1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải quan và hàng không đã tích cực tiếp tay cho Đông Nam!

Trong số 17 bị cáo vụ án buôn lậu, trốn thuế… xảy ra tại Công ty Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Viễn thông Đông Nam (gọi tắt là Đông Nam) bị đưa ra xét xử sáng nay (16/11) tại TAND TPHCM thì có đến nguyên 12 cán bộ hải quan và nhân viên hàng không đã tiếp tay cho Nguyễn Gia Thiều.

Những bị can này trước thuộc Chi cục Hải quan Nội Bài – Hà Nội, Cục Hải quan TPHCM, Hải quan ga đường sắt quốc tế Yên Viên – Hà Nội, Chi cục Hải quan bưu điện Hà Nội… và nhân viên hàng không (trong đó có cả trợ lý khai thác Văn phòng chi nhánh Hàng không Việt Nam tại Lào).

 

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao đã được công bố tại phiên tòa sáng nay, Nguyễn Gia Thiều đã bàn bạc với Phạm Anh Vũ, Huỳnh Tiến Dũng, Đỗ Liên Anh buôn lậu ĐTDĐ về Việt Nam. Mỗi chiếc ĐTDĐ nhập lậu được Thiều trả phí vận chuyển từ 22USD đến 35USD.

 

Việc nhập lậu này được thực hiện dưới nhiều hình thức: gửi bưu điện, gửi phi công, tiếp viên hàng không, gửi theo đường phi mậu dịch dưới dạng quà biếu.

 

Theo số liệu thu được từ máy tính của Công ty Đông Nam Việt Nam do Thiều làm Giám đốc, có 39.519 chiếc ĐTDĐ, trị giá 148,6 tỷ đồng không có hồ sơ nhập khẩu và không chứng minh được việc nhập hợp pháp.

 

Đường dây nhập lậu ĐTDĐ từ Hồng Kông về Việt Nam được thực hiện với vai trò đồng phạm giúp sức của Phạm Anh Vũ thông qua đường phi mậu dịch số hàng là 4.800 chiếc, trị giá 18,057 tỷ đồng. Để đưa số hàng này vào Việt Nam, Vũ thông qua Nguyễn Quang Hoa (nhân viên Công ty TB – Hà Nội) và Đào Lê Anh (cán bộ hải quan) móc nối với một số nhân viên Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Nội là Lê Văn Nhân, Nguyễn Đăng Chiểu, Nguyễn Đình Hiếu, Vũ Hữu Thiều, Đặng Mạnh Quyền…nhờ giúp đỡ.

 

Hải quan và hàng không đã tích cực tiếp tay cho Đông Nam! - 1
  

Nguyên những cán bộ hải quan, nhân viên hàng không thoái hóa

 

Theo thỏa thuận của Nguyễn Quang Hoan và Lê Văn Nhân thì số tiền “phí dịch vụ” mà Nguyễn Gia Thiều chi trả từ 23 – 25 USD/1 chiếc ĐTDĐ được Nhân trích 10 USD/chiếc giao lại cho Nguyễn Đăng Chiểu cán bộ Hải quan ga đường sắt quốc tế Yên Viên – Hà Nội để Chiểu lo lót, thuê những cán bộ hải quan thoái hóa khác thực hiện các công đoạn nhập lậu điện thoại. Số tiền còn lại từ 12 – 15 USD/1 chiếc điện thoại được nhập lậu Lê Văn Nhân được hưởng 10USD còn lại là phần của Hoan.

 

Tương tự, tại TPHCM, Nguyễn Gia Thiều đã chỉ đạo nhân viên của mình là Đỗ Liên Anh móc nối với những cán bộ hải quan TPHCM để nhập lậu ĐTDĐ qua đường phi mậu dịch. Cứ mỗi chiếc ĐTDĐ được nhập lậu trót lọt Thiều chi trả 25USD.

 

Đỗ Liên Anh đã móc nối với cán bộ kiểm hóa Cục Hải quan TPHCM là Nguyễn Thị Vinh Quang để những lô ĐTDĐ lậu không phải kiểm hóa.

 

Trên những tờ khai nhập lậu ĐTDĐ nhập lậu theo đường phi mậu dịch qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đều được Đỗ Liên Anh và Nguyễn Thị Vinh Quang thống nhất ghi tên hàng là sách, điện thoại cố định, dây cáp điện thoại… và là hàng làm mẫu.

 

Cứ như vậy, khi có hàng về Đỗ Liên Anh báo cho Nguyễn Thị Vinh Quang biết và Quang đã bỏ qua không ghi vào tờ khai hải quan. Số tiền chung chi từng đợt hàng lậu được Đỗ Liên Anh đặt tại bàn kiểm hóa của Quang vào cuối buổi chiều làm việc Quang gom tiền chia lại cho những cán bộ hải quan khác.

 

Theo lời khai của Nguyễn Thị Vinh Quang thì số tiền Quang đã chi lại cho các đội giám sát hàng phi mậu dịch, đội thuế, đội kho, đội kiểm soát, lãnh đạo đội kiểm hóa không nhớ cụ thể là những ai và bao nhiêu!

 

Ngoài ra, đồng phạm với Thiều còn có Huỳnh Tiến Dũng thực hiện nhập lậu thông qua một số phi công, tiếp viên hàng không của Việt Nam Airlines xách tay ĐTDĐ qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

 

Đối với một số nhân viên hải quan đã thực hiện việc kiểm hóa số hàng nhập lậu của Phạm Anh Vũ tại sân bay Nội Bài, theo cáo trạng đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc kiểm hóa không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao để cho hàng lậu đưa vào Việt Nam mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Những người này, gồm Vũ Công Năm, Cao Văn Nhật, Nguyễn Văn Thụ, Lương Thị Dương, Trần Hồng Thái, Cù Anh Dũng bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Ngoài nhập lậu ĐTDĐ, Nguyễn Gia Thiều và các đồng phạm đã thực hiện hành vi trốn thuế với tổng số tiền là 101,4 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành hoạt động Công ty Đông Nam Việt Nam, Thiều đã ký hợp đồng với Công ty Đông Nam Hồng Kông hạ thấp giá mua ĐTDĐ so với thực tế phải thanh toán từ 75USD đến 375USD nhằm trốn thuế nhập khẩu.

 

Đồng thời Thiều ký các hợp đồng mua bán trong nước thấp hơn giá thực tế kinh doanh; chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, phân công khai báo cơ quan quản lý thuế không phản ảnh đúng với thực tế kết quả sản xuất kinh doanh.

 

Để chuyển số tiền thu lợi bất chính từ việc buôn lậu, trốn thuế ra nước ngoài cũng như số tiền mà Đông Nam đã kê khai nhập ĐTDĐ thấp hơn so với thực tế và phải thanh toán tiền hàng cho Đông Nam Hồng Kông, Nguyễn Gia Thiều đã thông qua Nguyễn Trường Sơn và Hoàng Ngọc Diệp nguyên là Giám đốc chi nhánh, Phó trưởng phòng Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Chi nhánh TPHCM (Techcombank) chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với phí chuyển tiền là 0,7%.

 

Từ năm 1999 – 2002 Nguyễn Trường Sơn và Hoàng Ngọc Diệp đã chuyển ngân lậu cho Nguyễn Gia Thiều gần 20 triệu USD. Hiện Sơn và Diệp đã bỏ trốn và cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã 2 đối tượng này.

 

Theo Gia Khang
VietNamnet

Dòng sự kiện: Vụ Đông Nam