1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người chưa thành niên phạm tội, phạm nhiều tội nên xử lý thế nào?

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Có nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng mức hình phạt với người chưa thành niên phạm tội cũng như việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội.

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự án luật này được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo chương trình nghị sự, Luật Tư pháp NCTN là 1 trong số 15 luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 7, có nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng hình phạt với NCTN phạm tội, phạm nhiều tội và về tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội...

Bảo đảm tính răn đe nhưng đề cao tính nhân văn, hướng thiện

Về các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật về hình phạt áp dụng đối với NCTN, cũng nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể trong bốn loại hình phạt để đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với NCTN phạm tội.

Theo UBTVQH, ngoài hình phạt tù có thời hạn, việc dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ Luật Hình sự về ba loại hình phạt khác (gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội.

Người chưa thành niên phạm tội, phạm nhiều tội nên xử lý thế nào? - 1

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo luật về bốn loại hình phạt, đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý NCTN phạm tội.

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Điều 103 Bộ Luật Hình sự hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng.

Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: "Khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự. Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3 năm.

Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội".

Tuy nhiên, theo UBTVQH, về mức tổng hợp hình phạt chung đề xuất chỉnh lý theo hướng không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.

Quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa NCTN phạm một tội với NCTN phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của BLHS; vừa khắc phục được bất cập trong quy định của Bộ Luật Hình sự về tổng hợp hình phạt; vừa không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt.

UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt như khoản 2 và khoản 3 Điều 117 dự thảo luật.

Có nên tách vụ án có người chưa thành niên?

Về tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội, theo UBTVQH, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật phải tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết.

UBTVQH cho biết dự thảo luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho NCTN như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với NCTN không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt phức tạp.

Hay người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến NCTN; quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với NCTN.

Ngoài ra, dự thảo luật còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với NCTN trong quá trình giải quyết vụ án hình sự…

Để thực hiện được đầy đủ các chính sách nhân văn này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đều thống nhất việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là NCTN và người trưởng thành.

Tuy nhiên, về thời điểm tách vụ án trong giai đoạn điều tra, Bộ Công an đề nghị quy định khi xét thấy đã làm rõ hành vi phạm tội của NCTN và các tình tiết có liên quan; Tòa án nhân dân tối cao đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án.

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo luật phải tách vụ án có NCTN phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo luật.

Đề xuất Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN

Bộ Công an nhiều lần có văn bản đề nghị được giao trách nhiệm là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN.

UBTVQH thấy rằng việc giao cho Bộ Công an trách nhiệm này là có cơ sở pháp lý và thực tiễn, vừa bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong quản lý công tác điều tra, quản lý thi hành án hình sự và trường giáo dưỡng... UBTVQH xin phép Quốc hội giao Bộ Công an nhiệm vụ này.