1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều tỉnh sẵn sàng đón công dân về từ "tâm dịch" phía Nam

Thúy Diễm Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Các công dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, có nhu cầu cấp thiết về quê hương được Đắk Lắk, Sóc Trăng lên phương án sẵn sàng đưa về tỉnh nhà.

Ngày 29/7, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi đến TPHCM và Đồng Nai về việc phối hợp hỗ trợ đưa công dân ở hai tỉnh, thành này về địa phương.

Nhiều tỉnh sẵn sàng đón công dân về từ tâm dịch phía Nam - 1

Công dân Đắk Lắk tại TPHCM, Đồng Nai dự kiến được đưa về quê vào đầu tháng 8.

Để công tác chuẩn bị được chu đáo, tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị tỉnh bạn thống nhất bố trí địa điểm tập trung công dân của Đắk Lắk.

Trong đó, tại TPHCM, công dân tập trung tại Bến xe Miền Đông và thời gian dự kiến đưa về từ 1-3/8. Tại Đồng Nai , tỉnh Đắk Lắk đề nghị tỉnh bạn thống nhất địa điểm tập trung và thời gian đón về dự kiến từ ngày 30/7-5/8.

Nhiều tỉnh sẵn sàng đón công dân về từ tâm dịch phía Nam - 2

Trước khi đưa về các công dân sẽ được test nhanh SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, phía Đắk Lắk đề nghị TPHCM, Đồng Nai cho phép các phương tiện vận tải hành khách của Đoàn công tác tỉnh Đắk Lắk hoặc của TPHCM, Đồng Nai được ra, vào địa điểm tập trung công dân để tiếp nhận công dân và đưa về.

Cho phép công dân của Đắk Lắk đang tạm trú tại TPHCM, Đồng Nai (không thuộc đối tượng F0) có nhu cầu cấp thiết trở về địa phương được rời khỏi nơi tạm trú đến địa điểm tập trung trong khoảng thời gian trên; đồng thời, hỗ trợ thông báo các điều kiện công dân tỉnh Đắk Lắk được tiếp nhận, đưa về địa phương.

Đối tượng được đưa về Đắk Lắk đợt này thuộc nhóm ưu tiên như: Người già, trẻ em; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, công tác chưa trở về được; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng; thân nhân đi cùng với trẻ em dưới mười tuổi, đi cùng người già, đi cùng phụ nữ mang thai, đi cùng người bệnh.

Nhiều tỉnh sẵn sàng đón công dân về từ tâm dịch phía Nam - 3

Mỗi ngày có hàng ngàn công dân Đắk Lắk tự trở về quê hương bằng phương tiện cá nhân.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị TPHCM, Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ thông báo cho công dân của tỉnh biết các điều kiện được tiếp nhận, đưa về, thời gian và địa điểm tập trung; hỗ trợ phương tiện để vận chuyển công dân từ nơi tạm trú đến địa điểm tập trung.

Danh sách cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk sẽ cung cấp để các đơn vị liên quan của TPHCM và Đồng Nai để phối hợp, hỗ trợ. Các công dân sau khi được đưa về Đắk Lắk sẽ thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung 14 ngày.

"Tính đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đề nghị Đắk Lắk đưa về 267 người thuộc nhóm ưu tiên. Riêng tại TPHCM, dự kiến đợt 1 sẽ đưa 420 người nhóm ưu tiên về trước", một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thông tin.

Cũng theo vị lãnh đạo này, tại tỉnh Bình Dương, có khoảng 381 công dân Đắk Lắk thuộc diện ưu tiên về địa phương. Qua trao đổi, phía Sở LĐ-TB&XH Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ, đang chờ ý kiến của UBND tỉnh này.

Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng nghìn công dân Đắk Lắk tại vùng dịch di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân về địa phương.

Sóc Trăng sẵn sàng đón công dân ở TPHCM, Bình Dương về quê

Chiều 28/7, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sẵn sàng đón người dân tỉnh Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TPHCM, tỉnh Bình Dương về địa phương trong thời gian tới.

"Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho người dân Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TPHCM, tỉnh Bình Dương có nhu cầu trở về địa phương để phòng ngừa dịch bệnh và giảm bớt áp lực cho TPHCM, tỉnh Bình Dương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã có công văn gửi UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương về chủ trương của tỉnh.

Sóc Trăng mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của UBND các địa phương nói trên để tỉnh đón công dân về địa phương một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố", Chủ tịch Sóc Trăng thông tin.

Nhiều tỉnh sẵn sàng đón công dân về từ tâm dịch phía Nam - 4

Sóc Trăng vẫn đang kiểm soát chặt chẽ người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Đại tá Quách Văn Nhỏ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này có tổng số 85 khu cách ly, hiện tại 74 cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh có khả năng tiếp nhận 7.234 công dân. Dự kiến mở thêm 9 khu cách ly với công suất tiếp nhận 1.100 công dân. 

Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết về năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh có 460 giường bệnh (tuyến huyện 110 giường, tuyến tỉnh 350 giường). Khi Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi (cũ) hoàn thành sẽ tăng thêm công suất khoảng 200 giường. Khi thực hiện tiếp nhận công dân về địa phương phải thực hiện test nhanh.

Theo Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mức độ lây nhiễm bệnh ngày càng tăng, tâm lý hoang mang sợ lây nhiễm bệnh, kết hợp với điều kiện sống hiện nay quá khó khăn, từ đó người dân mong muốn trở về địa phương.

"Do đó, phải tổ chức đón người dân Sóc Trăng quá khó khăn, không còn điều kiện bảo đảm cuộc sống ở TPHCM và một số tỉnh có dịch về địa phương để ổn định cuộc sống", ông Lâu nêu quan điểm.

Trên cơ sở phương án, kế hoạch chung, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề nghị từng ngành có kế hoạch chặt chẽ để đón người dân về địa phương. Sở Y tế xây dựng kịch bản để sẵn sàng về nguồn lực, năng lực tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị khi công dân về có ca mắc Covid-19.

Người đứng đầu tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo, định hướng cụ thể những phần việc bắt tay làm ngay của các sở, ngành liên quan. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM và Hội đồng hương Sóc Trăng tại TPHCM để xác định và lên danh sách, sàng lọc đối tượng ưu tiên đón về địa phương.