1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào?

Trần Thanh
Cháy nhà trọ 14 người chết

(Dân trí) - Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi cháy, nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì người dân cần tìm lối thoát khác như qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất...

Liên quan vụ cháy khiến 14 người tử vong tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bộ Công an đã có báo cáo ban đầu về nơi xảy ra hỏa hoạn.

Theo đó, ngôi nhà xảy ra cháy nằm tại một con hẻm ở phố Trung Kính, là nhà ở gia đình và cho thuê để ở, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m. Quy mô nhà gồm một nhà 2 tầng, một tum bố trí sân phơi thoáng; một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước.

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 1
Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 2

Hiện trường ngôi nhà trước và sau khi xảy ra vụ cháy (Ảnh: Xe điện Kim Hùng).

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 3

Bên trong hiện trường vụ hỏa hoạn (Ảnh: Trần Thanh).

Vụ hỏa hoạn xảy ra trên khu đất 205m2, có nhà của gia đình chủ trọ gồm có 7 người và một dãy trọ với 17 người khác đăng ký thuê ở. 

Phần sân được bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Ngôi nhà được trang bị bình chữa cháy được bố trí tại sân và hành lang các tầng nhà. Tuy nhiên khi xảy ra hỏa hoạn, khu vực nhà trọ chỉ có một lối thoát hiểm là cửa chính, nhưng lại bị lửa bao trùm khiến nhiều người không thoát được ra ngoài.

Kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà dạng ống (Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an).

Vậy, khi người dân gặp phải trường hợp cháy tương tự thì sẽ thoát hiểm như nào, và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy ở nhà dạng ống ra sao?

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy làm chết nhiều người

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an cho biết, hầu như những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà riêng lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.

Theo Đại tá Khương, các vụ cháy này thường xảy ra vào ban đêm, nên người dân phát hiện đám cháy bị chậm (bị động trong phát hiện cháy do đang trong trạng thái ngủ say). Dẫn đến, thời gian để đám cháy phát triển kéo dài, khi người dân phát hiện ra thì đám cháy đã bùng phát lớn.

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 4

Đại tá Nguyễn Minh Khương (Ảnh: Mạnh Quân).

Thêm vào đó, khi đám cháy đã phát triển lớn sẽ sinh ra nhiệt độ cao, lửa lan truyền lên nhiều tầng nhà kèm theo khói và khí độc tác động mạnh đến các nạn nhân, dẫn tới những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đó là nguyên nhân đầu tiên.

Nguyên nhân thứ hai phải nói tới đó là, trong các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi trong nhà. Thậm chí, đồ dùng, hàng hóa này còn bao trùm lên những khu vực có thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt...

Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan truyền vào các vật liệu, thiết bị dễ cháy. Từ đó đám cháy lan nhanh và phát triển thành đám cháy lớn.

Nhiều trường hợp hàng hóa sắp xếp tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn rất khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 5

Đám cháy bùng phát từ cổng và sân, án ngữ lối thoát duy nhất của cả dãy trọ (Ảnh: Ngọc Tân).

Nguyên nhân thứ ba đó là, các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của những ngôi nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo…. Khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc, rất khó khăn cho việc thoát nạn.

Chính vì vậy, nếu tại các tầng nhà không có lối thoát nạn, không có ban công hay lối ra khẩn cấp... và nếu người bị nạn không có kỹ năng thoát hiểm cơ bản thì sẽ rất khó có thể thoát khỏi đám cháy một cách an toàn.

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 6

Người đập tường gạch, tạo lối thoát hiểm giải cứu người trong vụ cháy (Ảnh: Trần Thanh).

Nguyên nhân thứ tư đó là kỹ năng thoát nạn của nhiều người dân còn rất hạn chế. Nếu như đám cháy mới phát sinh thì người dân có thể thoát được, nhưng khi đám cháy đã phát triển lớn, kỹ năng thoát hiểm của người dân không tốt, thì cơ hội để nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy gần như không có.

Một điều quan trọng nữa đó là, trong các hộ gia đình đơn lẻ hay các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay, hầu hết chưa lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy. Chính vì chưa có các thiết bị báo cháy sớm, nên khi cháy xảy ra vào ban đêm thì gần như người dân không thể phát hiện ra, cho đến khi đám cháy đã bùng phát lớn.

Kỹ năng thoát hiểm nhà dạng ống khi có cháy

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), ở đô thị rất phổ biến dạng nhà ống chỉ có một lối ra vào kiêm lối thoát hiểm, khi xảy ra cháy rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khi phát hiện cháy người dân cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài.

Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì người dân cần tìm lối thoát khác như: qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, tìm lối thoát lên mái (nếu được). 

Nhà ống có một lối thoát hiểm, khi cháy phải làm như thế nào? - 7

Khu vực vụ cháy 14 người chết có nhiều xe máy và xe điện (Ảnh: Trần Thanh).

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi cháy, người dân tuyệt đối không được núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.

"Nếu buộc phải băng qua lửa, người dân hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài. Nếu phải băng qua khói, người dân hãy dùng khăn ướt che kín miệng mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường rồi tới lối thoát an toàn. Biết cách thoát nạn, người dân có thể tự cứu được mình và mọi người", Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin.