Nhận diện "móc ngoặc" trong các cơ quan tố tụng
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương yêu cầu rà soát, bổ sung các hành vi tiêu cực và biểu hiện tiêu cực chưa được nhận diện đầy đủ trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Đáng lưu ý là việc móc ngoặc giữa điều tra viên với kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, người thân của bị can, bị cáo... trong quá trình tố tụng.
Tiêu cực vẫn phức tạp
Hôm qua, trong phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các cơ quan liên quan tổ chức thảo luận về 2 đề án “Tăng cường công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an nhân dân” của Bộ Công an và Đề án tương tự của Bộ Tư pháp.
Tại Đề án của Bộ Công an, cơ quan này đã nêu ra thực trạng tiêu cực của ngành mình. Theo đó, tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp vẫn còn những biểu hiện phức tạp, xảy ra ở các cấp, các lĩnh vực, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với công an nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: “Thực trạng tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp không chỉ bao gồm những hành vi tiêu cực đã xảy ra, đã được phát hiện, xử lý, mà còn hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là thờ ơ, bỏ mặc, thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao, những biểu hiện vi phạm các quy định của pháp luật. Các quy trình, quy chế công tác, những hành vi tuy không vi phạm pháp luật nhưng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, của quy trình, quy chế, có dấu hiệu về động cơ vụ lợi”.
Liên quan đến đề án của ngành mình, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích, những tiêu cực được hiểu là những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, hành nghề trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý. Ngoài ra, đó là hành vi vi phạm quy định của cơ quan, tổ chức, đạo đức xã hội, là hành vi không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với quá trình phát triển, trái với đạo đức xã hội, nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, trong 5 năm gần đây, các hành vi tiêu cực thể hiện khá đa dạng. Từ hành vi nghiêm trọng như tham ô tài sản, nhận hối lộ, vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính, quản lý, sử dụng quỹ trái phép… đến những hành vi chưa phải vi phạm pháp luật, như vi phạm nội quy, quy định của cơ quan, đạo đức nghề nghiệp, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác và uy tín của ngành. Tổng kết của Bộ Tư pháp cho thấy, những hành vi tiêu cực tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực, như thi hành án dân sự, công chứng, bán đấu giá tài sản và vấn đề hộ tịch có yếu tố nước ngoài...
“Nếu chỉ áp dụng các biện pháp phòng, chống như hiện nay thì hiệu quả sẽ không cao, tiêu cực có thể sẽ nhờn thuốc” – ông Phan Chí Hiếu nói.
Có sự móc ngoặc
Với đề án của Bộ Công an, Ban Chỉ đạo cho rằng vẫn còn một số vấn đề chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Đơn cử, trong lĩnh vực điều tra, cần nêu rõ các chức danh cán bộ, gồm: Thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ nghiệp vụ của cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan khác thuộc lực lượng an ninh, cảnh sát được giao tiến hành một số hoạt động điều tra... Từ đó, tạo cơ sở thuận lợi cho việc nhận diện đầy đủ các hành vi, biểu hiện tiêu cực và việc đánh giá kết quả phòng chống tiêu cực, xây dựng phương hướng, giải pháp phòng chống tiêu cực trong từng lĩnh vực.
Nhận xét về phần “thực trạng” của đề án, Ban Chỉ đạo cho rằng, cơ bản đã nêu rõ các hành vi tiêu cực trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, nội dung này chưa có sự gắn kết, thiếu tính logic. Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát, bổ sung các hành vi tiêu cực và biểu hiện tiêu cực chưa được nhận diện đầy đủ. Đáng lưu ý là việc móc ngoặc giữa điều tra viên với kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, người thân của bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng và các biểu hiện tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan điều tra và thủ trưởng các đơn vị liên quan.
Đánh giá về đề án của Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo kết luận, đây là đề án quan trọng, mang tính ứng dụng cao, do vậy sau khi được phê duyệt, cơ quan trình đề án cần cụ thể hóa các giải pháp thành các quy chế, quy định để mỗi cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải đưa ra những giải pháp tổng thể, đột phá
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, biểu dương và đánh giá cao việc xây dựng 2 đề án của Bộ Công an và Tư pháp, đồng thời yêu cầu 2 cơ quan tiếp thu và hoàn chỉnh đề án.
Chủ tịch nước đề nghị, mục tiêu xây dựng trong đề án phải bám sát các yêu cầu, chủ trương của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định, các tiêu cực trong hoạt động tư pháp dù mức độ không đáng kể, song ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng nền tư pháp công minh. Vì lẽ đó, các đề án phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, phản ánh thực trạng đồng thời đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, đột phá.
Theo Bảo Thắng
Tiền Phong