằng xe máy theo đường lớn trải nhựa); Một đường chạy ngược lại xã Nghinh Tường bằng xe máy cũng trên đường lớn; chạy qua cửa Trạm Kiểm lâm xã Sảng Mộc, sau đó gỗ được vác bộ qua bản Nháu (Nghinh Tường) tuồn sang tỉnh Lạng Sơn. Con đường này cả đoạn vận chuyển bằng xe thồ và đoạn vác bộ dài khoảng 9km.


Cung đường gỗ lậu cuối cùng ra xã Thượng Nung, cũng chạy qua cửa Trạm Kiểm lâm Sảng Mộc. Từ đây gỗ được chuyển ra Tân Long về huyện Đồng Hỷ. Cung đường này dài khoảng 20km.
 
2 trong số 3 cung đường gỗ lậu tại rừng đặc dụng Sảng Mộc "kỳ lạ" ở chỗ đàng hoàng chạy qua cửa trạm kiểm lâm, lại bằng xe thồ thô sơ, nhưng tất cả đều trót lọt (!)
 

Mỗi xe thồ thường chở hết công suất là 10 thanh nghiến/chuyến. Có 2 loại đầu nậu gỗ tại Sảng Mộc: Một loại là các nhóm khoảng 5, 6 người tập trung kiểu tự phát. Đây gọi là các đầu nậu gỗ nhỏ bởi họ sử dụng phương tiện của mình và tự mình “cất hàng” từ cửa rừng chở đi tiêu thụ. Một loại là các đầu nậu cỡ bự với đội quân hùng hậu từ đội cưa trên rừng, đội vác gỗ từ rừng xuống cửa rừng và đội xe lên đến vài trăm chiếc vận chuyển gỗ đi tiếp. Loại đầu nậu này thường cất những chuyến lớn theo đơn đặt hàng bởi gỗ thì không bao giờ thiếu và chặt dễ như trong… vườn nhà.


Một thân gỗ to bị lâm tặc chặt hạ
Một thân gỗ to bị lâm tặc chặt hạ
Ngay tại khu vực ngã ba Nghinh Tường - Sảng Mộc, cách trạm kiểm lâm Sảng Mộc chừng 5km, nữ đầu lậu Cai H. hay còn gọi là K "ngọng" nổi tiếng khắp cả vùng. K "ngọng" có cả các đội cưa, vác và xe được tổ chức khá chặt chẽ. Riêng đội xe của K "ngọng" cũng lên đến 30 - 50 chiếc. Có nghĩa là mỗi đêm, nếu hoạt động hết công suất, K "ngọng" có thể chuyển được 500 thanh nghiến ra khỏi rừng đặc dụng, thu lợi khoảng 20 triệu đồng.
 
Theo ước tính của người dân, có khoảng 500 xe thồ tại Sảng Mộc và vùng Nghinh Tường chuyên phục vụ cho việc chuyển gỗ trái phép tại rừng Sảng Mộc.


Mối quan hệ Kiểm lâm - Lâm tặc: “Ván bài lật ngửa”?


Người cấp tin cho cho PV Dân trí đã khẳng định đi khẳng định lại với chúng tôi rằng chính anh, con trai và cháu của anh cũng như những người dân Nghinh Tường, Sảng Mộc ở đây vừa đau xót nhìn rừng bị phá nhưng vì miếng cơm manh áo cũng đã nhiều lần làm cửu vạn thuê cho các đầu nậu. Chính vì vậy, các cung đường gỗ lậu “ngầm” như thế nào anh đều biết. Và không chỉ anh mà hầu hết những người dân ở đây, người ít thì một vài lần, người nhiều thì hàng trăm, hàng nghìn lần đi chở gỗ thuê cho đầu nậu, đều biết. Vì thế, các cung đường gỗ lậu ấy chỉ “ngầm” với cơ quan chức năng, còn với người dân thì rõ như ban ngày!

 

Trước dư luận bất bình về tài nguyên Khu bảo tồn bị “xẻ thịt”, rất mong tỉnh Thái Nguyên “thượng tôn pháp luật”, làm rõ vụ việc để xử lý kẻ tiếp tay cho “nghiến tặc” phá rừng cũng như truy tố, xét xử công khai những đối tượng lâm tặc "tàn sát" gỗ nghiến trái phép tại huyện Võ Nhai.

Theo người cấp tin, một tỉ lệ ăn chia gỗ nghiến được lập khá rõ ràng: 1 thanh nghiến dài 2m có giá định sẵn là 200 nghìn đồng. Các tay cưa trên rừng được hưởng 50 nghìn đồng. Người vác từ rừng xuống chân núi được đầu nậu trả 100 nghìn đồng, “thuế” cho kiểm lâm là 10 nghìn đồng. Còn lại 40 nghìn của đầu nậu.


Người cấp tin cũng cho biết, lực lượng kiểm lâm Trạm Sảng Mộc có 4 người quản lý rừng bằng cách mỗi một xe thồ chở gỗ qua cửa trạm phải nộp 100 nghìn đồng, bất kể xe chở ít gỗ hay nhiều gỗ. Đó là lí do tại sao các tay thồ “sống chết” cũng phải chở hết sức là 10 thanh nghiến, có nghĩa là mỗi một thanh nghiến chịu tiền “luật” 10 nghìn đồng.


Các đầu nậu nhỏ khi qua trạm kiểm lâm phải tự xuống nộp tiền. Các đầu nậu lớn có cả đội xe thì chỉ cần “a lô” thông báo số xe của mình rồi đợi xe qua sẽ đến nộp tiền. Người cấp tin cho hay con cháu của anh bao giờ cũng phải nộp “thuế” 100%, riêng anh thi thoảng kiểm lâm cho qua 1 xe không mất “thuế” bởi đã… tuổi cao sức yếu, chả còn mấy sức mà “kiếm ăn”!
 

Với cách ăn chia như vậy, việc những xe chở gỗ lậu chạy ầm ầm trên đường lớn mà cứ như... vô hình đã trở nên dễ hiểu.  


Để xảy ra tình trạng gỗ nghiến quý bị lâm tặc tàn sát, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Để xảy ra tình trạng gỗ nghiến quý bị lâm tặc tàn sát, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Lại có thông tin rằng không chỉ “quản lý” các xe vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, ngay cả đội cưa máy trên rừng cũng phải nộp “thuế” lên đến hàng triệu đồng cho kiểm lâm (?). Đội kiểm lâm quản lý đội cưa thông qua các đầu nậu, vì vậy nếu tay cưa nào không nộp thuế sẽ không có ai mua hàng và sẽ rất dễ bị…bắt cưa. Đó là lý do khu rừng đặc dụng dù cách trạm kiểm lâm chưa đầy 1km theo đường chim bay nhưng cả trăm chiếc cưa máy vẫn ngang nhiên rú đinh tai nhức óc mà không bị cản trở.


Đúng như lời ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - đã nói, buôn gỗ lậu mang lợi nhuận ngang với thuốc phiện nên dễ làm “mờ mắt” con người. Ông Thuần cũng khẳng định địa bàn nào có đầu nậu gỗ, kiểm lâm phải kê khai hết; nếu kiểm lâm không báo cáo, trách nhiệm sẽ thuộc về chính lực lượng kiểm lâm.
 
“Chỉ có điều tại trạm kiểm lâm Sảng Mộc, với cách ăn chia công khai, kiểm lâm lại chính là đậu nậu gỗ lớn nhất” - người cấp tin chua chát nói. Xin một lần nữa nhắc lại, tất cả những thông tin "bất ngờ" về Trạm Kiểm lâm Sảng Mộc trong bài viết này mới là thông tin của người cấp tin của PV Dân trí. Chúng tôi chưa dám khẳng định, và thực sự cũng không muốn tin điều chua chát đó là sự thật.
 

Trong báo cáo số 119/BC-HKL ký ngày 6/7 về công tác Quản lý bảo vệ rừng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, ông Trần Văn Khánh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đóng trên địa bàn huyện Võ Nhai cho biết, sau một năm truy quét liên tục, tình hình khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép có giảm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại nếu không có sự phối kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Đặc biệt, khu vực giáp ranh, các đối tượng đã lợi dụng đặc điểm về địa hình nên tình hình mua, bán, vận chuyển gỗ nghiến trái phép vẫn còn diễn ra ở các khu vực thuộc xã Thần Sa (Võ Nhai), gỗ nghiến sau khi được khai thác trái phép một phần được vận chuyển bằng ngựa, xe máy ra hướng xã Như Cố (Chợ Mới - Bắc Kạn); một phần được vác bộ và thồ ngựa ra hướng qua xã Quảng Chu (Chợ Mới - Bắc Kạn) rồi tập kết tại một số điểm thuộc xã Yên Ninh ( Phú Lương - Thái Nguyên) để trung chuyển về xuôi.


Anh Thế - Quốc Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm