1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người lái xe Trường Sơn và chuyện “khoán xe chui” những năm đầu đổi mới

Nguyễn Dương Khánh Chi

(Dân trí) - Hơn 30 năm trước, ngành vận tải Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên), có một mô hình “khoán xe chui” thời kỳ hậu bao cấp, một mô hình nổi tiếng không kém mô hình khoán hộ trong nông nghiệp.

Tác giả của mô hình “khoán xe” ngày ấy là Cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa, nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571).

Từ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, trở thành công nhân lái xe khách, rồi được giao cương vị giám đốc xí nghiệp khi đang ở “tuổi băm”, trong suốt thập niên 1980-1990, Hoàng Chính Hòa đã được đồng nghiệp gọi bằng những cái tên thân mật là: “Hòa khoán xe”, “Hòa mở tuyến”…

Người lái xe Trường Sơn và chuyện “khoán xe chui” những năm đầu đổi mới - 1

Hoàng Chính Hòa thời “khoán chui”.

Những ngày “cầm lái” trên mặt trận mới

Sau 7 năm ở tuyến lửa Trường Sơn (1971-1978), hết chiến tranh, Hoàng Chính Hòa chuyển ngành, tiếp tục về cầm vô lăng, làm công nhân lái xe ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng.

Ở tuổi ngoài đôi mươi, anh không nghĩ đấy chính là cơ duyên để sau này mình dấn thân vào chốn thương trường và tiếp tục gắn bó với những cung đường, những tuyến xe, rồi góp phần “mở lối”, mở tuyến, khoán xe “phá rào” và làm thay đổi tư duy “ngăn sông cấm chợ” trong cung cách quản lý quan liêu bao cấp của ngành giao thông vận tải những năm đầu đổi mới.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “một thời cầm lái” của anh ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng, cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa liền cười, bảo: “Có gì đâu, cũng giống như khoán hộ thôi, khoán nông nghiệp thì dưới ruộng, khoán xe thì trên đường. Nói vậy chứ cái gì cũng có sự phức tạp riêng, hồi đó mình mạnh tay làm, nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ, nhiều lúc tôi đã tự hỏi sao hồi đó mình… liều thế!”.

Người lái xe Trường Sơn và chuyện “khoán xe chui” những năm đầu đổi mới - 2

Hoàng Chính Hòa (bên trái) và nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Sướng ôn lại thời kỳ thực hiện mô hình “khoán xe chui”.

Hoàng Chính Hòa kể rằng, nhận chức giám đốc ở thời buổi cạnh tranh, phải lo bảo toàn và phát triển vốn, lo cho hơn 300 con người trong xí nghiệp, nhiều khi lo đến mất ăn mất ngủ. Ngày ấy, việc có mặt từ 8-10 giờ ở xí nghiệp với anh là chuyện bình thường. Bởi lẽ, xí nghiệp khi ấy như một vườn cây sau bão.

“Tôi đã từng lái xe nên hiểu người lái xe nghĩ và làm như thế nào, nguyện vọng của họ muốn gì. Hồi còn là lái xe, tôi đã từng nghĩ giá như mình được làm chủ một cái xe. Khi làm giám đốc, tôi cũng nghĩ đến nguyện vọng ấy của người lái. Tôi giao xe cho họ nhưng phải có những ràng buộc chặt chẽ - ông nhớ lại.

"Từ đó, tôi bắt đầu bằng cơ chế khoán, mới đầu là khoán vật tư, xăng dầu, sau tiến dần lên khoán đầu xe, khoán chuyến, khoán tuyến. Mức khoán hợp lý thì sẽ có xe tốt, xí nghiệp có tích lũy và đời sống người lái xe thêm khấm khá”. Nói rồi Hoàng Chính Hòa đưa tôi tập tài liệu đánh máy với những con số cô đọng mà Xí nghiệp xe khách Hải Hưng làm được trong những năm anh làm giám đốc. Anh bảo tôi: “Hãy chịu khó đọc nó, những con số ấy không khô khan đâu, nó biết nói, nó có tình cảm đấy!”.

Người lái xe Trường Sơn và chuyện “khoán xe chui” những năm đầu đổi mới - 3

Giám đốc Hoàng Chính Hòa (đứng hàng đầu, bên trái Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng một số cựu chiến binh là doanh nhân, điển hình tiên tiến tỉnh Hải Hưng tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1990).

Quả thực, qua những con số ấy, tôi hình dung được rằng trước đó xí nghiệp này là một đơn vị yếu kém. Đường xấu, xe cũ nát, vốn thiếu, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu việc làm, trong khi các thành phần kinh tế khác được phép bung ra. Từ cái khó ấy, anh đã có những bước đi táo bạo, không giẫm đạp lên ai.  

“Muốn tìm hiểu kỹ hơn về mô hình “khoán chui” ngày ấy, cứ tới hỏi chuyện ông Bùi Văn Sướng. Hồi ấy, tôi “làm chui” nhưng ông Sướng… biết hết đấy!”, anh Hòa vui vẻ bảo. Nghe theo lời khuyên ấy, tôi đã tìm gặp nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Văn Sướng.

Cần phải đổi mới khoán trong vận tải để “giải phóng” tài xế và chủ xe

Là người có hơn 20 năm phụ trách lĩnh vực vận tải (1974-1998) nên ông Bùi Văn Sướng hiểu rất rõ những thăng trầm mà ngành vận tải phải trải qua. “Tôi nhớ, trước thập niên 1980, có tới cả chục năm, vào mỗi dịp lễ, Tết, các bến xe luôn diễn ra tình cảnh người dân phải ăn chực nằm chờ, trong khi “đợi mỏi cổ” chẳng thấy xe khách ở các tỉnh tới chở… Xảy ra tình trạng trên là do xe của tỉnh nào thì chỉ được phép chạy trong phạm vi tỉnh ấy, hễ ra khỏi địa giới tỉnh là Bộ Giao thông vận tải “tuýt còi”.

Người lái xe Trường Sơn và chuyện “khoán xe chui” những năm đầu đổi mới - 4

Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng Hoàng Chính Hòa phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Hải Dương (tháng 5-1999).

Là người làm công tác quản lý, ông Sướng và lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận thấy cần phải đổi mới khoán trong vận tải để “giải phóng” tài xế, “giải phóng” chủ xe thoát khỏi cơ chế bao cấp. Và thực tế đã có doanh nghiệp vận tải tự tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng mô hình khoán cho cá nhân như ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng.

Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Sướng kể: “Khi biết Hòa “xé rào”, áp dụng mô hình khoán xe cho xí nghiệp, tôi thường làm ngơ, coi như… không biết, cũng chẳng báo cáo lên trên. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương, nhất là Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông thì nhiệt tình ủng hộ ý tưởng và cách làm của người giám đốc trẻ này”.

Từ mô hình được coi là “khoán 10” trong ngành vận tải, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình “khoán xe” cho cá nhân, trở thành mô hình tiêu biểu của Bộ Giao thông vận tải trong những năm đổi mới, tập thể xí nghiệp được tặng cờ luân lưu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Riêng Giám đốc Hoàng Chính Hòa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba nhờ thành tích mà ông Sướng nói vui là “khoán xe chui” để giải phóng xe, giải phóng chủ xe khỏi cơ chế bao cấp. Vị giám đốc “tuổi băm” ngày ấy trở thành một trong những người đầu tiên “mở lối”, “phá rào”, khắc phục tình trạng trì trệ trong ngành vận tải.

Với mô hình khoán xe của Hoàng Chính Hòa cộng với việc xóa bỏ “công tư hợp doanh” ở một số địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Sướng đã báo cáo cấp trên chính thức chấm dứt việc cấp phép trong vận tải đường bộ, xóa ngăn sông cấm chợ để các doanh nghiệp vận tải nhiều thành phần kinh tế, hoạt động vận tải theo cơ chế thị trường bắt đầu xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” trong các năm 1988-1995…