1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Chúng tôi sống sót là do gặp may"

"Chúng tôi vui vì đã sống sót nhưng đã khóc khi nhìn xác đồng đội nằm trên thuyền, và còn biết bao nhiêu đồng đội khác trôi dạt trên biển", "chúng tôi sống là do gặp may, quá may mắn" - Đó là những lời tâm sự nghẹn ngào của các thuyền trưởng trở về sau bão Chanchu.

Thưa thuyền trưởng Đỗ Văn Xin, xin anh cho biết cụ thể diễn biến của bão từ những phút đầu tiên như thế nào?

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin: Lúc 14h45 ngày 12/5/2006, chúng tôi đang ở tọa độ 20,40 độ Bắc - 117,20 độ Kinh Đông nghe tin từ đài Thiên văn Bạch Long Vĩ (BLV) thông báo có một cơn bão tại vị trí 12,7,00 độ Bắc - 123 độ Kinh Đông di chuyển về hướng Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được 12-17 km. Chúng tôi liền di chuyển về hướng Bắc (ngược cơn bão).

Đến sáng ngày 13/5 chúng tôi nằm ở 20,30 độ Bắc - 116,47 độ Kinh Đông, và neo tại đó. Đây là đảo Đông Sa. Chúng tôi neo tại đây 1 ngày, 1 đêm để tránh bão. Sáng hôm sau nghe đài BLV lại báo bão đang ở 18,7 độ Bắc - 114,7 độ Kinh Đông, nghĩa là bão đang hướng vào bờ theo Bắc - Tây Bắc và Bắc. Chúng tôi nghe vậy vẫn yên tâm bão đang vào bờ, nên đưa tàu vào vịnh Đông Sa để cho êm gió.

Lúc này, chúng tôi có 29 tàu của Đà Nẵng và 9 tàu của Quảng Ngãi. Mọi người vẫn vui vẻ, yên tâm chờ hết bão để tiếp tục hành nghề. Chiều ngày 15/5, chúng tôi bắt đầu thấy gió mỗi lúc một mạnh.

Lúc đó (14h45’ ngày 15/5), chúng tôi nghe đài BLV báo bão vẫn di chuyển về hướng Bắc. Nhưng không ngờ, lúc 23h15’ thì bão bất ngờ ập đến nơi chúng tôi đang neo đậu tại đảo Đông Sa. Từ 11h đêm đến 4h sáng gió giật cấp 10, và từ đó trở đi gió giật cấp 12 và trên 12.

Chúng tôi lúc đó bị động hoàn toàn, và đành thúc thủ chịu trận. Lòng biển lúc đó xoáy và hút dữ dội, làm lật nhiều tàu. Khi dứt bão lúc 10 giờ đêm, thì nhìn lại xung quanh chỉ còn lại đội tàu 29 chiếc của Đà Nẵng chỉ còn 11 chiếc.

Chúng tôi vẫn phải neo đó, đến sáng hôm sau 17/5 thì anh em bắt đầu chia nhau bủa đi tìm đồng đội mất tích theo phạm vi lòng vịnh. Không phát hiện được tàu nào cả, đến 8h chúng tôi nghe ICOM liên lạc giữa anh em với nhau và biết đã có một số tàu bị bứt neo trôi dạt ra bên ngoài đảo, trong đó chỉ liên lạc được với 5 chiếc. Trong đó có tàu ĐNa 90189 của thuyền trưởng Phạm Văn Xinh.

Thưa các thuyền trưởng, như vậy là các anh thoát chết chỉ vì may mắn, chứ không phải vì “chống lại” thông báo bão của khí tượng để chạy sang hướng khác?

Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh: Đúng vậy, chúng tôi sống là do gặp may, quá may mắn, chứ chúng tôi khi đó vẫn nghe theo tin của bên khí tượng và nằm tại đó chờ bão qua. Nhưng cũng phải nói rằng khi đó chúng tôi rất khó nghe rõ thông báo vì âm thanh không rõ, ngay từ đầu tới cuối, sau đó phải nghe Đài Tiếng nói VN thì mới nghe được.

Xin được hỏi anh, cảm xúc của anh khi đặt chân vào đất liền sau những ngày kinh hoàng trên biển?

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin: Thật khó diễn ra cảm xúc của anh em chúng tôi. Chúng tôi vui vì đã sống sót. Nhưng đã khóc khi nhìn xác những đồng đội của chúng tôi nằm trên thuyền, và còn biết bao nhiêu đồng đội khác vẫn đang trôi dạt trên biển không biết sống chết thế nào. 
 
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Xơ:
Phương tiện liên lạc của chúng tôi là ICOM - máy vô tuyến có thể liên lạc trên 1.000 hải lý, nghe rất tốt. Máy ICOM tàu nào cũng trang bị, giá khoảng 12 triệu đồng, mua rất dễ. Tuy nhiên chất lượng âm thanh của đài BLV nghe không rõ, tiếng được tiếng mất. Chúng tôi phải nghe qua Đài TNVN. Nhưng Đài TNVN chỉ báo khi hướng bão đã thay đổi. Ví dụ lúc 1h khuya có bão, thì 6h30 giờ sáng mới báo hướng đi của bão, thì đã muộn. Còn thông tin của các Đài duyên hải như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... thường dự đoán trật hướng đi của bão, và sau đó chúng tôi không nghe các đài này nữa.  

Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh: Như chúng tôi đã nói, dự báo nói chung thường chậm. Theo tôi, cần tăng tần suất dự báo của các phương tiện lên, nhất là khi có bão, chứ hiện nay chỉ có 6 tiếng báo 1 lần, quá ít. Đề nghị khi có bão, cứ 1-2 tiếng thì thông báo cho chúng tôi 1 lần.  

Theo tôi được biết, năm 2004, tổ chức UNDP có tài trợ cho VN dự án "Tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai cho ngư dân Việt Nam" nhằm tăng cường khả năng cung cấp và nhận thông tin về thiên tai trên biển cho cộng đồng ngư dân VN. Đài VOV có tham gia dự án này không? Và tàu của anh Xin có nhận được bất kì trang bị thu nhận thông tin nào của dự án?

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin: Chúng tôi không nhận được bất kỳ phương tiện thu nhận thông tin nào mà anh nói.

Thưa các anh, sau cơn bão này, anh và các bạn đồng nghiệp có ý định đầu tư thêm máy móc thông tin không? Tôi biết ngư phủ Trung Quốc và tàu bè của họ có hệ thống nhận dữ liệu hải đăng số, nên thoát nạn. Hai anh có đề nghị với chính phủ nên ký hiệp định thông báo bão với 3 thứ tiếng Anh, Hoa, Việt và cung cấp tần số của đài phát của họ để các anh nắm được và xử lý tốt thông tin dự báo thời tiết hay không?

Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh: Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ cần ký hiệp định này, cho chúng tôi tần số và giờ phát bằng tiếng Việt, để chúng tôi theo dõi thời tiết và kịp thời xử lý sớm trước những cơn bão khủng khiếp như vừa qua. 

Các anh có theo dõi sát sao các bản tin dự báo bão trên đài không? Khi cơn bão vào biển Đông thì tàu các anh đang ở vị trí nào: giữa hay bắc biển đông? Các anh gặp bão trên đường chạy đi trú ẩn hay là vì tưởng nhầm cơn bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam nên các anh đã lại quay ra đánh bắt sau khi đã trú ẩn an toàn rồi - như thông tin đăng trên báo?

Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh: Không phải như vậy, chúng tôi không hề nhầm. Khi nghe báo có bão ở 12,7 độ vĩ Bắc - 123 độ Kinh Đông, thì chúng tôi đang 20.18 độ vĩ Bắc - 116,38 độ Kinh Đông. Chúng tôi cho tàu về đảo Đông Sa ở toạ độ 20,42 độ vĩ Bắc - 116,48 độ Kinh Đông để nấp bão. Sau đó có 1 tin gió mùa đông bắc giật mạnh trên cấp 7 nên chúng tôi không thể chuyển hướng di đâu được nữa, phải trú bão luôn tại Đông Sa. Nhưng sau đó bão Chanchu ập đến, và chúng tôi đành chịu trận, trở tay không kịp.
 
Các anh đã cứu nhau thế nào?

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin: Bão tan, chúng tôi xốc lại đội hình chia 4 hướng đi cứu vớt anh em. Tôi chạy từ toạ độ 20,50 B - 117,48 Đ gặp tàu 2121 của Quảng Ngãi làm nghề câu cá ngừ đại dương, tàu nổi nhưng xung quanh không có xác. Chạy tiếp theo la bàn 180 độ, nghe tàu DNa 90354 đồng đội báo thấy xác của em ruột tôi là Phạm Văn Hoa - thuyền trưởng tàu DNa 90199. Tôi chạy theo 250 độ khoảng 7,5 hải lý để vớt xác em. Sau đó tàu chúng tôi vớt được xác ông Ba ở tàu 90199 quê Duy  Hải, Quảng Nam. Chúng tôi chạy theo hướng 90 độ thêm 26 hải lý nhận 3 xác nữa từ tàu 9051 chuyển qua. Mục đích dồn xác lại, để đi kiếm tìm tiếp.

 

Theo Tiền phong