DMagazine

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới

(Dân trí) - KTS Ngô Viết Nam Sơn không giấu sự kỳ vọng cho những phát triển đột phá của TPHCM. Tuy nhiên, ông cũng dè chừng khi được hỏi những phát triển đột phá ấy có đến trong năm 2022 hay không.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới

(Dân trí) - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn không giấu sự kỳ vọng cho những phát triển đột phá của TPHCM. Tuy nhiên, ông cũng dè chừng khi được hỏi những phát triển đột phá ấy có đến trong năm 2022 hay không.

Những mảng khối thô ráp chọc trời, những con đường uốn lượn, dọc ngang xám xịt... Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều cho rằng, hạ tầng, đô thị vốn là những khái niệm vô hồn, những vật thể vô tri, vô giác, chỉ có sự vận hành của xã hội diễn ra trong đó.

Tuy nhiên, với những người làm công tác quy hoạch, đô thị có linh hồn, sự sống, mỗi cấu phần, hạ tầng bên trong đều là một bộ phận trong cơ thể thống nhất. Từng bộ phận sẽ đóng vai trò riêng, quyết định và chi phối sức khỏe, sự vận hành cho nhau và cho bản thể lớn hơn.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 1

Hạ tầng đô thị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TPHCM (Ảnh: Nguyễn Quang).

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn - vị chuyên gia từng thừa nhận, đi đâu cũng nhớ về Sài Gòn - là một trong số những người có cách nhìn đó. Trong cuộc trò chuyện một buổi chiều cuối năm với Dân trí, vị kiến trúc sư từng "bôn ba" nhiều nơi trên thế giới đã chia sẻ những trăn trở về vấn đề quy hoạch, hạ tầng đô thị TPHCM, nơi ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt dù đang ở bất kỳ nơi nào.

"TPHCM đang ở giai đoạn cần tăng tốc để phát triển nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng khá lớn. Thành phố gần như mất cả năm để loay hoay, ứng phó với đại dịch khiến lĩnh vực kinh tế, đô thị cùng nhiều mặt khác bị ảnh hưởng. Còn nói về hạ tầng, 2021 là năm khá trầm lắng", KTS Ngô Viết Nam Sơn bắt đầu câu chuyện.

Đừng cắm nhiều nhà cao lên hạ tầng cũ

Sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong năm 2021, ông đánh giá ra sao về sự phát triển của TPHCM nói chung và cụ thể hơn là lĩnh vực hạ tầng, quy hoạch, đô thị?.

- Đại dịch Covid-19 ập tới khiến hàng loạt dự tính, kế hoạch đảo chiều. Sự phát triển của thành phố trong thời gian qua có sự đình trệ và gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, nhìn theo một khía cạnh tích cực hơn, đây cũng là quãng thời gian thành phố có thể tận dụng. Khi các hoạt động tạm thời chậm đi, TPHCM có cơ hội để nhìn lại, đánh giá cách thức phát triển bấy lâu nay.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 2

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong năm qua, TPHCM có thời gian để tìm ra sự thay đổi cần thiết.

Trong vài thập niên sau thời kỳ đổi mới, TPHCM đã có sự phát triển rất mạnh. Nhưng cũng vì áp lực phát triển quá lớn, hạ tầng của thành phố luôn đi sau sự phát triển ấy. Hệ lụy có thể thấy rõ là kẹt xe, ngập nước, những sự phát triển thiếu bền vững trở thành vấn đề cố hữu của đô thị triệu dân.

Hạ tầng có tầm quan trọng thế nào đối với sự phát triển của thành phố. Việc hạ tầng đi sau sự phát triển đã bộc lộ ra sao, thưa ông?

- Đối với sự phát triển của đô thị, hạ tầng có thể coi là khung xương, nâng đỡ và tác động đến nhiều mặt của cả cơ thể. Bộ khung này có tầm ảnh hưởng, định hướng nhiều lĩnh vực khác như giao thông, điện, nước, diện mạo đô thị.

Nhà cửa xây xong không có đường vào, cầu xây xong thiếu đường dẫn, nối, đây là những hệ lụy rõ nét nhất trong vấn đề hạ tầng đi sau sự phát triển. Để có tiền đề vững chắc cho tương lai, thành phố cần khắc phục tồn tại này.

Việc phát triển hạ tầng không chỉ cần thiết đối với hình thành và nâng tầm một đô thị mới. Việc chỉnh trang đô thị hiện hữu cũng cần cân nhắc nhiều vấn đề về hạ tầng.

Hạ tầng giúp đảm bảo sức khỏe cho một đô thị. Ví dụ như khu trung tâm hiện hữu tại quận 1, quận 3 đang có hạ tầng ổn định, khi tăng áp lực lên, cắm nhiều nhà cao lên một hệ thống hạ tầng cũ mà không lo chuyện nâng cấp thì lại thành một đô thị bất ổn.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 3
Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 4

Với cơ sở hạ tầng, kết cấu đô thị đã ổn định trong thời điểm hiện tại, khu vực trung tâm TPHCM hiện hữu cần được ưu tiên hơn cho bảo tồn, chỉnh trang thay vì phát triển. Thay vào đó, những công trình cao tầng hiện đại nên hướng về những khu vực mới như thành phố Thủ Đức, bao gồm Khu Trung tâm Kinh tế Tài chính tại Thủ Thiêm, chỉ cách khu trung tâm hiện hữu một con sông.

Là một siêu đô thị 10 triệu dân chính là thế mạnh của TPHCM so với các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, quy hoạch, quản lý của thành phố vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của một siêu đô thị.

Lĩnh vực chưa được đầu tư tương xứng chúng ta thấy rõ là hạ tầng kết nối vùng. Với một vị thế như vậy, nhưng hệ thống các đường vành đai, đường hướng tâm, đường nối với địa phương khác trong vùng còn ngổn ngang trong khi đây phải là ưu tiên hàng đầu.

Từ thành phố Thủ Đức nhìn sang Thượng Hải, Paris

Ngay từ khi thành lập, thành phố Thủ Đức hứa hẹn sẽ đóng góp cho 30% GDP của TPHCM, 7% GDP cả nước. Sau một năm, ông đánh giá thế nào về vị thế của thành phố mới này, với sự phát triển của TPHCM?

- TPHCM có thể đặt kỳ vọng cao cho thành phố Thủ Đức. Nếu đưa ra được định hướng đúng, khu vực này sẽ trở thành khu đô thị hiện đại hàng đầu TPHCM và là động lực chính đưa nền kinh tế của đô thị lớn nhất cả nước phát triển.

Nhưng từ thực tại cho đến khi hình thành một đô thị thông minh, đô thị số, trung tâm tài chính, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm, còn bây giờ, rất nhiều điều chưa làm được.

Tính đến hiện tại, bán đảo Thủ Thiêm, trung tâm của thành phố Thủ Đức, chưa có trung tâm tài chính, mà chỉ có các tòa chung cư, một vài dự án cùng những con đường.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 5
Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 6

Vậy theo ông, định hướng đúng cho thành phố Thủ Đức là thế nào. Đơn vị hành chính này có thể học tập kinh nghiệm gì từ các nước trên thế giới?

-Khi tôi còn tham gia nghiên cứu quy hoạch cho Phố Đông Thượng Hải là năm 1990. Chỉ sau 15 năm, phía Đông thành phố Thượng Hải đã xây dựng hoàn chỉnh một trung tâm tài chính quốc tế từ vùng đất trắng.

Trong quãng thời gian 15 năm, khu vực Thủ Thiêm cũng trong hoàn cảnh giải tỏa trắng. Nhưng hiện tại, nơi này chỉ có những con đường và một vài công trình được hình thành.

Trong số các vấn đề mà thành phố Thủ Đức đang gặp, vướng mắc lớn nhất là cơ chế, chính sách. Điều Thủ Đức cần hiện tại, là một cơ chế, chính sách phân quyền đặc thù để tạo thế phát triển.

Tại Phố Đông Thượng Hải, họ có chính sách trao quyền cho Chủ tịch thành phố tương đương cấp Phó tỉnh, tức cao hơn cấp quận. Với thành phố Thủ Đức, khi lãnh đạo được phân cấp tương đương Phó Chủ tịch UBND TPHCM sẽ tạo cơ hội phối hợp, điều hành sở, ngành cấp thành phố liên quan trong các vấn đề cần thiết.

Trong thời gian đầu hình thành, Phố Đông Thượng Hải được dành một phần ngân sách Trung ương nhất định để phát triển và đi kèm các chính sách rất ưu đãi. Khi đó, các nhà đầu tư đều nhận thấy, khi bỏ tiền đầu tư vào đây sẽ có nhiều lợi ích hơn nơi khác.

Đối với lĩnh vực quy hoạch, tôi cùng các chuyên gia quốc tế được mời thực hiện hợp nhất Quy hoạch Khu Trung tâm Thượng Hải. Tức là hợp nhất hai quy hoạch khu trung tâm phía Đông và phía Tây, nằm 2 bên bờ sông Hoàng Phố.

Trước đó, hai quy hoạch tách rời khiến các mảnh đô thị không tạo được hiệu quả thu hút đầu tư. Khi nằm chung một bản quy hoạch, các nhà quản lý đô thị sẽ điều tiết được sự phát triển theo cách phù hợp nhất, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển thiếu bền vững.

Hiện nay, quy hoạch Thủ Thiêm và khu đô thị trung tâm hiện hữu còn bị phân hóa. TPHCM cần gấp rút thống nhất quy hoạch nhằm xác định chiến lược bảo tồn, chỉnh trang, phát triển tương tự bài học của Phố Đông Thượng Hải.

Từ việc quy hoạch bài bản, phân bổ nguồn lực hợp lý, Thượng Hải đã ưu tiên sớm hình thành tuyến metro ngầm và các cầu nối, tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương và thúc đẩy nhiều lĩnh vực.

Một ví dụ có tính tương đồng khác với thành phố Thủ Đức là cách nước Pháp, thực hiện dự án phát triển phía Tây Paris - La Défense. Trung tâm mới của thủ đô nước Pháp cũng có trục đại lộ Champs-Élysées chạy thẳng qua nhưng nằm tách biệt với khu trung tâm cũ.

Từ những cơ chế, chính sách khoa học về quy hoạch và quản lý, khu trung tâm Paris cũ được định hình là nơi để bảo tồn và trục phát triển được hướng về khu vực mới nằm tách biệt.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 7
Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 8
Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 9

Thành phố Thủ Đức có nhiều điểm tương đồng với phố Đông Thượng Hải hay khu La Défense, là nơi cần được tập trung nguồn lực để phát triển. Còn tại trung tâm TPHCM hiện hữu thuộc khu vực cần bảo tồn như vùng trung tâm Paris hay phía Tây Thượng Hải.

Những bài học quốc tế có nhiều, nhưng lâu nay chúng ta vẫn chưa tận dụng được. Để tạo ra sự thay đổi, chúng ta cần thay đổi được tư duy quy hoạch, tư duy quản lý và tư duy phát triển.

Nguồn lực từ chính quỹ đất và hạ tầng

TPHCM đang còn rất nhiều vấn đề phải khắc phục trong vấn đề quy hoạch, hạ tầng. Để khắc phục điều đó, thành phố cần nguồn lực tài chính lớn, đâu là lời giải cho bài toán này?

-Những dự án phát triển hạ tầng ngày nay giá trị không còn tính bằng hàng triệu USD mà có thể là hàng tỷ USD. Ngân sách công không thể đủ được cho tất cả nhu cầu.

Câu trả lời cho TPHCM là nguồn tài chính lớn nằm trong chính quy hoạch, giá trị của đất. Để khơi thông nguồn lực này, các nhà quản lý quy hoạch đô thị, chính quyền cần có những chiến lược phát triển hạ tầng, đô thị song song và kết hợp với quy hoạch nhằm làm tăng giá trị của từng khu đất.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 10

Câu trả lời cho TPHCM là nguồn tài chính lớn nằm trong chính quy hoạch, giá trị của đất.

Điều tôi muốn nói đến là tư duy kinh tế thị trường trong quản lý, quy hoạch đô thị. Lâu nay, khi làm một dự án, chúng ta chỉ chú trọng vào hạ tầng của dự án đó mà chưa tính đến việc hạ tầng đó còn làm tăng giá trị của khu vực lân cận.

Ví dụ như các dự án tỷ đô hiện tại như tuyến Metro số 1, 2, 3, và 4, nếu chỉ tập trung vào các tuyến đường sắt, hệ quả tất yếu là toàn bộ khu vực xung quanh sẽ thấy nhiều tòa nhà siêu mỏng, siêu méo, xen lẫn với các công trình cao thấp lộn xộn, thiếu quy hoạch, các mảng cảnh quan không tương xứng, mất mỹ quan đô thị.

Ngược lại, nếu nhìn rõ được tầm quan trọng của công tác quy hoạch, thành phố sẽ đạt được nhiều lợi ích to lớn.

Những giá trị đến từ đất đai, quy hoạch liệu có đủ trở thành nguồn lực lớn để TPHCM phát triển hạ tầng?

-Nếu thực hiện đấu giá đất 2 bên hạ tầng, thành phố có thể thu lại được nguồn tài chính cao hơn gấp hàng chục, hàng trăm lần, số tiền đền bù cho người dân bị thu hồi đất cũng cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống. Nguồn lực này thậm chí có thể giúp thu hồi hàng tỷ USD đầu tư ban đầu cho hạ tầng, còn dư để TPHCM thực hiện nhiều dự án khác và nộp lại cho ngân sách.

Một ví dụ cụ thể, việc quy hoạch được làm song hành với phát triển hạ tầng sẽ giúp dọc các tuyến Metro được kéo theo những khu đô thị, nhà cao tầng hiện đại mới được quy hoạch xứng tầm. Các khu đô thị dọc hạ tầng huyết mạch sẽ có điều kiện để hình thành những nơi ở văn minh, hiện đại, mức sống cao cho người dân với hàng loạt hạ tầng xã hội đi kèm.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 11

Dọc các tuyến Metro cần tính đến quy hoạch những khu đô thị, nhà cao tầng hiện đại xứng tầm (Ảnh: Nguyễn Quang).

TPHCM có không gian đa dạng, nhiều nguồn lực. Việc phát triển các dự án cần nằm trong một chiến lược tổng thể và trách nhiệm đó phần lớn nằm trong tay nhà quản lý quy  hoạch đô thị, tức là chính quyền.

Các nhà đầu tư thường quan tâm đến dự án của họ, nhưng để các dự án cùng tạo thành sức mạnh thống nhất để phát triển thì thành phố, với tư cách là nhạc trường điều phối, rất cần một chiến lược tổng thể.

Bên cạnh nguồn lực nội tại, ngân sách Trung ương cần dành sự quan tâm lớn hơn cho phát triển TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành thuộc vùng đô thị TPHCM (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang). Bởi, vùng đô thị này có sự góp mặt của nhiều địa phương đóng góp ngân sách hàng đầu cho cả nước nhưng cơ sở hạ tầng kết nối còn yếu kém và chưa tương xứng.

Thời điểm cần mạnh dạn đổi mới tư duy

Học tập kinh nghiệm mới, thay đổi cách quản lý, quy hoạch truyền thống, theo ông chia sẻ, TPHCM cần nhiều sự thay đổi lớn trong thời điểm hiện nay. Đây có phải là điều bắt buộc?

- "Mạnh dạn đổi mới tư duy" là điều tôi muốn đề cập tới. Những đột phá cho sự phát triển của TPHCM chỉ đến, khi có tiền đề là sự thay đổi ấy.

TPHCM đang ở một ngưỡng mà nếu không thay đổi tư duy vốn có, sẽ không thể tận dụng được các tiềm năng vốn có để phát triển, cạnh tranh với các đô thị trong khu vực. Vùng đô thị TPHCM cũng đến lúc cạnh tranh với các vùng đô thị khác trên thế giới.

Đối với bên trong, sự thay đổi cần thiết nhất là TPHCM không thể tách rời quy hoạch khu vực Thủ Thiêm - Trung tâm tài chính trong tương lai - ra khỏi khu vực bờ Tây mà cần tích hợp vào một bản quy hoạch thống nhất. Đối với bên ngoài, đã đến lúc, thành phố cần đặt sự phát triển địa phương trong mối tương quan với phát triển vùng, chú trọng hơn vào liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực.

Một ví dụ rõ nét nhất cho vấn đề phát triển vùng đối với TPHCM là trong lĩnh vực kinh tế biển. Hiện tại, TPHCM có Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển, đồng thời đây cũng là lá phổi xanh của thành phố với khu dự trữ sinh quyển cần đặt ưu tiên gìn giữ lên hàng đầu.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 12

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, đã đến lúc, TPHCM cần thay đổi tư duy quản lý, quy hoạch để tạo đột phá (Ảnh: Hải Long).

Thay vì chọn đô thị hóa mật độ cao cho Cần Giờ, làm mất đi điểm đặc trưng vốn có là một khu vực sinh thái, là lá phổi xanh, TPHCM cần một tư duy đột phá để ưu tiên giữ gìn giá trị sinh thái cho Cần Giờ. Thành phố có thể thực hiện chiến lược hợp tác vùng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là logistic.

Với vị thế trung tâm của vùng đô thị TPHCM, đô thị triệu dân có thể mở rộng kết nối hệ thống cảng hiện hữu đối với các địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giuộc, Long An…

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 13

TPHCM vẫn có thể vừa giữ lại bản sắc cho Cần Giờ, vừa phát triển kinh tế biển dựa trên liên kết vùng (Ảnh: P.N.).

Đối với từng lĩnh vực của vùng kinh tế TPHCM, hiện tại, cảng biển lớn nhất nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay lớn nhất nằm ở Đồng Nai nhà ga đường sắt lớn nhất nằm tại Bình Dương. Các hạ tầng quan trọng của vùng đều nằm ngoài địa bàn TPHCM, tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của TPHCM vẫn đứng hàng đầu nhờ vị thế là trung tâm, siêu đô thị duy nhất của vùng, một thị trường trên 10 triệu dân

Do vậy, việc chú trọng đến liên kết vùng, tập trung phát triển logistic sẽ là những vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu đối với thành phố.

Năm 2022, TPHCM có thể tạo ra những đột phá trong phát triển các lĩnh vực nói chung và hạ tầng, đô thị nói riêng?

-K ỳ vọng, hy vọng chắc chắn là có, tôi luôn mong TPHCM sẽ phát triển xứng tầm. Nhưng để nói sự phát triển đột phá ấy có sớm đến trong năm 2022 hay không thì thật khó.

Hiện tại, thành phố cùng cả nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng với Covid-19. Tôi hy vọng, năm 2022, TPHCM có thể tăng tốc, bù lại quãng thời gian đã mất.

Điều đầu tiên để cần làm để sự tăng tốc ấy diễn ra là thay đổi tư duy. Cách tư duy lâu nay của chúng ta có những ưu điểm nhất định, nhưng để tạo ra những đột phá mới thì chưa.

Việc loại bỏ tư duy phát triển cục bộ, chú trọng đến liên kết vùng, kết hợp giữa quy hoạch và phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho thời kỳ mới là những tiền đề để TPHCM tăng tốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Để làm được điều đó, ngoài khả năng nội tại, thành phố cần đến cả sự thay đổi của các cấp Trung ương trong việc nhìn nhận, đánh giá vai trò, tiềm năng còn chưa được khai phá. Khi được nhìn nhận, đánh giá đúng, TPHCM, vùng đô thị TPHCM mới được xác lập cơ chế đặc thù và ngân sách chỉnh trang, phát triển hạ tầng đúng nhu cầu.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để TPHCM có đột phá mới - 14