1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong thế giới người mẫu (5):

Để những bước "chân dài" bớt nhọc nhằn...

Những ngày sống trong thế giới của những người mẫu, chúng tôi có cảm giác họ đang bơi trên một dòng thác lớn, không ai bảo vệ, không một luật lệ.

Một cô người mẫu vừa khoe ký được một hợp đồng chụp ảnh tại Thái Lan giá 2.000 USD thì ngay ngày hôm sau ôm mặt khóc vì một cô khác đã nhảy vào sẵn sàng thực hiện hợp đồng này chỉ với giá... 70 USD. Hỏi cô sao không đi kiện? Cô gái thút thít: “Kiện ai? Ông bầu nói tự giải quyết với nhau đi...”.

 

Nghề người mẫu có được thừa nhận?

 

“Người mẫu là một nghề cực kỳ thú vị và cần thiết trong cuộc sống. Thử hỏi trên đời này mà không có sự xuất hiện của những người đẹp trên trang báo, tờ lịch, các chương trình văn nghệ... chắc hẳn cuộc sống sẽ mất đi nhiều phần thi vị. Theo tôi, ở VN còn nhìn người mẫu chỉ ở một góc độ hạn hẹp, bây giờ người mẫu ngoài nhan sắc, vóc dáng ra còn phải cần năng khiếu, đam mê, diễn xuất nhà nghề, sự thông minh để tạo được những phong cách, bản sắc riêng chứ không chỉ là đi tới đi lui cho người khác ngắm!” - đạo diễn Những cô gái chân dài Vũ Ngọc Đãng nói về nghề người mẫu như thế.

 

“Tại sao những người đẹp, người mẫu không thể vừa là một nhân vật làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn mà còn là biểu tượng góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị như nhiều nước khác đã từng làm?” - Nguyễn Ngọc Thụy, PR manager của Công ty quảng cáo JWT, tâm đắc khi nhắc đến người mẫu Laetitia Casta (sinh năm 1978, cao 1,70m) làm biểu tượng của nước Pháp để giao lưu văn hóa với thế giới.

 

Thậm chí Laetitia Casta còn được dựng tượng lưu danh. Còn đất nước Venezuela nổi tiếng khắp thế giới với công nghệ đào tạo người mẫu và hoa hậu. Và nhiều quốc gia đã chọn hoa hậu làm sứ giả hòa bình, đại sứ thiện chí... Đối với nhiều nước nghề người mẫu không chỉ được thừa nhận mà còn được tôn vinh.

 

“Nghề người mẫu ở VN đúng là bát nháo và chưa chuyên nghiệp. Nhiều người đã lợi dụng mạo danh người mẫu để kinh doanh, để làm bậy, thậm chí vi phạm pháp luật... Nhưng không thể đổ lỗi hết cho những người đẹp, nhiều người trong số họ làm việc rất nghiêm túc, có trách nhiệm và đam mê nghề thật sự nhưng họ đang hoạt động trong một môi trường hết sức trôi nổi, không thuộc sự quản lý, giám sát của ai cả. Nhiều người mẫu đã hỏi tôi một câu mà tôi không thể trả lời: Nghề người mẫu có được công nhận là một nghề và ai là người cấp giấy phép cho họ hành nghề?” - anh Tạ Nguyên Phúc, giám đốc điều hành Công ty người mẫu PL, nói.

 

Hiện nay Nhà nước cho phép thành lập các công ty kinh doanh các hoạt động liên quan đến người mẫu như đào tạo, môi giới, quảng cáo, tiếp thị... Nhưng trong danh mục nghề của Tổng cục Thống kê (ban hành năm 1999, có hơn 620 nghề khác nhau), “người mẫu thời trang” lại được qui định trong mục “dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng”!

 

Trong khi đó, theo Bộ LĐ-TB&XH, “nghề nghiệp là đặc trưng loại hình hoạt động trong hệ thống phân công lao động xã hội, là tổng hợp các hiểu biết và thói quen trong lao động mà con người tiếp thu được thông qua đào tạo, học tập chuyên môn hoặc tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, đã là nghề thì phải gắn với một chức danh nhất định chứ không thuần túy chỉ là một kỹ năng”, do đó trong danh mục hàng ngàn nghề đào tạo được bộ công nhận vẫn chưa thấy “chính danh” nghề người mẫu.

 

Trong một hội nghị về lao động, một quan chức cấp bộ đã trả lời khi được hỏi khi nào nghề người mẫu được công nhận: “Luật lao động không cấm người mẫu hành nghề, nhưng do chưa được tổ chức đào tạo nên chưa thể xem là đã hợp pháp hóa nghề nghiệp này!”.

 

Hiệp hội - con đường đi lên chuyên nghiệp?

 

Trên thế giới, nhiều người mẫu, siêu mẫu thành danh, trở thành triệu phú đều do Tập đoàn Elite International phát hiện và đào tạo như Gisèle từ Elite Brazil, Naomi Campbell từ Elite Anh, Cindy Crawford từ Elite Mỹ...

 

Từ năm 2001, Elite International quyết định mở chi nhánh Elite tại VN. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hơn 10 người mẫu được tuyển chọn và mời ký hợp đồng độc quyền cho công ty này. Thỉnh thoảng cũng có một vài người được giới thiệu tham dự các cuộc thi đẳng cấp thế giới hay khu vực nhưng cho tới giờ vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể so với làng catwalk khu vực và thế giới.

 

Thậm chí do tình trạng bát nháo trong làng người mẫu và chưa hề có một khuôn khổ pháp lý nào cho nghề người mẫu nên chi nhánh Elite tại TPHCM đã ngừng hoạt động.

 

Thật ra việc cho ra đời một hiệp hội người mẫu đã được dự kiến từ nhiều năm qua với nhiều ý kiến trái ngược nhau, thậm chí có ý kiến phản bác cho rằng có hiệp hội đi chăng nữa cũng không thể quản lý được công việc và cuộc sống vốn phức tạp của giới người mẫu.

 

Trong khi thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi nhận được một tin vui: “Chậm nhất trong năm nay sẽ cho ra mắt Hiệp hội Người mẫu!” - ông Lê Nam, thành viên ban vận động thành lập Hiệp hội Người mẫu và là trưởng phòng quản lý biểu diễn - băng đĩa ca nhạc và sân khấu Cục Biểu diễn nghệ thuật Bộ VHTT, khẳng định như thế.

 

Ông Lê Nam nói thêm: “Hiệp hội chỉ quản lý về mặt công việc, nghề nghiệp chứ không quản lý được lối sống hay đời tư của giới người mẫu. Mục đích của hiệp hội là tập hợp giới người mẫu, các nhà thiết kế thời trang có tâm huyết với nghề, có đạo đức trong cuộc sống cùng nhau thúc đẩy phát triển nghề nghiệp.

 

Hiệp hội sẽ thay mặt hội viên thực hiện các hành vi pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên trước các giao dịch kinh tế và dân sự. Hiệp hội sẽ là đơn vị liên kết người mẫu VN với các tổ chức người mẫu trên toàn thế giới để mở rộng hoạt động của người mẫu VN, tổ chức các cuộc thi, trình diễn mang qui mô quốc tế...

 

Người mẫu là hội viên sẽ được đào tạo chuyên nghiệp và được cấp giấy chứng nhận đào tạo, thẻ hành nghề... với một số tiêu chuẩn cụ thể: ví dụ như có ba năm làm việc trong lĩnh vực trình diễn thời trang (có hợp đồng lao động), đoạt giải trong các cuộc thi tuyển người mẫu...

 

Tuy nhiên, hiệp hội cũng có quyền khai trừ, có văn bản với các cơ quan chức năng đề nghị cấm không cho biểu diễn trên toàn quốc những hội viên nào gây tai tiếng, vi phạm pháp luật như tham gia đường dây gái gọi, sử dụng ma túy... Chỉ có như vậy giới người mẫu VN mới có thể đi lên con đường chuyên nghiệp như các nước khác...”.

 

Theo Thi Ngôn – Ngọc Diệp – Chi Giao

Tuổi trẻ