(Dân trí) - "Radar dẫn tôi áp sát đuôi B-52 cách 10km. Dưới mặt đất ra lệnh: Bắn. Nhưng để chắc ăn tôi tiến gần hơn... Tôi nhấn nút khai hỏa. Trong chớp mắt, mục tiêu trước mắt tôi bùng nổ, sáng rực".
Với tuyên bố "Đưa miền Bắc Việt Nam về lại thời kỳ đồ đá", Lầu Năm góc hùng hổ thực hiện chiến lược mang tên "cuộc hành binh Linebacker II". Để thực hiện chiến lược này, không quân Mỹ đã sử dụng hàng chục nghìn tấn bom rải xuống miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Tuy nhiên, với tinh thần mưu trí, dũng cảm quân và nhân dân ta đã làm nên kỳ tích 12 ngày đêm để bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Kỳ tích ấy đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhiều năm tháng đã trôi qua, lịch sử đã bước những bước dài, tuy nhiên, nhắc lại những ký ức ấy, không thể không nhắc đến Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - Người phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Chúng tôi tìm đến gia đình Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân vào những ngày Hà Nội kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022). Mặc dù đã nghỉ hưu, rời quân ngũ để trở về với cuộc sống thường nhật, nhưng tác phong của một người lính bộ đội cụ Hồ vẫn chảy tràn trong huyết quản người cựu binh ấy. Trong căn phòng khách rộng rãi, bày vô số những kỷ vật là máy bay, nhưng điểm xuyết và trang trọng nhất vẫn là mô hình chiếc MIG-21 mang số hiệu 5121 - Chiếc chiến đấu cơ mà ông là người cầm lái.
Vừa rót nước mời khách, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân vừa bắt đầu câu chuyện binh nghiệp của mình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình, cuối năm 1964, như bao bạn bè cùng trang lứa, ông đi khám nghĩa vụ quân sự với mong ước được phục vụ Tổ quốc. Tuy nhiên, lần khám ấy ông không được gọi.
"Tháng 5/1965, tôi được gọi khám sức khỏe lần thứ hai. Và lần này khám kỹ lắm" - Trung tướng nhớ lại. Lần khám tuyển này, ông đã trúng tuyển. Cánh cửa ước mơ được làm chủ bầu trời đã mở với chàng trai vùng đất lúa. Tuy nhiên, niềm mơ ước ấy kéo dài không bao lâu thì tháng 5/1965, ông được điều lên tàu liên vận sang Liên Xô để học sửa chữa máy bay.
Sau một thời gian học tập, hai đoàn học viên bay của ta lúc đó gồm 120 người thì có trên 50 người bị loại. Bộ Quốc phòng quyết định tuyển chọn học viên bay từ hơn 300 thợ máy đang học ở Liên Xô để bổ sung. Và Phạm Tuân là một trong 10 cái tên được xướng tên. Ước mơ được cầm lái lao vút lên bầu trời của chàng thanh niên ấy đã thành hiện thực. "Năm đầu, chúng tôi vừa học lý thuyết vừa bay thực hành trên chiếc Yak-18" - Trung tướng Phạm Tuân kể.
Bước sang năm học thứ hai, những người lính bắt đầu làm quen với chiếc MIG-17 và chàng thanh niên Phạm Tuân được những người thầy giỏi của Iurin Không quân Kracnovar phát hiện khả năng, năng khiếu. Những người thầy ấy đã truyền tất cả những phương pháp, kinh nghiệm và khả năng làm chủ bầu trời cho ông.
"Khả năng của tôi được thầy truyền dạy ngày càng được nhuần nhuyễn trên chiếc MIG-17. Những động tác phức tạp như nhào lộn mà thầy truyền dậy trước đó đã giúp tôi rất nhiều trong chiến đấu sau này" - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Tháng 9/1967, đoàn học viên tốt nghiệp. Những tưởng sẽ được về nước ngay để phụng sự Tổ quốc, nhưng ngay sau đó ông cùng 9 người bạn bất ngờ nhận được thông báo ở lại học tiếp về kỹ năng bay đêm. "Thông thường, các khóa huấn luyện sẽ bắt đầu từ việc bay ngày, đến bay ngày trong thời tiết phức tạp như mưa, gió, nhiều mây… Sau đó mới chuyển sang bay đêm. Nhưng khóa học của chúng tôi bỏ qua khâu trung gian ấy. Tức là vừa tốt nghiệp trường đã chuyển qua bay đêm luôn. Đây là thử thách có chút mạo hiểm và là điểm khác biệt so với các khóa huấn luyện bay trước đó" - ông kể.
Năm 1968, ông về nước. Nhóm của ông được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức bay đêm trên chiếc MIG-17. Những năm tháng này, Quân chủng Không quân Việt Nam có hai dòng máy bay là MIG -17 và MIG-21. Dòng MIG-21 có giá hơn bởi tính năng và thực tế chiến đấu tốt hơn rất nhiều so với MIG-17, nhất là khi Mỹ thay đổi cách đánh với MIG-17 của ta.
Quá trình học và thực tế khác xa nhau, nhất là trong chiến đấu. Phải sáng tạo, ứng biến trong từng hoàn cảnh, trận đánh. Như đối với MIG-21, sách vở ghi tính năng bắn xa 6-7km, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ, khoảng cách tiếp cận... Tuy nhiên, mọi khó khăn, trở ngại ấy chẳng là gì so với ý chí, lòng quả cảm của người lính ấy. Chẳng bao lâu, ông đã làm chủ chiếc MIG-21, sẵn sàng cho những cuộc chiến giữ bầu trời.
Ông kể, ngày 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng đã đánh dấu mốc đầu tiên của Không quân Việt Nam khi đánh trúng pháo đài bay B-52 của Mỹ, khiến chiếc máy bay này bị hỏng nặng. Cũng trong giai đoạn này, có sự chuyển biến lớn trong chiến trường, các quân đoàn, sư đoàn được điều động từ Bắc hành quân chi viện cho miền Nam. Vì thế, địch cũng điều B-52 tác oai, tác quái đánh các vào các vị trị chủ chốt của miền Bắc. Không quân được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh làm nhiệm vụ kéo giãn đội bình B-52 và các loại máy bay khác. Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: "Là phi công tiêm kích, chúng tôi đều khao khát được thử sức mình để tham gia vào các trận không chiến, được lập công. Chúng tôi được gọi đùa là phi công chiến lược".
Bước vào năm 1972, các trận chiến đấu càng diễn ra ác liệt. Địch liên tục thay đổi cách đánh cả trên không và dưới mặt đất, chúng không ngừng đưa những loại vũ khí mới, tối tân, sử dụng trên chiến trường Việt Nam. Đối với Không quân, chúng không ngừng tập trung lực lượng tiêm kích để đánh vào không quân ta, kể cả dưới mặt đất và trên bầu trời.
Kể về thời điểm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Trung tướng Phạm Tuân cho biết, trước khi Mỹ đưa "Pháo đài bay B-52" đánh ra Hà Nội, chúng đã không ngừng bay ra đánh thăm dò. Tháng 5/1972, chúng đánh ở 3 nơi: Vinh vào đêm 10/5; Thanh Hóa vào đêm 13/5 và Hải Phòng vào rạng sáng 16/5. Riêng ở Hải Phòng chúng dùng tới 12 chiếc B-52 để đánh.
Về phía ta, lực lượng phòng không bắn hàng trăm quả tên lửa nhưng không rơi chiếc nào. B-52 của địch bay từ biển vào, chúng đánh rất nhanh và cũng rút rất nhanh nên ta không có điều kiện dẫn dắt máy bay ra đánh. Sau những trận đánh của địch, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đưa ra nhận định, địch đánh cách đó là chỉ đánh thăm dò radar, không quân và tên lửa của ta. Vì thế, sau trận chúng đánh vào Hải Phòng, toàn quân chủng, lực lượng phòng không không quân của ta đã tập trung nghiên cứu làm cách nào để đánh B-52 và đến tháng 9/1972, chúng ta đã có kế sách về đánh trả và phổ biến đến toàn đơn vị.
Trước đó, dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng: "Ở Việt Nam, đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!". Và theo Trung tướng Phạm Tuân, "dự đoán được địch sẽ dùng Quả đấm chiến lược B-52 để đánh phá Hà Nội là sự tài tình của Bác. Cũng từ đó, Không quân Việt Nam đã có sự chuẩn bị trong 5 năm để bước vào cuộc chiến này. Sự chuẩn bị rõ nét nhất là lực lượng bay đêm. Mà lực lượng này chỉ có 1 phi đội gồm 15 - 17 người".
Và ngày ấy cũng đã đến. Lầu Năm Góc mở chiến dịch "Linebaker-2", dùng B-52 đánh ra Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác.
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại: "Ngày hôm đó, trong khói lửa nghi ngút của đạn bom địch, tôi được lệnh cất cánh nhằm hướng về phía B-52 của địch thẳng tới. Đến Hòa Bình, tôi gặp tốp đầu tiên, tôi bật radar, tăng lực lao vào đội hình địch. Bị phát hiện, B-52 của địch tắt đèn bỏ chạy, các máy bay F-4 phát hiện ra tôi và chúng bám theo. Vừa cơ động tránh sự công kích, vừa bám sát mục tiêu là chiếc B-52 nhưng mục tiêu đã bị mất. Chuyến lên đường ấy không trọn vẹn bởi máy bay tôi gần hết nhiên liệu, đành quay về hạ cánh. Trớ trêu thay, lúc quay về thì sân bay vừa bị oanh tạc, đèn đường băng không còn nguyên vẹn, đài chỉ huy sân bay không làm việc. Sở chỉ huy thông báo cho tôi bay chờ tìm sân bay nào tốt hơn để hạ cánh. Bay quanh Hà Nội lúc đó nguy hiểm vô cùng, đạn cao xạ các loại luôn bủa vây, đặc biệt là nhiên liệu gần cạn hết. Tôi quyết định hạ cánh bằng đèn pha của máy bay. Thời điểm tiếp đất, máy bay rơi vào hố bom rồi nhẩy chồm lên. Mắt tôi tối sầm lại nhưng vẫn kịp tắt động cơ và thả dù giảm tốc. Tuy nhiên, máy bay vẫn bị lật ngửa trên đường băng".
Những trận đánh đầu ác liệt, tuy không tiêu diệt được chiếc B-52 nào nhưng mỗi lần ta xuất kích, "pháo đài bất khả xâm phạm" của địch đều phải dè chừng, bị giảm đi tối đa tác dụng, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa phát huy đánh tốt hơn.
Những trận đánh, những lần thâm nhập vào lòng Pháo đài B-52 của kẻ địch trở thành những bài học không có trên sách vở. Đó là kinh nghiệm thực tế trên chiến trường mà chỉ những người trực tiếp mới có được. Anh hùng Phạm Tuân nhớ lại: "Cả tuần không đánh được chúng vì dải nhiễu B-52 tạo ra rất khó để tiếp cận. Sau những trận đó, chúng tôi phát hiện B-52 thường đi theo đội hình 3 chiếc và sẽ bật đèn hiệu. Chiếc thứ nhất bật đèn, chiếc thứ 2 nhìn để bay theo, rồi chiếc 2 bật đèn để chiếc thứ 3 bay theo tiếp. Đây là yếu huyệt mà sau hơn một tuần quần thảo, chúng tôi đã nhận ra. Lúc này, muốn tiếp cận chúng, phi công của chúng ta không bật radar nữa mà đánh bằng đèn. Ngoài ra, trong nghiên cứu cũng cho thấy chiếc B-52 có dải nhiễu về phía trước rất mạnh nhưng hai bên sườn yếu hơn, chỉ bằng 50% phía trước và thấp nhất là phía sau, chỉ đạt 25%. Lúc đó, phi công ta được dẫn bay vòng qua sau đuôi B-52 để áp sát".
Ngày 25/12/1972, một đội radar được điều vào Thọ Xuân (Thanh Hóa) thành lập Sở chỉ huy. Cùng với đó, những sĩ quan dẫn đường được đưa lên Mộc Châu thành lập một Sở chỉ huy tại đây. Từ phương án này, mỗi lần B-52 của địch bay qua không phận Thanh Hóa, radar của ta phát hiện, dẫn không quân xuất kích từ một sân bay dã chiến khác vào đánh.
Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân phân tích: "Thứ nhất, chúng ta đưa radar ra ngoài để nhiễu ít hơn. Thứ hai, đưa không quân bí mật xuất kích ở sân bay dã chiến, sân bay dự bị để radar máy bay của địch không phát hiện được. Thứ ba, phi công tăng tốc độ, độ cao sớm để chớp thời cơ bắn sớm. Đồng thời, không dùng radar của máy bay mà chỉ dùng radar mặt đất để dẫn phi công chiến đấu bằng mắt, thông qua nhận diện đèn. Đó là ba yếu tố để chiến thắng".
Tối 27/12, chiếc MIG-21 do Anh hùng Phạm Tuân lái được lệnh cất cánh "Tôi cất cánh đúng phương án, gặp F-4 bên phải, rồi bên trái nhưng tránh không bắn. Lúc đó tốc độ bay của tôi khoảng 1.000 km/h nên F-4 của địch hộ tống B-52 khi phát hiện đã phản ứng không kịp. Khi gặp B-52, tôi không còn để ý đến F-4 nữa. Radar dẫn mặt đất dẫn tôi áp sát sau đuôi B-52 với khoảng cách 10km. Tôi tắt radar để B-52 không phát hiện ra. Vào gần hơn thì dưới mặt đất có tín hiệu ra lệnh: Bắn. Nhưng để chắc ăn, tôi tiến đến gần hơn nữa. Khi khoảng cách chỉ còn chừng 3km, tôi nhấn nút khai hỏa. Chỉ trong chớp mắt, mục tiêu trước mắt tôi bùng nổ, sáng rực" - Anh hùng Phạm Tuân nhớ lại giây phút bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên.
"Lúc bắn xong, thấy điểm nổ, tôi mừng quýnh nhưng vẫn kịp kéo máy bay bổ nhào xuống, nhưng lúc ngước sang bên phải rồi bên trái đều có địch cả".
Ngay đêm hôm đó, đội bay được tập hợp rút kinh nghiệm và thông báo đi các sở chỉ huy, sân bay khác để phổ biến cách đánh. Tinh thần càng lên cao, kết hợp với kinh nghiệm chiến đấu trước đó và đặc biệt là phát bắn đúng "huyệt đạo" của Phạm Tuân, ngay ngày hôm sau, anh Vũ Xuân Thiều đã bắn hạ chiếc B-52 thứ 2 trên bầu trời Hà Nội. Thành công này đã góp phần làm nên chiến thắng đi vào lịch sử dân tộc, như một kỳ tích vô song của thế kỷ XX. Chiến thắng vĩ đại này là sự minh chứng hùng hồn về sức mạnh của văn hóa Việt Nam; Là chiến thắng của ý chí, bản lĩnh, khí phách Việt Nam; Là chiến thắng của lòng tự hào, tự tôn, tự trọng, của đức hy sinh cao thượng Việt Nam.
Nội dung: Giang Vương
Thiết kế: Đỗ Diệp