1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người cuối cùng trở về từ tâm bão Chanchu

(Dân trí) - “Khoảng 7 giờ sáng ngày 17/5, gió tiếp tục tăng lên giật trên cấp 12, con tàu của chúng tôi sau một đêm cố chống chọi đã bị đứt phăng neo chính. Gió bão cùng mưa lớn như ném đá vào da thịt, biển mù mịt như đêm. Tôi nắm chặt tay lái và động viên anh em không được rời nhau, có chết thì cùng chết…”

30 giờ đối mặt tử thần

 

Trở về đất liền đã 5 ngày nhưng thuyền trưởng tàu DNA 90351 Ngô Văn Phùng, người cuối cùng trở về từ tâm bão Chanchu, vẫn rất khó khăn khi nhớ lại những giây phút kinh hoàng mà anh và những người bạn đi biển đã phải trải qua. Trên khuôn mặt đen xạm đầy nghị lực vẫn còn in đậm dấu vết của trận “thủy chiến”: đờ đẫn vì kiệt sức, thẫn thờ vì đau thương.

 

Không đau sao được khi đoàn tàu 3 chiếc của cha con anh ra khơi với gần 70 con người nhưng chỉ có duy nhất tàu anh sống sót trở về cùng 27 thuyền viên. Những người còn lại đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi cùng các đồng đội của hàng chục tàu cá khác.

 

“Chúng tôi nghe dự báo từ đài Bạch Long Vĩ có bão đi vào đất liền theo hướng Tây Tây Bắc, anh em đội tàu liền bàn nhau ngược lên phía đảo Đài Loan để né bão. Khi đã neo thuyền trong vịnh thuộc đảo Đông Sa, chúng tôi vẫn ung dung rằng dù bão có đổi hướng cũng không ảnh hưởng vì nghe dự báo tâm bão cách nơi chúng tôi trú hơn 2 độ.

 

Vậy mà đến tối 16 rạng 17/5 thì tâm bão đến đúng chỗ chúng tôi. Đó là trận bão kinh hoàng nhất trong cuộc đời mà chúng tôi phải trải qua” - Anh Phùng bắt đầu câu chuyện bằng hồi tưởng về cơn bão với sức gió giật trên cấp 12 trực tiếp ập xuống đoàn tàu đánh cá hơn 40 chiếc, lúc này đang chới với cách đất liền cả ngàn ki lô mét.

 

“Khoảng 9 giờ tối 16/5, bão bắt đầu mạnh dần lên. Sau hàng chục đợt sóng cao như mái nhà ập xuống những chiếc tàu mỏng manh như chiếc lá, đã có tàu bắt đầu chìm. Nghe tiếng kêu cứu, chúng tôi cũng đành bất lực, ruột đau như cắt nhưng không thể lơ là vì tàu của bất cứ ai cũng có thể bị nhấn chìm trong những đợt sóng tiếp theo.

 

Ngay từ đợt sóng đầu tiên ập lên tàu DNA 90351, kính trong khoang lái đã bị vỡ tan, nước biển ùa vào khoang làm cháy toàn bộ hệ thống ICOM và hệ thống định vị. Vậy là giữa đêm tối và bão tố mịt mùng, tàu của chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc.

 

Khoảng 7 giờ sáng ngày 17/5, gió tiếp tục tăng lên giật trên trên cấp 12, con tàu của chúng tôi sau một đêm cố chống chọi đã bị đứt phăng neo chính. Anh em hò nhau thả neo phụ, lại bị đứt phựt. Gió bão cùng với mưa lớn như ném đá vào da thịt, biển mù mịt như đêm, con thuyền chúng tôi đang đuối dần.

 

Tôi nắm chặt tay lái và động viên anh em không được rời nhau, có chết thì cùng chết. Sự sống chết của anh em lúc này đang nằm hoàn toàn trong tay mình nên tôi không thể mềm yếu được. Lần này anh em khiêng chiếc máy phát điện loại nhỏ D15 với trọng lượng hơn 2 tạ dầm xuống trước mũi tàu thay neo. Tàu giữ được lái trong vài chục phút, đến đợt sóng thứ 10 thì “chiếc neo” D15 cũng bị cuốn phăng.

 

Tôi chỉ huy anh em thả sáo, giàm và bất cứ thứ gì có thể để giảm sóng xung quanh thân tàu, giữ cho mũi tàu luôn nhằm hướng tâm bão đè tới. Nhưng chỉ được một lúc thì 2 chiếc giàm cũng bị cuốn trôi. Lúc này tàu đã mất neo, sóng lại liên tục đánh vào, anh em chúng tôi bàn nhau lấy dầu (nhiên liệu của tàu - NV) đổ xuống biển để giảm sóng.

 

Sau khi đổ xuống biển 2.000 lít dầu, cơn cuồng nộ của biển cả cũng bớt hung hãn được phần nào. Sóng bắt đầu êm và tàu chúng tôi dần dần trụ vững hướng bão. Đến 10 giờ đêm bão mới dịu lại, chúng tôi tạm nghỉ ngơi để ngày mai đi tìm đồng đội".

 

4 ngày vớt xác và cứu người trên biển

 

 

Người cuối cùng trở về từ tâm bão Chanchu - 1
 

Vừa trở về sau bão Chanchu, 

đầu tháng này, anh Phùng

lại tiếp tục ra biển.

 

"Rạng sáng ngày 18/5, chúng tôi nổ máy chạy ra khỏi vịnh để tìm kiếm. Lúc này gió chỉ còn khoảng cấp 5 cấp 6, trời bắt đầu hửng nắng. Chỉ sau 30 giờ đồng hồ, mặt vịnh Đông Sa đang như một thành phố nổi bỗng biến thành nghĩa địa hoang tàn và chết chóc.

 

Một ngày ròng rã chúng tôi chạy khắp 4 hướng nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy bóng dáng tàu thuyền hay thi thể của đồng đội. Trận cuồng phong như cuốn chúng tôi lạc vào địa ngục, hệ thống liên lạc và định vị trên tàu tắt ngóm, chỉ duy nhất 27 thuyền viên trên tàu biết mình còn sống sót giữa biển khơi.

 

Ngày thứ hai của việc tìm kiếm bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng tôi lần theo dòng chảy về hướng đông với hy vọng tìm thấy người và tàu chìm bị cuốn về hướng này. Con tàu xác xơ của chúng tôi mất hết toàn bộ ngư cụ và giàn phơi, nhẹ nhàng lướt theo hướng nước chảy. Thế nhưng dường như nó vẫn đi quá chậm chạp vì trong bụng ai cũng như có lửa đốt.

 

Chúng tôi chạy ra chừng 40 hải lý thì bắt gặp chiếc tàu chìm đầu tiên, ở phần mũi tàu còn nhấp nhô trên sóng biển là 4 ngư dân đang bám trụ gần kiệt sức. Đó là chiếc tàu của ngư dân Quãng Ngãi bị chìm, 4 người may mắn sống sót trên mũi tàu đã bám trụ chờ cứu viện ròng rã trong 2 ngày 3 đêm liền, có người đã ngất đi. Chúng tôi mang họ lên tàu, đốt lửa lên sưởi ấm người, bón từng thìa hồ cho họ ăn.

 

Sau khi cứu được 4 thuyền viên bị nạn, tàu chúng tôi tiếp tục chạy ra thêm 10 hải lý và vớt được 3 xác ngư dân đang trôi trên biển. Trong 3 người xấu số được tìm thấy có 2 người là thuyền viên tàu DNA 90199 và một thanh niên người Thăng Bình với vết xăm trên tay: “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”. Khi đọc những dòng chữ xăm trên cánh tay người đồng đội, chúng tôi òa khóc. Vết xăm đã nói hết tâm trạng của những người đi biển chúng tôi lúc đó.

 

Sau đó, chúng tôi gặp tàu DNA 90189 của thuyền trưởng Phạm Văn Xinh. Biết tàu DNA 90189 đang đi vào đất liền, chúng tôi gửi những người vớt được sang tàu thuyền trưởng Xinh để chuyển về trước, còn tàu DNA 90351 lại tiếp tục chạy sang hướng đông tiếp tục tìm kiếm.

 

Sang ngày thứ ba, tàu chúng tôi đã chạy ra cách xa đoàn thuyền đồng đội hơn 40 hải lý. Lúc này tàu cứu hộ Trung Quốc đang tiếp dầu cho những tàu bị nạn. Anh em chúng tôi bàn nhau không quay vào lấy dầu mà tiếp tục chạy ra xa hơn những mong sẽ tìm thêm được đồng đội đang bị nạn.

 

Suốt trong một ngày đêm thứ ba và sang ngày thứ tư, anh em chúng tôi chia ca thay nhau tìm kiếm nhưng không có kết quả. Lúc này tôi quyết định trở về đất liền. Đoàn tàu của các đồng đội đã khởi hành từ tối hôm trước đã đi cách xa chúng tôi hơn 70 hải lý, ngoài khơi chỉ còn lại tàu DNA 90351 của chúng tôi”.

 

Con tàu DNA 90351 của thuyền trưởng Ngô Văn Phùng đã trở về cảng Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 24/5 trong niềm vui không trọn vẹn của người thân. Chiếc tàu DNA 90079 của người anh trai Ngô Tấn Nhất với 22 thuyền viên đã chìm ngoài khơi chưa có tung tích (đến ngày 28/5 phía Trung Quốc cho biết tàu này đã chìm gần bờ biển Trung Quốc). Còn chiếc tàu DNA 90093 của ông bố Ngô Văn Chiếu với 17 thuyền viên đã chìm ngay trong đêm đầu tiên gặp bão.

 

Câu ví “hồn treo cột buồm” vận vào hoàn cảnh của những ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Bình Định trong hoàn cảnh này sao mà xót xa. Người đi biển trên các tàu câu mực xa bờ còn gọi là đi bạn. Trong sóng gió, trong nguy nan họ vẫn không nỡ để người bạn của mình nằm lại biển khơi. Ngô Văn Phùng đã làm được nghĩa cử đó với những bạn nghề. Là người cuối cùng rời khỏi “tọa độ chết”, anh xứng đáng là “người anh hùng sau bão Chanchu”.

 

Trần Đức - Phúc Hưng