Người mẫu: Học phí trả bằng... nhan sắc!

Đó là một thế giới rực rỡ ánh đèn và bóng tối mờ ảo; một thế giới lộng lẫy và trần trụi, sắc đẹp và tiền bạc, nổi tiếng và tai tiếng. Một thế giới mà những bước chân đi trên sàn catwalk bỗng dài vô tận...

Qua các trang web, tổng đài điện thoại… chúng tôi tìm được danh sách hơn 10 công ty, trung tâm đào tạo người mẫu, thế nhưng khi liên hệ thì quá nửa không có chức năng cụ thể, chỉ bảo: “Để lại số điện thoại, khi nào có mối sẽ báo”.

 

Đang bế tắc thì một tin nhắn điện thoại gửi tới: “Bầu T. đang tuyển người mẫu, mai đến gấp, nhớ ăn mặc thật bốc vào!”.

 

Để trở thành “siêu mẫu”?

 

Bầu T. còn khá trẻ, đẹp trai, người tầm thước, đôi mắt nhỏ luôn giấu trong cặp kính mát màu trà. Vừa gặp T. “nổ” ngay: “Tôi đang nắm trong tay khoảng 30 cô người mẫu loại top. Gương mặt em ăn ảnh đấy, trang điểm thêm một chút là anh có thể lăngxê em thành vơ-đét. Em muốn tham gia cuộc thi nào, siêu mẫu hay hoa hậu ăn ảnh, hoa khôi đồng bằng... Anh quen hết ban giám khảo. Nhưng công đào tạo của anh cao lắm nhé!”.

 

Nhìn soi mói qua cặp kính màu, bầu T. bảo lính lấy số đo ba vòng và chiều cao của tôi, bảo đi vài vòng để bầu ngắm nghía tới lui, rồi búng tay cái tróc: “OK! Chắc chắn được, anh lấy 2 triệu học phí căn bản, chi phí thi cử, chụp hình tới đâu trả tới đó. Đồng ý thì học ngay hôm nay”.

 

Khi tôi nói chấp nhận giá đó nhưng phải về suy nghĩ thêm thì bầu T. thét lớn: “Trời... trời, cái con nhỏ này, hàng chục con đang đứng chờ tuyển ngoài kia kìa, anh đâu rảnh mà chờ em. Thu nhập người mẫu bên anh toàn 6-7 triệu/tháng, tệ tệ cũng 4-5 triệu. Show anh giới thiệu toàn mấy công ty lớn, chỉ đứng cười không thôi cũng bỏ túi 400.000 - 500.000 rồi. Anh còn giới thiệu cho em gặp đại gia nữa”.

 

Thấy chúng tôi trố “cặp mắt nai” chăm chú lắng nghe, T. lấy trong túi xách một catalogue nhỏ, giọng hào hứng: “Đây... đây... bé N. chụp show độc quyền được 300 đô đấy, các đại gia săn đuổi ghê lắm đó”. Lật xem những bức ảnh trong cuốn catalogue, thấy hình N. nằm, ngồi, uốn éo đủ thứ kiểu ngoài bãi biển để quảng cáo cho một hãng đồ lót, tôi chuồn thẳng...

 

Hôm uống cà phê trong quán Q., nơi “đóng đô” của những cô gái chân dài từ quê lên với giấc mơ “người mẫu tương lai”, nghe được tin “công ty X đang tuyển đào tạo cấp tốc người mẫu...” tôi nhanh chân bám theo các cô gái chạy tới điểm hẹn.

 

Đó là một... khách sạn ở đường V (TPHCM). Nhóm tôi còn ngần ngại đứng lấp ló thì thấy nhiều cô gái tuổi còn rất trẻ, chỉ khoảng 16-17 nhộn nhịp đi ra đi vào. Trong phòng, 5-6 người đàn ông sang trọng đã luống tuổi đang ngắm nghía và yêu cầu các em quay trước quay sau, xem mặt, xem dáng từng em một như cách người ta lựa mấy món hàng ngoài chợ.

 

Thấy tôi xầm xì với mấy cô gái, chị bầu show tên N. cũng là người mẫu, bước đến rỉ tai nói như rít: “Toàn là đại gia không đấy, liệu hồn!”. N. giải thích thêm “đây là buổi tuyển chọn để đào tạo người mẫu cấp tốc cho một chương trình văn nghệ lớn lắm”.

 

Đến lượt tôi bước ra và đi tới đi lui, các “đại gia” cũng lựa tới, lựa lui rồi thì thầm với N.. N. bước tới mỉm cười với tôi: “Mấy ổng chọn em rồi đó, lại cảm ơn người ta đi!”. Mấy em gái đi cùng không được chọn mặt buồn xo...

 

Tôi được mời đến bàn việc ký hợp đồng tại một căn biệt thự. Chủ nhân là một trong những người ở khách sạn hôm trước. Tướng ông mập, lùn và tuổi thì đến ba tôi cũng phải kêu bằng chú. Cười giả lả, ông mời tôi ngồi, sau một hồi huyên thuyên về “show diễn hoành tráng sắp diễn ra”, ông sà tới ngồi sát bên và lôi ra một chai nước hoa hiệu Gucci “anh mới đi Paris về, tặng em làm quen!”.

 

Tôi ngại ngùng hỏi: “Vậy khi nào em được đào tạo thành người mẫu?”. Ông đặt ngay lên bàn một phong bì dày cộp: “Cần gì đào tạo, em thấy mấy cô ca sĩ, diễn viên có đào tạo gì mà cũng làm siêu mẫu, rồi người mẫu có học hành gì mà cũng lên sân khấu ca hát tưng bừng, làm với tụi anh đi rồi em sẽ trở thành siêu mẫu thôi mà!”.

 

Người mẫu N. vừa giúp ông ta nhét chiếc phong bì vào giỏ xách của tôi, vừa “bồi” thêm: “Ảnh là người quan hệ mật thiết với giới nghệ sĩ, đạo diễn, ảnh có thể giúp bất cứ người đẹp nào vươn lên hàng top trong giới người mẫu. Em may phước lắm mới được ảnh chọn làm vơ-đét cho chương trình sắp tới đó... Làm bạn với ảnh em sướng ba đời...”. Linh tính báo có mối nguy hiểm, tôi vội từ chối và ù chạy thoát thân...

 

Ngày hôm sau trở lại quán cà phê, tôi mới hay tin đã có một cô gái trẻ khác thế chỗ tôi ngay trong ngày. Một cô gái trẻ ngồi cùng bàn nói như trách: “Sao chị không ký hợp đồng? Mối này là ngon nhất đó, chị không làm mà không giới thiệu cho em, tiếc thật...”. Cô bé chỉ mới 16 tuổi, gương mặt và vóc dáng đẹp như thiên thần. Tôi không biết nên tiếc hay mừng cho em...

 

Điều không có trong giáo trình huấn luyện

 

Mấy cô người mẫu “tương lai” giới thiệu chúng tôi đến học nhà “thầy” M. “Thầy” đã “đào tạo” thành công cả chục người mẫu mà tên tuổi lâu lâu cũng xuất hiện trong một số chương trình. Lớp học chỉ có năm bảy người, đa số chỉ mới 16, 17 tuổi. “Thầy” M. hỏi gia cảnh từng người một - khả năng tài chính gia đình, đang ở trọ hay ai bảo trợ, có bạn trai hay chưa... suốt cả buổi sáng.

 

Đến chiều “thầy” mới ra chiêu. Chỉ là những bước đi xoắn chân, lắc vai, xoay người... nhưng lời “thầy” nói mới rùng rợn: “Ánh mắt phải nhìn cho dâm vào... thật dâm vào!”. Mấy cô người mẫu còn chưa hiểu lời “thầy” nói thì bị quát ngay: “Phải tạo ấn tượng ngay từ ban đầu với khách, từ đôi mắt, thân hình, dáng đi... đều phải thật gợi cảm, khiêu khích, mắt người mẫu không thể là mắt người thường, mắt không dâm không phải người mẫu!”.

 

Tôi đã không thể chịu được những buổi “huấn luyện” của “thầy” M. đến ngày thứ hai cho dù “thầy” luôn tự đắc: “Ngoan hiền nghe lời thầy thì thầy giới thiệu cho nhiều tay giàu lắm, không có bảo trợ làm sao các em thành siêu mẫu được, đừng tưởng cứ chân dài là thành người mẫu đâu nhé!”.

 

Cuối cùng rồi tôi cũng được đào tạo trở thành người mẫu chuyên nghiệp một cách bài bản khi vớ được mẩu quảng cáo trên báo: “Trường đào tạo người mẫu chuyên nghiệp của công ty Z do giáo sư người Hàn huấn luyện, đặc biệt không thu học phí”. Lớp tập là sân thượng của công ty, bề ngang chưa đầy 4m, dài khoảng 8m, một nửa có mái hiên, nửa còn lại là... bầu trời!

 

Đều đặn tuần ba buổi, hơn chục bạn trẻ may mắn được dạy đi đứng, nhảy múa, cách tạo dáng, xoay vòng, trang điểm cá nhân và thể dục thẩm mỹ... đến mướt mồ hôi. Chúng tôi tập đi những đường thẳng với cuốn sách đặt trên đầu, chân bước đi, mắt nhìn thẳng mà sách không rơi, hay nhịp bước đều đặn với một quả chanh kẹp giữa hai đầu gối, đứng kiễng chân, hóp bụng, vươn vai...

 

Vị giáo sư Hàn Quốc rất nghiêm nghị cầm chiếc đũa dài trên tay chỉ trỏ, khẻ tay khẻ chân liên tục. Mồ hôi ra như tắm nhưng cả nhóm vẫn không được nghỉ. Cô bé D. đến từ Vĩnh Long thì thầm: “Nơi đây đào tạo chuyên nghiệp thật, trong phim Người mẫu em cũng thấy họ dạy như vậy”. Còn V., người Cần Thơ, thì than thở: “Mèn đét ơi, học làm người mẫu còn khổ hơn đi cày vậy nè...”.

 

Không đóng học phí nhưng mỗi đứa phải chạy vạy, xin tiền nhà, mượn tiền bạn vài triệu đồng để mua giày cao gót, đồ tập theo yêu cầu của thầy và điều bắt buộc là phải mua mỹ phẩm của công ty mỗi khi làm chương trình quảng cáo sản phẩm. Cả nhóm chúng tôi phải trải qua hàng chục buổi biểu diễn “giới thiệu sản phẩm” mà chẳng có một xu thù lao.

 

Người phụ trách trừng mắt khi nghe T., cô bé người Đồng Tháp, thỏ thẻ hỏi chuyện tiền: “Thù lao gì? Đây là công ty tạo điều kiện cho mấy em thực tập, sau này ra làm người mẫu tha hồ hốt bạc...”.

 

Chúng tôi được thông báo về lễ tốt nghiệp được tổ chức hoành tráng tại khách sạn năm sao, nhưng đó chỉ là một chương trình mà cả nhóm phải ngồi bất động cho các chuyên viên trang điểm bôi bôi, trét trét… Tôi ngượng vô cùng khi chỉ mặc độc bộ đồ lót bé tẹo, mỏng tang để anh chuyên viên mặc sức vẽ lên khắp tay chân đầu mình những hình thù, màu sắc kỳ quái. Sau 4-5 tiếng ngồi bất động, tôi sững sờ khi ngắm nhìn mình trong gương: tôi đã biến thành một... con báo hoa!

 

Những người bạn của tôi cũng lần lượt biến thành sói, khỉ, hổ, có đứa “được” làm quái thú hay thần chết mà người ta gọi đó là “nghệ thuật tạo hình”. Khốn khổ hơn, chúng tôi phải... bò, lết, trườn, uốn éo, lăn lộn ra sân khấu như một sự “hóa thân” để chụp ảnh và có trời mới biết những tấm ảnh này sẽ xuất hiện nơi đâu!

 

Lớp học kết thúc mà hoàn toàn không có một mảnh giấy chứng nhận nào. Còn tôi thì tự hỏi sao người ta chỉ huấn luyện người mẫu cách sải chân thật điệu nghệ, cách đưa mắt khiêu khích gợi tình, cách uốn éo, bò trườn... như một cách kiếm tiền chuyên nghiệp mà không hề thấy ai đá động gì đến việc dạy những cô gái trẻ tuổi 16, 17 một câu nói lịch sự, một phong thái nền nã và một nền tảng đạo đức của nghề nghiệp?...

 

Theo Thi Ngôn - Chi Giao
Tuổi trẻ