1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):

Người lính Gạc Ma đặt tên con là Trường Sa, Sinh Tồn...

(Dân trí) - Đứng trước những làn đạn xối xả từ phía quân lính Trung Quốc, dù trên tay không có vũ khí nhưng các anh vẫn quyết nắm chặt tay nhau, kết thành vòng tròn để bảo vệ cờ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Trong giây phút sinh tử, dù có phải hy sinh thân mình, các anh vẫn nguyện làm tròn nhiệm vụ.

Vòng tròn bất tử bảo vệ cờ Tổ quốc

Phải qua nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được hai cựu binh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú tại xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) và Trần Xuân Bình (SN 1970, trú tại Gio Thành, Gio Linh) - những người may mắn sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Thỉnh thoảng, 2 cựu binh lại gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm về một thời kề vai chiến đấu
Thỉnh thoảng, 2 cựu binh lại gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm về một thời kề vai chiến đấu

Sau 28 năm, trận chiến không cân sức, bi thương nhưng oai hùng ấy vẫn "sống" trong tâm trí các cựu chiến binh Gạc Ma. Chừng ấy thời gian chưa đủ để xoa dịu những nỗi đau khi các anh phải tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình đã ngã xuống, đến nay đều không tìm thấy thi hài.

Nhấp chén nước chè pha chút vị mặn của xứ biển, cựu chiến binh Trần Quang Dũng kể lại: “Ngày 12/3/1988, anh em chúng tôi lên tàu HQ 604 đi ra làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa. Khoảng 5h ngày 13, chúng tôi mới đến được bãi Gạc Ma. Khi tàu HQ 604 thả neo, một số đồng chí được giao nhiệm vụ vận chuyển vật liệu lên đảo, còn tôi và anh Bình cùng anh Phương và một đồng chí nữa làm nhiệm vụ cắm và bảo vệ cờ Tổ quốc, nhằm khẳng định chủ quyền của ta ở Gạc Ma. Để cắm được cờ, anh em phải dùng xà beng đục xuống rạn san hô Gạc Ma để cắm vững thân cờ Tổ quốc. Trên đảo Cô Lin cách đó không xa, cờ chủ quyền cũng phần phật tung bay ở cả hai đầu đảo. Chúng tôi nhận lệnh từ chỉ huy là tập trung nhiệm vụ, mặc kệ tàu chiến Trung Quốc đang lảng vảng quanh đó.

Cựu chiến binh Trần Quang Dũng kể lại trận chiến Gạc Ma
Cựu chiến binh Trần Quang Dũng kể lại trận chiến Gạc Ma

Rạng sáng ngày 14/3/1988, các tàu chiến Trung Quốc áp sát. Đó là các biên đội tàu chiến thật sự với hỏa lực mạnh, trong khi các tàu Việt Nam chỉ là loại hải vận để chở binh sĩ, vật liệu xây dựng, lương thực tiếp tế cho các đảo. Đặc biệt, đa số chiến sĩ trên tàu Việt Nam là công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo chứ không phải lính chiến đấu.

Sau khi tiếp cận bãi đá, thuyền của ta và Trung Quốc rất gần nhau, sau vài lời tuyên bố, lực lượng của ta tiến sát cờ, chúng cũng đòi giành lại. Lúc đó, anh em tràn lên khoảng gần 40 người, nắm chặt tay nhau kết thành vòng tròn bảo vệ cờ. Anh Trần Văn Phương lúc đó động viên tinh thần anh em: “Chúng ta quyết giữ lấy cờ, dẫu có hy sinh cũng quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc…”. Câu nói của anh Phương như một lời cổ động anh em. Được một lúc thì anh ấy bị trúng đạn và ngã xuống.

Tình hình lúc đó càng trở nên căng thẳng, lính Trung Quốc bắt đầu bắn xối xả vào lực lượng của ta, khiến nhiều đồng chí hy sinh, tàu HQ 604 cũng bị trúng pháo...".

Anh Bình nhớ lại, khi bị quân lính Trung Quốc vây ráp, anh em đồng đội còn sống co cụm lại trên chiếc xuồng nhỏ dài khoảng 3m, rộng khoảng 1,5m. Lúc đó, anh em trong nhóm còn khoảng 15 người, ai cũng thấm mệt, máu me toàn thân. Trước khi lên xuồng, họ dìu được anh Phương đã hy sinh, anh Lanh bị thương do lính Trung Quốc đâm và anh Tứ bị thương bơi ngoài tàu vào. Các đồng đội khác người thì hy sinh, người thì bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Lên được xuồng, anh em vừa đi vừa tát nước, mặc cho thuyền bị thả trôi giữa đại dương. Đến 12h trưa, họ gặp một chiếc thuyền tiếp nước cứu và đưa đến nơi tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin. Sau đó, những người lính đến đảo Sinh Tồn làm lễ truy điệu và an táng cho các liệt sĩ đã hy sinh, trong đó có anh Trần Văn Phương.

Anh Dũng nhớ thời khắc ông tận tay chôn cất các liệt sĩ hy sinh
Anh Dũng nhớ thời khắc ông tận tay chôn cất các liệt sĩ hy sinh

May mắn trở về sau trận chiến khốc liệt ấy, khoảng 6 tháng sau, anh Bình và anh Dũng tiếp tục nhận nhiệm vụ đi phá luồng tại đảo Đá Lớn để tàu thuyền vào tránh trú bão. Tiếp đó, hai cựu binh còn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà giàn DK1, xây dựng 6 đảo chìm... đến năm 1991 mới xuất ngũ.

“Mong có thuyền mới vươn khơi, bám biển”

Sau khi trở về địa phương sinh sống, anh Dũng lập gia đình rồi sống ở Gio Linh, Quảng Trị. Là dân biển chính gốc nên anh cũng sắm một con thuyền nhỏ để đánh bắt gần bờ. Tuy cuộc sống gia đình chưa khá giả nhưng vui vì gia đình đoàn tụ, mấy người con đều được học hành tấn tới.

“Những ngày tháng chiến đấu, để góp phần bảo vệ chủ quyền thì dù đối mặt với cái chết chúng tôi cũng không sợ. Khi còn sống trở về quê hương thì cũng muốn làm một điều gì đó cho gia đình và nuôi các con khôn lớn thành người. Không thể chấp nhận nghèo đói mãi được. Sống gần biển nên tui chỉ mong muốn được đầu tư lại con thuyền cho chắc chắn để vươn khơi, bám biển. Hy vọng góp một phần công sức vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước” – anh Dũng nói.

Chiếc thuyền nhỏ cũng là phương tiện mưu sinh của anh Dũng
Chiếc thuyền nhỏ cũng là phương tiện mưu sinh của anh Dũng

Anh Trần Xuân Bình trở về quê hương cũng bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng hạnh phúc gia đình. Luôn khắc khoải về trận chiến năm xưa, anh đặt tên cho các con trai của mình là Trường, Sa, Sinh (Sinh Tồn) như một cách để ghi nhớ về một thời chiến đấu bi hùng không thể nào quên.

Đăng Đức