Người dân Thanh Hóa leo nóc nhà chạy lũ
(Dân trí) - Mưa lũ trong những ngày qua vẫn đang tiếp tục hoành hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Số người chết và mất tích tăng lên, nhiều địa phương đang bị lũ chia cắt, cô lập. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như sản xuất của người dân.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thanh Hóa, tính đến 17h ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 11 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó có 7 người chết và 4 người mất tích.
Mưa lũ đã làm 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập hàng chục nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm...
Tuyến đê bao tại Tế Nông bị vỡ dài 3 m; tuyến đê tả sông Chu, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị sạt lở mái đê dài 87 m; mưa lũ cũng làm sạt lở mái đê tả Cầu Chày, xã Yên Phú, huyện Yên Định dài 70m…
Trong 2 ngày qua, mưa xối xả khiến nhiều địa phương tại Thanh Hóa nước ngập trắng
Nhiều xã ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa bị chia cắt, cô lập. UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền nhân dân các địa phương bị thiên tai khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Tại huyện Quan Sơn, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Quan Sơn đã phải sơ tán khẩn cấp 57 hộ, 249 người và tài sản đến nơi an toàn.
Đêm ngày 10/10, hai vợ chồng anh Lương Văn Mịn (40 tuổi) và chị Lữ Thị Thuyệt (38 tuổi), tại bản Bôn, xã Tam Thanh bị mất tích. Đến sáng ngày 11/10, chị Thuyệt đã được tìm thấy, anh Mịn hiện vẫn mất tích.
Đến chiều ngày 11/10, trên địa bàn huyện vẫn còn 6 bản, thuộc 3 xã nằm ven sông Luồng và sông Lò bị cô lập, chia cắt, hiện tại chưa thể đi, lại qua sông được.
Nhiều diện tích lúa, ao cá và hoa màu của nhân dân ven sông Lò, sông Luồng và các suối lớn đã bị cuốn trôi và vùi lấp.
Trên toàn tuyến quốc lộ 217, qua địa bàn huyện Quan Sơn đã có 15 điểm sạt lở. Trong đó, có nhiều điểm đặc biệt nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Tuyến quốc lộ 16 cũng bị sạt lở nghiêm trọng và ách tắc hoàn toàn đoạn qua địa phận xã Sơn Hà... Do mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, dự báo nhiều điểm vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Huyên Quan Sơn cũng bị mất điện hoàn toàn do bị gẫy đổ 23 cột cao thế và 8 cột hạ thế. Qua thống kê sơ bộ, hiện nay một số tràn qua đường, công trình nước sạch, đập thủy lợi, mương tưới tiêu đã bị lũ cuốn trôi, nhà văn hóa xã Sơn Hà bị vùi lấp.
Huyện đã phân công các thành viên trực tiếp xuống địa bàn các xã được giao phụ trách để chỉ đạo trực tiếp; theo dõi nắm diễn biến tình hình thời tiết và nguy cơ ảnh hưởng, đồng thời phân trực 24/24 giờ, duy trì và thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
Còn tại huyện Lang Chánh, toàn bộ các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện đến trung tâm các xã, thị trấn và các thôn, bản đều bị chia cắt. Lãnh đạo UBND huyện và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã phân công các thành viên trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai với các xã, thị trấn.
Các xã, thị trấn cắt cử lực lượng, phương tiện trực chỉ huy phòng chống thiên tai 24/24 giờ để hỗ trợ nhân dân phòng chống thiên tai và cảnh báo thiên tai đến người dân.
Mưa lũ đã khiến nhiều nhà dân bị cuốn trôi, sạt lơt đất, đá. Đến Chiều ngày 11/10, huyện đã tổ chức di dời 68 hộ với 317 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, mố cầu vượt lũ, bản Lưỡi, thị Trấn Lang Chánh bị sụt lún. Tại xã Đồng Lương có 3 bai thủy lợi do dân tự đắp bị vỡ hoàn toàn, một số tuyến mương bị đất, cát vùi lấp; xã Quang Hiến 1 bai đập bị vỡ; đường ống sắt thủy lợi bản Poọng bị cuốn trôi...
Trường THCS Tam Văn sạt lở chân móng nhà lớp học 2 tầng, 6 phòng; trường THCS Giao Thiện sạt lở đất đá làm sập nhà bếp ăn tập thể. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất, chăn nuôi của người dân. Hàng trăm ha lúa, hoa màu chưa thu hoạch bị ngập lụt, cuốn trôi.
Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh đến ngày 11/10 là hơn 3,5 tỷ đồng.
Nước lụt lên đến gần nóc nhà
Duy Tuyên