Na Uy không phân biệt đối xử với xe điện Trung Quốc như EU

Nhật Minh

(Dân trí) - Dù ở châu Âu, nhưng Na Uy không phải là quốc gia thành viên EU và cũng sẽ không áp thuế với xe điện Trung Quốc giống như EU. Lý do khá dễ hiểu.

Na Uy không phân biệt đối xử với xe điện Trung Quốc như EU - 1

Na Uy, quốc gia đi tiên phong trong việc chuyển đổi sang xe điện, sẽ không "chung tay" với EU trong việc áp thuế cao hơn với xe điện Trung Quốc (Ảnh minh họa: Nio).

"Áp thêm thuế với ô tô Trung Quốc vừa không phù hợp vừa không phải là mong muốn của chính phủ Na Uy", Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này - Trygve Slagsvold Vedum - chia sẻ trong email gửi hãng tin Bloomberg.

Với tỷ lệ xe điện cao nhất trên thế giới, Na Uy năm ngoái ghi nhận 24% ô tô là xe điện, và hơn 80% xe mới bán ra trong năm 2022 là xe điện, theo Tổng cục Thống kê Na Uy.

Trong khi đó, theo Hiệp hội đường bộ Na Uy (OFV), hơn 12% xe điện nhập khẩu vào Na Uy là xe Trung Quốc, con số bao gồm cả thương hiệu Polestar nhưng không tính xe Volvo.

Không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU), Na Uy là thị trường châu Âu đầu tiên mà nhiều công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc hướng đến. Nio có mặt ở Na Uy từ tháng 5/2021, một năm trước khi chính thức ra mắt ở EU. Xpeng thậm chí ra mắt thị trường Na Uy sớm hơn, từ năm 2020.

Na Uy cũng là thị trường chính của một số thương hiệu Trung Quốc ít được biết đến ở châu Âu, như Voyah của Dongfeng, thương hiệu đã bán mẫu SUV mang tên Free ở đây từ năm 2022.

Xpeng bán được 67 xe, còn Nio bán được 66 xe tại Na Uy vào tháng trước. Trong khi đó, Tesla bán được 830 xe, và Volkswagen bán được 1.372 xe điện ID.

Đứng đầu trong số các hãng xe điện Trung Quốc ở Na Uy là Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) và Tập đoàn Geely.

MG bán được 497 xe điện tại Na Uy trong tháng 5. Đây là thương hiệu gốc Anh, nhưng hiện thuộc sở hữu của SAIC, phải chịu thêm mức thuế 38,1% ở EU từ ngày 4/7 tới, bên cạnh 10% thuế nhập khẩu đang được áp dụng hiện tại.

Polestar, thương hiệu thuộc Tập đoàn Geely, bán được 328 xe điện trong tháng 5. Tất cả xe MG và Polestar hiện được sản xuất tại Trung Quốc.

Anh, một quốc gia châu Âu khác không thuộc EU, chưa tiết lộ gì về việc có áp thuế với xe điện sản xuất tại Trung Quốc như EU hay không.

Hôm 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kết quả điều tra cho thấy xe thuần điện Trung Quốc và chuỗi cung ứng đã được trợ giá một cách thiếu công bằng. Do đó, cơ quan này quyết định bổ sung thuế nhập khẩu tạm thời từ 17,4% đến 38,1% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, tùy theo thương hiệu. 

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu lại không ủng hộ việc này, vì họ hiện phụ thuộc rất nhiều vào doanh số bán hàng tại Trung Quốc và họ sợ nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU từng cảnh báo rằng nước này đang xem xét tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu nếu EU quyết tăng thuế.

Theo CNC/Bloomberg