Bộ Nội vụ phân cấp một số nhiệm vụ cho Ban Tôn giáo Chính phủ

Phùng Minh

(Dân trí) - Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện kiểm tra, lập biên bản và ban hành kết luận làm cơ sở đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Thông tư số 03/2024 quy định phân cấp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ 30/7.

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ được phân cấp thực hiện tiếp nhận các thông báo phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; tiếp nhận thông báo liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo, chấm dứt gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Cơ quan này cũng sẽ tiếp nhận thông báo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh về việc tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Bộ Nội vụ phân cấp một số nhiệm vụ cho Ban Tôn giáo Chính phủ - 1

Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hà Nội (Ảnh: VGP).

Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với các nội dung: Đăng ký cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo cho tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; đề nghị tổ chức hội nghị liên tôn giáo của tổ chức tôn giáo…

Thông tư 02/2024 nêu rõ, Ban Tôn giáo Chính phủ được phân cấp thực hiện chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với đề nghị về các nội dung sau:

- Cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo hoặc đào tạo tôn giáo ở nước ngoài.

- Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho tín đồ của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam dự kiến làm chức sắc, chức việc cho tổ chức tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam.

- Mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh hoặc hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo.

- Mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

- Mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung.

- Người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam.

- Phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Bộ Nội vụ cũng phân cấp cho Ban Tôn giáo Chính phủ hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam tại các cơ sở đào tạo tôn giáo; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hai môn học này.

Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện kiểm tra, lập biên bản và ban hành kết luận về việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh, cơ sở đào tạo tôn giáo vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (các hành vi bị nghiêm cấm - PV) làm cơ sở đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.

Định kỳ hàng năm (chậm nhất vào ngày 25/12), Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình hình, kết quả thực hiện các nội dung được phân cấp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Nội vụ yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo đột xuất về việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp.

Cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ hiện nay là ông Vũ Hoài Bắc. 3 Phó Trưởng ban gồm các ông, bà: Trần Thị Minh Nga, Nguyễn Ánh Chức và Nguyễn Tiến Trọng.

Theo Quyết định số 1246/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ gồm: Phòng Công giáo; Phòng Phật giáo; Phòng Tin lành; Phòng Cao đài; Phòng Tín ngưỡng và Tôn giáo khác; Phòng Tổ chức cán bộ và Quan hệ quốc tế; Phòng Thanh tra - Pháp chế; Văn phòng; Viện Nghiên cứu chính sách Tôn giáo; Trung tâm Thông tin và Truyền thông; Nhà Xuất bản Tôn giáo.