Bình Thuận:
“Người tử tế” trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén: “Vì tôi là một người thầy!”
(Dân trí) - Suốt 17 năm “vác” đơn đến khắp các cơ quan ban ngành kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác trong “vụ án vườn điều”, ông Thận đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc, từ đỉnh điểm của sự tuyệt vọng cho đến niềm vui vỡ òa khi ông Nén được trả tự do.
Tốt nghiệp trung cấp sư phạm, ông Nguyễn Thận theo nghiệp "gõ đầu trẻ" từ năm 1976. Năm 1979 ông được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Trung học Tân Minh (sau này là trường cấp 1-2 Tân Minh), khi đó ông mới 21 tuổi.
Hồi đó vừa qua chiến tranh, Tân Minh nhiều dân lưu tán, học trò đi học khi đã lớn tuổi, như học trò Huỳnh Văn Nén (SN 1962) chỉ thua thầy Thận 6 tuổi. Hai em vợ ông Nén là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Thị Tiến (bị tù oan trong vụ án vườn điều) cũng là học trò của thầy Nguyễn Thận. Năm 1983 ông Thận được bầu làm ủy viên thư ký UBND xã Tân Minh, sau đó làm Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND xã…
Hành trình giải oan cho “người tù thế kỷ” bắt đầu từ ngày 17/5/1998, khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam do bị nghi sát hại bà Lê Thị Bông đêm 23/4/1998. Tháng 12/1998, ông Nén và lần lượt 9 người trong gia đình bên vợ ông bị khởi tố do bị nghi đã giết bà Dương Thị Mỹ tại một vườn điều ở thôn 2 (xã Tân Minh) vào đêm 18/5/1993. Cũng kể từ đây, vụ án cả gia đình ông Nén bị bắt giam được gọi với cái tên “vụ án vườn điều”. Ngay từ thời điểm này, ông Nguyễn Thận đã không tin cậu học trò cũ là Huỳnh Văn Nén và gia đình lại “dính” vào hai vụ trọng án gây chấn động dư luận.
Ngày 20/11/1999, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận ra kết luận điều tra vụ án vườn điều (KLĐT). Khi ấy ông Nguyễn Thận đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Tân Minh (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) đã nghĩ đến việc đi kêu oan cho cậu học trò cũ. Cũng vào ngày này, ông Thận không may bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. Tuy sức khỏe rất, nhưng sau khi đọc KLĐT của Công an tỉnh Bình Thuận, ngay trên giường bệnh ông đã giúp người thân các bị can làm đơn khiếu nại, kêu cứu cho họ.
Điểm “mấu chốt” càng làm ông Thận tin rằng các bị cáo trong hai vụ án đều bị oan là lá thư “tuồn” ra từ trại giam. Hôm đó vào tối 3/9/2000, ông Nguyễn Thận nhận được một lá thư do bà Nguyễn Thị Lụa mang tới. Bà Lụa là mẹ của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành, người đang thụ án tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại trại giam Sông Cái. “Đọc lá thư tôi run hết chân tay và biết mấu chốt của vụ án có thể từ chỗ này” - Ông Nguyễn Thận nhớ lại.
Nội dung lá thứ, Thành viết về việc một người bạn khác của mình đã kể chuyện giết bà Lê Thị Bông như thế nào. Kể từ đây, ông Thận khẳng định rằng: “Có thể cứu được thằng Nén...”
Sau khi hỏi cặn kẽ về lá thư, về những lời dặn của Nguyễn Phúc Thành, ông Thận lập tức thắp đèn viết đơn trình bày vụ việc gửi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận. Trong đơn, ông Thận nêu lên những điểm “kì lạ” về việc hai người đàn ông chuẩn bị làm thủ tục đi học tập lao động bỗng nhiên biến mất khỏi địa phương, rồi những nghi vấn từ tiếng khóc của nghi can Huỳnh Văn Nén tại UBND xã.
“Với trách nhiệm của một chủ tịch xã, tôi đã làm văn bản báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến lời tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành về hung thủ thật sự giết bà Bông để gửi cơ quan điều tra” – Ông Thận chia sẻ.
Cho đến phiên tòa phúc thẩm lần một vào ngày 5/4/2002, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm. “Lúc đó tôi mừng lắm, vì coi như công sức của mình đã có kết quả bước đầu”, ông Thận tâm sự. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì ông Thận và những người đồng hành lại gặp phải khó khăn lớn khi không còn luật sư nào nhận bào chữa cho lần xét xử sơ thẩm lần hai vào năm 2004.
“Giai đoạn này gần như tuyệt vọng, tôi lang thang trên internet và tình cờ biết ba luật sư là Trần Vũ Hải, Phạm Hồng Hải, Bùi Đức Trường. Tôi ngồi viết thư tay cầu cứu và cả ba luật sư đều nhận lời bào chữa miễn phí và họ đã bám đuổi vụ việc đến khi ông Nén và những người khác được tuyên vô tội” - Ông Thận tâm sự.
Trong khoảng thời gian này khá nhiều tai họa ập xuống gia đình ông Thận một cách “kì lạ”. Đầu tiên là 15 ha mía giống của gia đình ông bỗng nhiên bị cháy rụi, rồi ông Thận bị rải truyền đơn khắp 17km QL1 qua xã Tân Minh, phao tin rằng Nguyễn Thận có cha làm quận trưởng chế độ Sài Gòn tại tỉnh Quảng Trị, bị cách mạng xử tử năm 1972... Nguyễn Thận bị thanh tra về quản lý tài chính rồi chuyển sang điều tra, kéo dài đến tháng 2/2004 mới có kết luận ông không tham ô, không khai gian lý lịch.
Trong hoàn cảnh như vậy, ông Thận vừa chu đáo cung cấp cho các nhà báo tài liệu liên quan đến hai vụ án, vừa tận tâm hỗ trợ các bị can và người thân của họ giải oan. Tháng 4/2002, sau khi bản án sơ thẩm (lần 1) vụ án vườn điều bị tuyên hủy để điều tra lại, LS Phạm Thị Kim Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) không thể tiếp tục bào chữa cho các bị cáo do một hoàn cảnh đặc biệt. Lúc đó, ông Thận bắt đầu kiệt quệ về tài chính lẫn sức khỏe, lại đang bị điều tra, nhưng ông vẫn liên hệ được với LS Phạm Hồng Hải và LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, thuyết phục họ bào chữa miễn phí cho các bị can “vụ án vườn điều”.
Chính sự phối hợp nhịp nhàng, quyết tâm của ông Nguyễn Thận, các luật sư và cơ quan thông tấn báo chí, đến năm 2006, "vụ án vườn điều" được khẳng định là án oan, 9 người bên vợ trong gia đình ông Nén được trả tự do.
Cũng kể từ đây, hành trình giải oan cho cậu học trò cũ sang bước ngoặt mới. Ông Nguyễn Thận tiếp tục làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền ở Trung ương, kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén.
Trung Kiên