1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyễn Gia Thiều: Trốn thuế có lợi cho người tiêu dùng!?

Bước sang buổi làm việc chiều 16/11, HĐXX vụ án Công ty Đông Nam đã chuyển sang phần thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo cùng một số người có liên quan trong việc thành lập hàng loạt công ty con trong hệ thống công ty Đông Nam nhằm phục vụ cho việc buôn lậu, trốn thuế.

Khi tòa xét hỏi, Nguyễn Gia Thiều đã thừa nhận có trốn thuế nhưng nại rằng việc bị cáo trốn thuế vì lợi ích của người tiêu dùng và có lợi cho thị trường (!?)

 

Thiều giải thích rằng việc Đông Nam khai lượng hàng nhập khẩu và giá nhập khẩu thấp hơn giá trị hàng hóa thực nhập là nhằm giảm bớt số thuế nhập khẩu phải nộp. Sau khi hàng bán ra cho các công ty con thì việc lập hóa đơn GTGT cũng có sự điều chỉnh để Đông Nam không bị thiệt. Khi hàng bán ra cho người tiêu dùng thì sẽ bán với giá thấp hơn so với giá bán nếu kê khai thuế đầy đủ.

 

Chủ tọa phiên tòa cắt ngang “bị cáo lập luận như vậy là ngụy biện. Theo quy định của luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp các nước khác có cho phép bị cáo làm vậy không?’ Bị cáo Thiều ú ớ rồi thừa nhận bị cáo làm vậy là sai.

 

Thừa nhận là sai nhưng Thiều lại lấp liếm “trong suốt thời gian kinh doanh của Đông Nam, cơ quan thuế TPHCM đến kiểm tra hàng quý và hàng năm Đông Nam đều được quyết toán thuế, không ai “nhắc nhở” bị cáo về vấn đề này”.

 

Trả lời cá câu hỏi của HĐXX về việc ai sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động của các công ty con do Thiều lập ra, Thiều thừa nhận là Công ty Đông Nam Việt Nam mà cụ thể là bị cáo. Vậy hành vi trốn thuế của Đông Nam và những công ty con này ai chịu trách nhiệm, có phải bị cáo không, HĐXX hỏi? Bị cáo Thiều cho rằng vấn đề này chưa thuyết phục.

 

Trong phần xét hỏi về pháp nhân của các công ty, chủ tọa Phan Bá hỏi Nguyễn Gia Thiều về mục đích thành lập hàng loạt công ty con để làm gì? Theo Thiều, việc thành lập công ty TB (do Trịnh Quốc Bảo làm Giám đốc) và Công ty Hưng Đạo (do bà Vương Kiều Oanh – mẹ của cựu hoa hậu Hà Kiều Anh làm giám đốc) là do bị cáo đứng ra tổ chức, vốn liếng do Công ty Đông Nam bỏ ra, nhưng lại nhờ bà Vương Kiều Oanh và Trịnh Quốc Bảo đứng tên.

 

Công ty Hưng Đạo, bà Oanh làm giám đốc, ông Bảo là thành viên; còn Công ty TP thì ngược lại: ông Bảo làm giám đốc, bà Oanh làm thành viên. Hàng tháng tiền lương của họ do Thiều đứng ra trả từ 3 triệu đến 6 triệu đồng. Đến tháng 10/2002, do không tin tưởng ông Bảo nên Thiều đã cách chức giám đốc đối với ông này và ra quyết định bổ nhiệm bà Oanh là giám đốc Công ty TP cho đến khi Thiều bị bắt.

 

Theo lời khai của Thiều cũng như của bà Oanh, ông Bảo, toàn bộ hoạt động kinh doanh của hai công ty này đều do Thiều điều hành, lợi nhuận thu được đều chuyển về công ty mẹ là Đông Nam VN.

 

Đối với Công ty Tam Nguyên, theo lời khai của Nguyễn Gia Thiều là do bị cáo này cùng với vợ là Hà Kiều Anh thành lập để bán ĐTDĐ; Hà Kiều Anh làm giám đốc, Thiều giữ chức vụ phó giám đốc. Đối với Công ty Toàn Cơ do Bùi Thiên Kim (đã bỏ trốn), vợ Nguyễn Trọng Thăng bỏ vốn ra thành lập và cũng kinh doanh mặt hàng ĐTDĐ và cũng nằm trong hệ thống của Công ty Đông Nam VN.

 

Hiện tại bà Kim đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã.

 

Hôm nay (17/11), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

 

Theo Gia Khang
VietNamnet

Dòng sự kiện: Vụ Đông Nam