1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều phụ nữ gặp khó, mất quyền lợi khi sổ đỏ "chỉ đứng tên chồng"

Thế Kha

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thu Hà - Phó chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phản ánh, nhiều phụ nữ không thể vay vốn để khởi nghiệp do giấy tờ nhà đất chỉ đứng tên chồng.

Tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội tổ chức hôm qua (23/2), vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên cả vợ và chồng được nhiều người quan tâm.

Nhiều phụ nữ gặp khó, mất quyền lợi khi sổ đỏ chỉ đứng tên chồng - 1

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thu Uyên).

Bà Nguyễn Thu Hà - Phó chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phản ánh, nhiều phụ nữ không thể vay vốn để khởi nghiệp do giấy tờ nhà đất chỉ đứng tên chồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga (Đại học Luật Hà Nội) phân tích, theo Luật Đất đai 2013 việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ đã làm tăng tỷ lệ sổ đỏ có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung.

Tuy nhiên, thực tế việc cấp sổ đỏ chỉ có tên người chồng với đối tượng là "hộ gia đình" và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều - ước khoảng 12 triệu giấy chứng nhận theo báo cáo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc đó xuất phát một phần từ quy định "việc cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu" của Luật Đất đai 2013 (khoản 4 Điều 98) và được giữ nguyên tại khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Nga cho rằng, điều này vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa của quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên họ tên vợ và họ tên chồng.

Không những vậy, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội còn phản ánh, đã xảy ra nhiều trường hợp người phụ nữ bị mất quyền lợi sở hữu đất khi ra tòa ly hôn vì không có tên trong sổ đỏ.

Sổ đỏ ghi tên vợ chồng là quyền đương nhiên, không cần xuất phát từ "nếu có yêu cầu". Vì vậy, nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nhấn mạnh việc "phải thực hiện thủ tục cấp đổi" sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, "trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người".

Trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận cũng cần quy định rõ thỏa thuận ghi tên một người (vợ hoặc chồng) đại diện đứng tên trên sổ đỏ, để thống nhất trong việc xác định tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp trên.

Nhiều phụ nữ gặp khó, mất quyền lợi khi sổ đỏ chỉ đứng tên chồng - 2

Hội phụ nữ các quận, huyện ở Hà Nội phản ánh, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người phụ nữ bị mất quyền lợi sở hữu đất khi ra tòa ly hôn vì không có tên trong sổ đỏ (Ảnh minh họa).

Luật Đất đai mới cũng cần mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. Cơ quan chức năng phối hợp để hỗ trợ phụ nữ trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát huy vai trò giám sát và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất…

Theo bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được cơ quan này tổng hợp chuyển tới cơ quan chức năng có thẩm quyền, góp phần vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, giúp luật sau khi ban hành bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ.