1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh

Bảo Trân

(Dân trí) - Con đường dẫn vào Đền thờ Bác Hồ từ huyện Long Mỹ về xã Lương Tâm luôn ngập tràn cờ và hoa dịp 2/9.

Ông Lê Văn Thống, Trưởng ban Quản trị Di tích Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: Từ khi Đền thờ Bác được xây dựng đến nay, cứ đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm, chúng tôi đều về đây làm lễ và giỗ Bác.

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh - 1

Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào năm 2000 (Ảnh: Bảo Trân).

Khi nghe tin Bác qua đời, xúc động trước tình cảm và công ơn mà Bác đã dành cho miền Nam, Đảng bộ và người dân xã Lương Tâm lập điện thờ để truy điệu Bác.

Trước tình cảm thiêng liêng, cao quý của các tầng lớp nhân dân đối với Bác, lãnh đạo địa phương đã quyết định xây dựng đền thờ Bác tại ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ vào năm 1990.

Cũng từ thời điểm ấy, mỗi năm vào các ngày sinh, lễ Quốc Khánh hay ngày giỗ Bác, chính quyền địa phương và người dân sở tại đều tập hợp và tổ chức lễ kỷ niệm tại đền thờ.

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh - 2

Không chỉ dịp lễ Quốc Khánh mà ngày thường bên trong di tích Đền thờ Bác Hồ luôn được người dân lau dọn, trang hoàng tươm tất (Ảnh: Bảo Trân).

Từ rạng sáng ngày 30 và 31/8, bà Nguyễn Thị Bé, Phó trưởng ban Quản trị di tích Đền thờ Bác Hồ đã tất bật đi chợ mua thịt, cá, gạo, nếp và gia vị nhằm chuẩn bị cho ngày lễ Quốc khánh thật tươm tất và trang trọng.

Các thành viên còn lại trong ban mỗi người một công việc, người lo quét dọn, người lo trà bánh để chuẩn bị cho ngày giỗ truyền thống của người dân miền Nam tại Đền thờ Bác.

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh - 3

Người dân xã Lương Tâm gói bánh làm giỗ Bác Hồ (Ảnh: Bảo Trân).

"Thờ Bác như thờ cha mẹ, người ruột thịt trong gia đình. Nên không chỉ Quốc Khánh mà chúng tôi còn xin phép làm giỗ vào ngày Bác mất là 21/7 Âm lịch hằng năm. Đến ngày ấy, chúng tôi sẽ làm thêm một lễ giỗ Bác để bà con địa phương tập trung về ôn lại lịch sử vẻ vang và tưởng nhớ đến Người", bà Bé nói.

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh - 4
Người dân xã Lương Tâm tỉ mỉ gói bánh làm giỗ Bác theo đúng phong tục cúng giỗ truyền thống của người miền Nam (Ảnh: Bảo Trân).

Theo Phó trưởng ban Quản trị Di tích Đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm, giỗ Bác năm nay rơi vào 5/9 Dương lịch nên sau Quốc khánh 2/9, Ban quản trị cùng người dân xã sẽ tập hợp gói bánh, nấu cơm và làm tiệc mời đại diện địa phương và bà con trong vùng đến dự.

Bà Nguyễn Thị Đẹp, thành viên Ban Quản trị Di tích Đền thờ Bác Hồ, cho biết dù thời điểm này nhiều gia đình đang bận rộn vào vụ lúa Thu Đông, nhưng người nào cũng sẵn lòng dành một ngày để tập trung về đây gói bánh, nấu cơm, bày biện các món ăn dâng lên Bác.

Người dân miền Tây tất bật chuẩn bị lễ giỗ Bác Hồ trước Quốc khánh - 5
Ban Quản trị Di tích Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tất bật dọn dẹp, chuẩn bị một ngày lễ Quốc Khánh tại Đền thờ Bác (Ảnh: Bảo Trân).

Từ khi đất nước thống nhất đến nay, Đền thờ Bác Hồ không chỉ là nơi tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của người dân miền Nam đối với vị cha già của dân tộc mà còn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân.

Với ý nghĩa to lớn ấy, Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 2000.