1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Người dân vừa dọn bùn vừa thấp thỏm lo lũ kép

Tiến Thành Dương Nguyên

(Dân trí) - Sau khi lũ rút, người dân Quảng Bình tất bật dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nhiều người đang lo lũ sẽ trở lại khi dự báo có mưa lớn kéo dài ít ngày tới.

Chiều 1/11, công tác khắc phục hậu quả sau lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang được người dân, chính quyền địa phương tích cực triển khai.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nước lũ tại huyện Lệ Thủy đã rút gần hết, chỉ còn một số khu vực trũng thấp vẫn bị ngập. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, người dân vùng lũ đang cùng nhau dọn bùn và thu gom rác thải dọc các tuyến đường.

Người dân vừa dọn bùn vừa thấp thỏm lo lũ kép - 1
Nước lũ tại huyện Lệ Thủy cơ bản đã rút hết (Ảnh: Nguyễn Chiến).

Ông Hoàng Đình Doan, trú tại thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, cho biết sau hai ngày tất bật, vợ chồng ông đã dọn dẹp xong bùn đất do lũ để lại, cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, ông vẫn để nhiều đồ dùng trên gác cao vì lo ngại lũ có thể quay lại.

"Hôm qua tôi đọc báo thấy miền Trung sắp có đợt mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ trở lại nên tôi vẫn để đồ dùng trên gác. Mong đừng có lũ nữa cho dân đỡ khổ", ông Doan chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của người dân vùng "rốn lũ" Lệ Thủy, sau mỗi trận lũ thường có mưa, gọi là mưa xối bùn. Tuy nhiên, nếu mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ sẽ trở lại.

Ông Nguyễn Văn Cẩm, 65 tuổi, trú tại thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, cho biết nhờ chủ động kê cao tài sản nên gia đình ông không bị thiệt hại lớn trong trận lũ vừa qua, chỉ có rau màu trong vườn bị hư hỏng.

"Nhà chúng tôi đã dọn dẹp sạch sẽ, nhưng dọc tuyến đường của thôn còn ngổn ngang bùn đất, rác thải, phải mất vài ngày nữa mới xong được. Tôi nghe thông tin tới đây lại có mưa lớn. Sau lũ đất đã "no nước", mực nước trên sông Kiến Giang còn cao, nếu mưa lớn kéo dài rất dễ xuất hiện trận lũ mới", ông Cẩm nhận định.

Người dân vừa dọn bùn vừa thấp thỏm lo lũ kép - 2

Tại một số khu vực, bùn đất quá dày, người dân phải dùng vòi cao áp để xịt (Ảnh: Tiến Thành).

Đợt mưa lũ vừa qua tại Quảng Bình đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với 7 người chết, 7 người bị thương; gần 1.000ha rau màu, hoa màu, cây trồng hư hỏng; trên 70.000 con gia cầm, gần 500 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 5 tàu cá bị sóng đánh chìm. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 500 tỷ đồng.

Các địa phương tại Quảng Bình đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các gia đình bị thiệt hại nặng về nhà ở, gia đình có người bị chết, người bị thương, các trang trại bị thiệt hại; hỗ trợ xử lý nước sinh hoạt, cung cấp giống cây trồng để khôi phục sản xuất; mua sắm đồ dùng, thiết bị, bàn ghế, sách vở cho giáo viên, học sinh và dụng cụ y tế cho các địa phương bị ngập nặng.

Người dân vừa dọn bùn vừa thấp thỏm lo lũ kép - 3
Dù đã lau dọn xong nhưng nhiều gia đình tại huyện Lệ Thủy vẫn kê cao đồ đạc, chưa hạ xuống vì lo lũ tái diễn (Ảnh: Tiến Thành).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 3/11 đến 10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn, bao gồm vùng xoáy thấp ở Nam và giữa biển Đông, không khí lạnh liên tục tăng cường và đới gió Đông hoạt động mạnh.

Dự báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. Vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở các tỉnh đã có mưa lớn trong những ngày qua mà còn mở rộng ra phần phía Nam, từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Dự báo sau 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa. Trong đó, nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm