1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhức nhối nạn cưa xăng ngang nhiên “xẻ thịt” rừng già

(Dân trí) - Hàng triệu ha gỗ trong hệ thống rừng Quốc gia trên cả nước đang kêu gào thảm thiết với tình trạng bị cưa xăng hoành hành “xẻ thịt”. Nhiều cánh rừng gỗ trù phú tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn cũng đang kiệt dần trước những lưỡi cưa... không mắt.

Những năm gần đây, nguồn tài nguyên gỗ quý trong các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn và Vườn Quốc gia trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên liên tiếp bị lâm tặc ngang nhiên xâm hại. Các đối tượng lâm tặc ngày càng tinh vi và ngang nhiên hơn trong việc “hút máu” rừng già.

Cưa xăng được vận chuyển đi sử dụng rất ngang nhiên trên các tuyến đường gần sát với rừng già.
Cưa xăng được vận chuyển đi sử dụng rất ngang nhiên trên các tuyến đường gần sát với rừng già.


Đặc biệt, các đối tượng lâm tặc đã sử dụng thứ “vũ khí” nguy hiểm là cưa xăng để “xẻ thịt” gỗ quý rừng già một cách không thương tiếc. Lãnh đạo Vườn Quốc Gia Ba Bể (Bắc Kạn) cho biết, địa phương đang đau đầu trước thủ phạm cưa xăng rất nguy hiểm bởi chỉ cần hoạt động khoảng 20 phút, “thủ phạm” này sẽ hạ sát ngon lành một cây gỗ nghiến quý hàng trăm tuổi trong rừng già.

 

Một người dân là “cựu lâm tặc” đã từng sử dụng cưa xăng tàn sát gỗ rừng tại tỉnh Thái Nguyên cho biết, cưa xăng được tháo rời phần xích và phần lưỡi khỏi thân cưa để vác vào rừng. Khi đến gốc cây lớn, lâm tặc mới bắt đầu lắp ghép thành cưa hoàn chỉnh. Mỗi chiếc cưa đổ đầy mất khoảng 1,5 lít xăng. Nếu hoạt động hết công suất trong 1 ngày 1 chiếc cưa xăng sẽ “ngốn” hết khoảng 4 lít xăng để “xẻ thịt” một cây gỗ rừng thành hàng chục súc gỗ thành phẩm có khối lượng tới vài m3.


Cưa xăng được vận chuyển đi sử dụng rất ngang nhiên trên các tuyến đường gần sát với rừng già.
Hình ảnh gỗ đại thụ trong rừng đặc dụng Thần Sa Phượng Hoàng tại huyện Võ Nhai - Thái Nguyên bị "xẻ thịt"

Trước vấn nạn cưa xăng hoành hành tàn sát rừng già, ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh Tra, Pháp chế Cục Kiểm Lâm (Tổng Cục Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT) - cho biết, năm 2010, Cục kiểm lâm đã ban hành văn bản quản lý cưa xăng. Theo đó, mức phạt được áp dụng khi bắt giữ các đối tượng lâm tặc sử dụng cưa xăng trái phép có khung từ 1 đến 2 triệu đồng/1 chiếc.

 

Cũng theo ông Trinh, khi phát hiện thấy lâm tặc mang cưa vào rừng thì kiểm lâm phải xử lý ngay. Nhưng thực tế, cho đến nay việc xử lý, thu giữ cưa xăng còn ở mức rất hạn chế và cũng không thể thống kê được bao nhiêu vụ lâm tặc mang cưa vào rừng bị xử lý bằng con số thống kê cụ thể.


 Thủ phạm cưa xăng
 "Thủ phạm" cưa xăng made in China.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nay các đối tượng lâm tặc sử dụng loại cưa xăng có giá dao động trên dưới 3 triệu đồng, xuất xứ từ Trung Quốc; loại cưa trên 10 triệu đồng là hàng cỡ lớn hơn, có xuất xứ Thụy Điển.


Sau khi báo điện tử Dân trí liên tiếp đăng tải loạt phóng sự phản ánh tình trạng nghiến tặc lộng hành, “tàn sát” rừng già tại  khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng (Thái Nguyên), ngày 17/7, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Đoàn Hoài Nam đã ký công văn 377/KL-TTPC về việc báo cáo cáo tình hình khai thác gỗ trái pháp luật tại khu bảo tồn thiên nhiên này.  

Ngày 21/7, Đoàn công tác liên ngành UBND tỉnh Thái Nguyên, dẫn đầu đoàn là Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long đã trực tiếp “mục sở thị” đến hiện trường khu vực rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Sảng Mộc (Võ Nhai) để kiểm tra thực tế. Sau khi chứng kiến sự việc, Chủ tịch Dương Ngọc Long đã tổ chức họp khẩn để chỉ đạo các cơ quan liên quan gấp rút khắc phục hậu quả, nhanh chóng kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Đặc biệt là nhanh chóng làm rõ việc một số cán bộ Kiểm lâm bảo vệ rừng có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc tàn sát gỗ rừng, báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất để có hình thức xử lý cụ thể.

 Thủ phạm cưa xăng
Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra thực tế tại hiện trường gỗ rừng bị lâm tặc "tàn sát" trong rừng đặc dụng Thần Sa Phượng Hoàng ngày 21/7.

Trước đó, Cục Kiểm lâm đã có Công văn giao Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên làm rõ: Diễn biến chi tiết của vụ việc phá rừng tại KBT Thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng bị chặt phá, trong đó cần nêu rõ khối lượng lâm sản bị thiệt hại, các biện pháp ngăn chặn; Việc rà soát bố trí cán bộ và xử lý đối với những tập thể, cá nhân có dấu hiệu sai phạm…để lâm tặc ngang nhiên khai thác, vận chuyển tiêu thụ gỗ bất hợp pháp xảy ra tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng; Tổ chức làm rõ các nội dung mà báo Dân trí nêu qua các loạt bài phóng sự, báo cáo về Cục kiểm lâm trước ngày 25/7/2012.

 

Quốc Đô - Anh Thế - Thành Vinh