TPHCM cần đề xuất một nghị quyết mới mạnh hơn về chính sách đặc thù

Q.Huy

(Dân trí) - Ông Trần Hoàng Ngân cho biết, nhiều phần việc của TPHCM đang vướng cơ chế, chính sách. Đây chính là cơ sở để TPHCM đề xuất Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù mới cho địa phương.

Chiều 17/12, ông Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Ngoài đưa ra những nhận xét, đánh giá các hoạt động của đoàn trong năm vừa qua, các đại biểu cũng đưa ra những góp ý về phương hướng, nhiệm vụ, những vấn đề cần khắc phục trong năm 2022.

Việc đổi mới hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù mới, thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội là những vấn đề chính được các đại biểu quan tâm. Các đại biểu cũng kỳ vọng trong năm 2022, các tâm tư, nguyện vọng, bức xúc kéo dài của người dân sẽ được nắm bắt kịp thời, có hướng giải quyết dứt điểm.

TPHCM cần đề xuất một nghị quyết mới mạnh hơn về chính sách đặc thù - 1

Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: H.K.).

Chuẩn bị Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Đóng góp ý kiến cho hoạt động năm 2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, cho rằng, trong công tác xây dựng pháp luật của năm 2022, đoàn cần tập trung chuẩn bị nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Ông Ngân nhấn mạnh, đây là công việc chính của UBND TPHCM, tuy nhiên, các đại biểu cần có sự gắn kết trong khâu chuẩn bị.

"Sau khi thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại TPHCM, các địa phương khác đã lần lượt đi theo. Các địa phương cũng rất quan tâm đến việc tổng kết việc thực hiện thí điểm này tại TPHCM nên chúng ta cần đánh giá ngay từ bây giờ", ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

TPHCM cần đề xuất một nghị quyết mới mạnh hơn về chính sách đặc thù - 2

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (Ảnh: H.K.).

Sau khi hoàn thành việc tổng kết, đánh giá, thành phố cần chuẩn bị sẵn đề án để thay thế cho Nghị quyết 54. Phương án khác được ông Trần Hoàng Ngân đưa ra là thành phố có thể xin thí điểm thêm 2 năm việc thực hiện các thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù do 2 năm vừa qua, toàn địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

"Nhiều đại biểu của Đoàn Đại biểu TPHCM là lãnh đạo Trung ương. Thành phố có thể chủ động đặt hàng Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong việc xây dựng các Nghị quyết mới hoặc xây dựng luật đô thị đặc biệt để thay thế Nghị quyết 54", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nêu quan điểm.

Phân tích rõ hơn vấn đề trên, ông Trần Hoàng Ngân cho biết, qua công tác giám sát, công tác phòng, chống dịch, thành phố gặp nhiều vướng mắc về cơ chế và đây là cơ sở để địa phương đề xuất Quốc hội có một Nghị quyết về chính sách đặc thù mạnh hơn Nghị quyết 54.

Cụ thể, việc hợp nhất các phường, thành lập thành phố Thủ Đức còn vướng rất nhiều về cơ chế. Công tác phòng, chống dịch cũng nổi lên nhiều vấn đề về nhân sự, định biên tại phường, xã trong bối cảnh thành phố là một đô thị đặc biệt, có dân số đông.

Cần giải quyết dứt điểm bức xúc kéo dài của người dân

Đại biểu Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, kỳ vọng, trong thời gian tới, thông qua hoạt động giám sát và tham mưu, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt các vụ việc kéo quá dài. Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu có thể làm việc thêm với các cơ quan chuyên ngành để tìm phương hướng giải quyết.

"Hàng ngày, chúng tôi vẫn nhận được nhiều đơn thư, tin nhắn phản ánh từ người dân. Nếu các vấn đề của người dân vẫn kéo dài, các đại biểu Quốc hội sẽ có điều gì đó còn trăn trở", bà Trần Kim Yến bày tỏ.

TPHCM cần đề xuất một nghị quyết mới mạnh hơn về chính sách đặc thù - 3

Bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, tại hội nghị (Ảnh: H.K.).

Bí thư quận 1 cũng chia sẻ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có thể nghiên cứu đổi mới phương án tiếp xúc cử tri để bao quát, nắm bắt rõ những vấn đề người dân thành phố đang gặp. Cụ thể, ngoài việc tiếp xúc cử tri tại đơn vị mình ứng cử, các đại biểu có thể đăng ký gặp gỡ thêm người dân nơi địa bàn khác hoặc thường trực đoàn sẽ phân công.

Trong công tác giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, ông Trần Hoàng Ngân góp ý, các đại biểu có thể liên kết, đặt vấn đề và đưa ra nội dung giám sát, thành lập các tổ để phủ được những vướng mắc, thay vì chờ để giám sát theo đoàn như hiện nay.

Kết luận tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, trong năm 2022, thành phố sẽ có kế hoạch bố trí để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị mình ứng cử. Trong công tác giám sát, đoàn sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề, vụ việc kéo dài.

TPHCM cần đề xuất một nghị quyết mới mạnh hơn về chính sách đặc thù - 4

Ông Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: H.K.).

Nhận xét về công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội trong một năm vừa qua, ông Phan Văn Mãi đánh giá, trong thời điểm chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, đoàn đã thể hiện được truyền thống về đoàn kết, tinh thần, trách nhiệm. Đại biểu Quốc hội TPHCM cũng tích cực, chủ động đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.

"Điểm nổi bật trong năm qua là đoàn đã thể hiện sự sáng tạo, thích ứng tình hình trong năm 2021. Dịch Covid-19 có thể còn phức tạp, điều quan trọng là khả năng thích ứng để thực hiện nhiệm vụ", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.