1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Nguyên:

Vụ tàn sát rừng già: Truy trách nhiệm kiểm lâm địa phương

(Dân trí) - “Trách nhiệm đầu tiên trước tình trạng rừng bị chặt phá tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng (Võ Nhai - Thái Nguyên) phải thuộc về Ban quản lý KBT, trong đó Trạm kiểm lâm xã Sảng Mộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp”, ông Triệu Văn Lực - Cục phó Cục Kiêm lâm khẳng định.

Trước những bức xúc của dư luận sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải liên tiếp loạt phóng sự phản ánh tình trạng lâm tặc phá rừng già xảy ra trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, làm rõ, báo cáo về vấn đề trên lên Phó Thủ tướng trước ngày 10/8/2012.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra tình trạng phá rừng tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng.

Vụ tàn sát rừng già: Truy trách nhiệm kiểm lâm địa phương
Cục phó Cục Kiêm lâm: “Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Ban quản lý KBT, trong đó Trạm kiểm lâm xã Sảng Mộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp”.

Làm việc với PV Dân trí sau cuộc kiểm tra, ông Triệu Văn Lực - Cục phó Cục Kiểm lâm - cho biết, Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm phối hợp với Vụ Thanh tra pháp chế, Vụ Bảo tồn thiên nhiên… thành lập đoàn kiểm tra, xác minh tình hình gỗ rừng bị chặt hạ trái phép, vận chuyển tiêu thụ gỗ trái phép tại 2 xã Nghinh Tường và Sảng Mộc, thuộc huyện Võ Nhai - Thái Nguyên.

Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại 2 khu vực chính là khu Lân đất đỏ tại xã Nghinh Tường và Lân Nghiềng tại xã Sảng Mộc (Võ Nhai), phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Võ Nhai, BQL khu Thần Sa Phượng Hoàng, hạt kiểm lâm.

Theo ông Lực, Đoàn kiểm tra cũng đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên do ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đại diện cùng đại diện Sở Nông nghiệp, Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan.

Vụ tàn sát rừng già: Truy trách nhiệm kiểm lâm địa phương
Vụ tàn sát rừng già: Truy trách nhiệm kiểm lâm địa phương
21 hộp gỗ bằng 5,7m3 xác định là gỗ khai thác trái phép của các đối tượng lâm tặc tại Lân đất đỏ - Nghinh Tường (Võ Nhai - Thái Nguyên).

Kết quả kiểm tra bước đầu được ông Lực thừa nhận: “Có thực tế tại các khu đi kiểm tra, tình trạng khai thác tận thu trái phép gỗ nghiến, gỗ trai lý được chặt hạ từ trước là có thật. Phát hiện trong khu kiểm tra có 8 cây khai thác mới: 6 cây dẻ, 1 cây Sâng và 1 cây lõi thọ. Tổng khối lượng 8 cây là 7,1m3 gỗ. Khai thác trái phép, gỗ đã được vận chuyển đưa ra khỏi rừng. Chỉ còn lại gỗ chặt và bìa bắp. Đó là hiện trường còn mới.

Khu vào Lân Nghiềng có một số gỗ tập kết tại ven đường, dạng xẻ cột, xà, ván bưng nhà ở với các loại gỗ trai lý, dẻ…Chúng tôi đã thống kê 103 thanh tương đương 9,142m3 gỗ. Chúng tôi đã thu thập được 3 đơn của 3 chủ hộ xác nhận là gỗ làm nhà. Nhưng điều này cũng không đúng quy định. Việc gỗ được tàng trữ trong nhà dân, kể cả xã đồng ý cho khai thác làm nhà, cũng là khai thác trái phép. Tôi đã có ý kiến chỉ đạo ngay việc này”.

Trên khu Lân đất đỏ (Nghinh Tường), gỗ tập kết 2 bên đường là gỗ khai thác tận thu, tận dụng được UBND huyện Võ Nhai cấp giấy phép. 9 lán trại tại khu Lân đất đỏ đã được lực lượng chức năng phá hủy. Tuy nhiên, tại đó vẫn còn một lượng gỗ 21 hộp gỗ bằng 5,7m3 xác định là gỗ khai thác trái phép của các đối tượng lâm tặc.

Sau khi kiểm tra thực trạng rừng bị phá tại xã Sảng Mộc, ông Triệu Văn Lực cho biết: “Hiện trường đúng là nghiêm trọng nhưng những cây nghiến đang bị lâm tặc tận thu đã bị chặt hạ từ trước đó khá lâu. Vẫn còn những cây nghiến dài còn nguyên bị chặt hạ mọc rêu mốc trong rừng. Từ con đường của PV Dân trí nêu như trong bài viết, chúng tôi đi mở rộng ra khoảng 100 đến 200 mét, chưa phát hiện những cây gỗ nghiến mới bị chặt hạ. Trong khu vực chúng tôi đi kiểm tra, những cây nghiến có đường kính khoảng 40cm trở nên đã không còn nữa”.

Rừng đặc dụng bị tàn phá tại rừng Sảng Mộc thuộc KBT Thần Sa - Phượng Hoàng.
Rừng đặc dụng bị tàn phá tại rừng Sảng Mộc thuộc KBT Thần Sa - Phượng Hoàng.
Rừng đặc dụng bị tàn phá tại rừng Sảng Mộc thuộc KBT Thần Sa - Phượng Hoàng.

Ông Lực cho biết, liên quan đến thông tin lực lượng kiểm lâm trạm Sảng Mộc có dấu hiệu tiêu cực, Đoàn đã yêu cầu 4 kiểm lâm tại trạm Sảng Mộc làm bản giải trình. Trong bản tường trình cả 4 kiểm lâm đều không thừa nhận có tiêu cực. Theo ông Lực, do thời gian ngắn nên chưa thể kết luận ngay được các kiểm lâm này có tiêu cực hay không. Đoàn đã đề xuất với tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cho theo dõi, điều tra thêm.

Chi cục Kiểm lâm và xã Nghinh Tường xác nhận có tên “K ngọng” như báo Dân trí nêu trên địa bàn nhưng đối tượng này chưa bao giờ buôn bán, tàng trữ gỗ. Qua các kênh thông tin quần chúng, người dân cung cấp thêm 7 đối tượng nữa là đầu nậu thu gom gỗ. Tuy nhiên lãnh đạo Cục Kiểm lâm đã hỏi 7 đối tượng đó với BQL khu bảo tồn, với trạm kiểm lâm và với xã họ đều không công nhận.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, trên cơ sở kết quả kiểm tra xác minh thông tin báo điện tử Dân trí nêu, đoàn kiểm tra Cục kiểm lâm đã yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân chủ quan cũng như nguyên nhân khách quan dẫn đến việc rừng bị phá như vậy. Từ đó, phải quy trách nhiệm cụ thể với những cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng trên.

Cho biết về trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sự việc, lãnh đạo Cục Kiểm lâm khẳng định: “Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Ban quản lý KBT, trong đó Trạm Kiểm lâm xã Sảng Mộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các lực lượng liên đới khác cũng cần phải xem xét trách nhiệm liên quan”.

Cũng theo ông Lực, tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng vẫn bị phá là do người dân còn sống cạnh rừng nhiều, đời sống khó khăn. Cũng có thể họ khai thác gỗ làm nhà thật, nhưng một phần cũng là do lợi nhuận thu được từ việc khai thác gỗ cao trong khi việc quản lý còn bất cập. Việc tuần tra kiểm soát của lực lượng kiểm lâm chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc kiểm soát và xử lý các đầu nậu chưa triệt để.

“Trong công cuộc giữ rừng, vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Nếu như UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thật quyết liệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên vào cuộc thật quyết liệt thì chắc chắn hiện tượng chặt phá rừng như vậy sẽ được kiểm soát tốt hơn” - ông Lực trăn trở.

 Anh Thế - Quốc Đô