Trong thế giới người mẫu (2):
Những “bài học” sau cánh gà
Phần lớn người mẫu chỉ qua khóa học một hai tháng, khi vào nghề thì “tự thân vận động” là chính, phải dựa vào những môi giới show, quảng cáo, chụp hình, quay phim, lễ tân; cũng có người chỉ qua “công nghệ lăngxê” đã vùn vụt thẳng tiến lên sàn catwalk... Nhưng đó cũng là câu chuyện của mồ hôi, nước mắt và sự mua bán...
Bài học đầu tiên và cô bé mau nước mắt
Vô cùng khó khăn, kể cả phải nhờ cậy đến “tay trong” chúng tôi mới giành được một vị trí trong chương trình biểu diễn thời trang hội chợ lớn nhất nhì trong năm. Người mẫu bây giờ sao đông đúc quá! Theo lịch làm việc, chúng tôi và gần 30 người mẫu khác đã có mặt trước 6h sáng để các chuyên viên trang điểm “làm việc” cho dù chương trình đến 10h mới bắt đầu.
Hôm “chạy sàn” trước ngày khai mạc hội chợ, nhiều người có ý hỏi đạo diễn về tiền thù lao thì chỉ được nghe một câu lạnh lùng: “Hỏi chi mất lòng vậy, bầu giới thiệu thì tiền công do bầu quyết định. Đòi hỏi là ổng cắt show thì chết đói cả lũ”.
Không hiểu sao mà đạo diễn lẫn ông bầu hay dành cho giới người mẫu những từ ngữ của đầu đường xó chợ, mỗi một bước chân sai, một vị trí đứng không đúng là anh đạo diễn hét lớn: “Cái con kia, ăn gì mà ngu quá vậy!... Còn cái con này, ăn cám sao mà đầu to chân bé không nhớ vị trí của mình...”.
Cô bé đã chực khóc, đứng khựng lại trên sàn, anh đạo diễn càng làm tới: “Đồ mất dạy! Nghỉ ngang chẳng những không có thù lao mà còn bị đền hợp đồng đó nhé, tiền triệu không đấy...”. Ai cũng xót xa cho cô gái trẻ, có cô thì thầm: “Con này tiêu rồi, nghề này mà không được đạo diễn, bầu show đỡ đầu là thúi hẻo rồi...”.
Trước mỗi suất diễn, không biết ai đó đã đặt sau sân khấu một chiếc bàn thờ nghi ngút khói, mấy cô người mẫu kỳ cựu cho biết: đó là bàn thờ tổ, trước khi diễn phải thắp nhang cúng tổ. Một cô gái trẻ thật thà hỏi “tổ mình là ai vậy chị?” thì bị “ăn” ngay một cái liếc mắt. Thật tình tôi cũng không biết tổ của nghề người mẫu là ai, Nga Mi hay Vệ Nữ...? Buổi đầu tiên diễn ra khá trơn tru, chỉ có ba cô bị “cắt hợp đồng” vì diễn quá cứng, không đạt, trong đó có cô bé mau nước mắt.
Lịch một ngày diễn ba suất sáng - chiều - tối, mỗi suất 2-3 giờ không tính thời gian trang điểm, chúng tôi có mặt từ 6 giờ sáng và ra về sau 22giờ 30, thời gian nghỉ giữa hai suất diễn rất ít nên đa số các cô ở lại sau sàn diễn. Tôi phát hiện những người mẫu có khả năng ngủ rất ngộ nghĩnh: chỉ dựa lưng vào tường ngủ hoặc ngủ ngồi!
Nhưng một trong những điều ngại ngùng nhất mà tôi gặp phải trong những ngày này là... thay đồ! Chúng tôi phải thay quần áo trước mặt những nam nhân viên, nam người mẫu và đạo diễn, ông bầu! Một cô ra vẻ sành đời nói lạnh tanh: “Bộ mới vô nghề hả? Bài học đầu tiên của bọn này là không biết mắc cỡ khi thay đồ, làm cái gì cũng phải tạo được dáng trước máy quay, trước mặt đạo diễn, mà mấy bộ đồ lót này nhằm nhò gì, tụi này còn 100% luôn. Càng hở hang càng đẹp lòng đạo diễn và ông bầu, càng được các đại gia chú ý...”.
Mồ hôi mà đổ xuống... sàn
...Chỉ mới xong màn hai của suất thứ hai mà cặp giò của tôi đã mỏi nhừ, ngón chân tê rần rần vì trung bình một suất tôi phải thực hiện đến 5-6 màn. Nhiều cô vừa khuất sau cánh gà đã vội vã vứt đôi guốc cao cả tấc sang một bên. D. đến từ Vĩnh Long than thở: “Cả năm có mang giày cao gót đâu, đau chân muốn chết”; còn V. - cô bé mới 17 tuổi đến từ Cần Thơ - thì lắc đầu: “Tưởng sướng chứ cực bỏ mẹ, mệt như đi cấy vậy...”.
Mỗi ngày chỉ trang điểm lúc sáng sớm, trước mỗi suất diễn trưa và tối chỉ giặm thêm phấn, tô thêm chút son nên càng về đêm những gương mặt non tơ kia càng nặng nề như muốn chảy ra. Mấy ngày diễn liên tục như thế nên da dẻ ngứa ngáy, khô quắt lại làm lớp phấn son bên trên cũng nhăn nheo theo, nhiều cô mới vào nghề mụn đã nổi đầy trên mặt.
Những bộ váy lộng lẫy, áo dài thiết kế, những nụ cười duyên trên sân khấu sao quá mâu thuẫn với đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, với cái dáng ngồi xổm mệt mỏi ở mọi nơi trong hậu đài. Quần quật từ sáng đến gần nửa đêm, mỗi người được trả thù lao mỗi buổi chỉ có 100.000 đồng.
Ngày dài rồi cũng trôi qua, những người mẫu nhanh chóng vứt bộ đồ diễn ra khỏi tấm thân rã rời, tất tả chạy khỏi sân khấu. Cô ngoắc taxi, cô đi xe máy một mình hay đèo nhau vù vào đêm đen, một số “siêu mẫu” thì xe hơi láng coóng rề tới tận cổng đón đi. Còn Tr., cô bé nhà quê mới lên thành, chỉ vừa 16 tuổi, cứ cầm mãi xấp tiền hơn triệu đồng đếm tới đếm lui. Tr. bảo tôi: “Chị em mình đi xe ôm đi, taxi mắc lắm, em phải đưa trọn số tiền này cho mẹ em mừng, mẹ đang ở nhà trọ chờ em…”.
Tôi thầm mong sự trong sáng và hiếu thảo của Tr. sẽ kéo dài trên suốt con đường theo nghiệp người mẫu - giấc mơ mà em thổ lộ với tôi hôm mới gặp nhau: “Em thích cái nghề này từ hồi năm, sáu tuổi lận. Có chị gần nhà em lên Sài Gòn làm người mẫu mới mấy tháng mà mỗi lần về là có xe hơi đưa đón, tiền tiêu như nước. Mẹ em bảo lên thành phố làm người mẫu đi, còn hơn đi lấy chồng Đài Loan…”.
Tr. không từ nan bất cứ một show nào, cho dù đó chỉ là người ta cần những người mẫu đi cầm dù cho VIP trong một lễ động thổ, khánh thành cư xá giãn dân, đứng làm dáng cả ngày dưới nắng trong một giải quần vợt nghiệp dư, hay làm dàn chào ở sảnh khách sạn cúi đầu chào khách hoặc có khi chỉ là những show đồng phục xanh xanh đỏ đỏ chạy nhong nhong ngoài phố quảng cáo dầu gội đầu... để kiếm vài chục ngàn đồng/ngày. Tr. rất tự tin: “Mình phải đi bước ngắn trước rồi mới đến bước dài chị à...”.
Chiêu thức “người đẹp trao tay”…
Đường vào nghề người mẫu thường có hai ngả. Những người đẹp đoạt giải từ những cuộc thi sắc đẹp “chuyển ngành” sang là những người có “thương hiệu” hoa khôi, hoa hậu... đương nhiên sẽ là siêu mẫu - nhiều cô cho biết đó là con đường tắt nhanh nhất và hiệu quả nhất nhưng phải chịu tốn kém.
Ngả còn lại chiếm đại đa số là những cô gái trẻ có chiều cao và nhan sắc xuất thân từ khắp nơi, trong đó nhiều cô từ nông thôn chỉ mới lên thành phố trong thời gian ngắn; họ kỳ vọng một sự đổi đời bằng chính vóc dáng của mình.
Tôi còn nhớ câu chuyện mà N. kể cho tôi về con đường đưa cô trở thành “siêu mẫu”: sau nhiều lần thuyết phục với “công nghệ lăngxê” của ông bầu A., N. và hai cô nữ sinh có vóc dáng người mẫu đồng ý ký hợp đồng với điều kiện: tỉ lệ giải thưởng cuộc thi người đẹp cũng như những show diễn sau khi “đăng quang” đều chia theo 3/7, người mẫu: 3, bầu: 7! Công việc lăngxê không phải từ Sài Gòn hoa lệ mà từ những cuộc thi sắc đẹp khu vực ĐBSCL.
Dưới “tài năng” của bầu A., cả ba cô gái thị thành lần lượt được “hóa thân” thành gái quê mộc mạc, sự dàn dựng kỹ đến từng chi tiết, giọng nói, điệu bộ... N. rất lo lắng vì cô sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn thì làm sao trong thời gian ngắn lại có thể trở thành... thôn nữ! Nhưng bầu A. cam đoan “không đậu không ăn tiền!”.
Và quả thật trong kỳ thi đó N. đoạt danh hiệu cao với tư cách “thí sinh đến từ tỉnh B. (!?). Theo đúng “luật chơi”, giải thưởng 30 triệu đồng thì N. chỉ nhận 3/10, nhưng một “thương hiệu” hoa khôi đã đủ để đưa cô bước lên sàn catwalk một cách rực rỡ... Hiện nhóm của bầu A. liên tục săn lùng khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn để truyền bá “công nghệ lăngxê” này.
Những chương trình thời trang lớn luôn được mọi người chú ý khi có tên hoa hậu đến từ ĐBSCL..., hoa khôi trong cuộc thi người đẹp (xứ này xứ kia) hay giải nhất cuộc thi siêu mẫu... Thương hiệu càng cao, tiền chảy về càng nhiều, vì thế hằng năm công ty T luôn là nơi tiên phong đứng ra tổ chức những cuộc thi sắc đẹp, tìm kiếm người đẹp với chiêu thức “người đẹp trao tay”.
Các cô người mẫu muốn đoạt giải cao phải biết điều, ngoan ngoãn làm việc cho công ty, đi “tiếp khách” cho công ty, bất chấp cả tiết hạnh để được đứng lên bục cao nhất! Cả một danh sách dài những hoa hậu, hoa khôi, siêu mẫu đều “ra lò” từ công ty T. Trong một lần đến công ty T, tôi đã nghe anh D. - người đứng đầu công ty - hùng hồn tuyên bố với một siêu mẫu: “Em thi chắc chắn sẽ đoạt giải nhất khu vực, mà nhất khu vực thì tệ lắm cũng có giải toàn quốc...”.
Cô người mẫu trẻ đẹp nũng nịu: “Nhưng em làm gì đủ chiều cao...”. Bầu D. lật bài luôn: “Cái đó không quan trọng, anh quyết định tất cả, giám khảo là do anh thuê về mà...”. Trước cuộc thi “hoa hậu T...”, hàng loạt người mẫu thuộc hàng top ở Sài Gòn như H., T., M.... sau khi đăng ký đã tẩy chay cuộc thi này vì thông tin trong hậu trường đã xì ra: giải thưởng đã được “trao tay” từ khi còn ngoài vòng sơ khảo...
Người mẫu N., 21 tuổi, trong tay đã có đến 11 giải thưởng từ các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu, siêu mẫu. Cô vẫn sống trong vòng tay gia đình và ngày ngày vẫn đến với giảng đường đại học.
N. tâm sự: "Tôi đã tham dự nhiều cuộc thi hoa khôi, hoa hậu, siêu mẫu khu vực cũng như toàn quốc, tiếp xúc nhiều cô gái trẻ, thậm chí còn rất trẻ, chỉ chừng 16,17 tuổi. Vậy mà khi tôi hỏi ước muốn sau khi đoạt giải sẽ làm gì, phần lớn đều có chung một câu trả lời: sẽ được những chàng ngoại kiều, Việt kiều, đại gia chú ý và có thể sẽ tiến tới hôn nhân ngay... Người ta đang xem sắc đẹp, vóc dáng như một trò mua bán. Mà thực tế không thể khác hơn, không cuộc thi sắc đẹp nào hạ màn mà không có những cuộc săn đón rần rần của các đại gia...”.
Kỳ 1: Học phí trả bằng nhan sắc
Theo Thi Ngôn – Chi Giao
Tuổi trẻ