1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của quân và dân Thủ đô Hà Nội, nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022); 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022); 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022), Thiếu tướng Hoàng Văn Lâu - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) có bài viết "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - Đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Báo điện tử Dân trí xin trân trọng đăng tải nội dung bài viết của Thiếu tướng Hoàng Văn Lâu:

Văn hóa quân sự là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, nằm trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam, thời Lý, Trần, Lê, với nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, coi trọng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc "vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt..., khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy". Sức mạnh của nhân dân khi kết thành một khối là sức mạnh vô địch, đó là chân lý được Nguyễn Trãi khẳng định: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước"; "nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"…

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam - 1

Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (trong đó có Chiến dịch Phòng không 12 ngày, đêm cuối tháng 12 năm 1972), những giá trị văn hóa ấy mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa với khát vọng và mục tiêu cao cả "không có gì quý hơn độc lập tự do", đó chính là nguồn sức mạnh làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12 năm 1972) của quân và dân Thủ đô Hà Nội, nòng cốt là bộ đội Phòng không, Không quân - xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước giá trị cốt lõi của văn hóa quân sự Việt Nam: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". 

Trong Chiến dịch Phòng không 12 ngày, đêm cuối tháng 12 năm 1972, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam một lần được phát triển lên một tầm cao mới, bằng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù của quân và dân ta. Bộ đội Phòng không, Không quân đã biến ý chí quyết tâm ấy thành hành động cụ thể, mở những "Hội nghị Diên Hồng" dân chủ bàn bạc, nghiên cứu, tìm ra cách đánh B-52, đồng thời, giáo dục, quán triệt làm cho bộ đội thấy rõ, sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Thứ hai, "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ - nét độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam: Trong 12 ngày, đêm tháng 12 năm 1972, cuộc chiến đấu sinh tử với "giặc trời" Mỹ, bằng khối óc sáng tạo phi thường, trí thông minh và bản lĩnh con người Việt Nam. Với máy bay MiG-21, tên lửa SAM 2, pháo phòng không cỡ nòng 100mm, Ra-đa P35 những vũ khí kém hiện đại hơn của Mỹ, song chúng ta vẫn giương "mắt thần", "vạch nhiễu tìm thù", "tung lưới" lửa bủa vây vít cổ "thần sấm", "con ma", phơi xác "thần tượng không lực Hoa Kỳ".

Quân và dân ta bằng ý chí, nghị lực phi thường, với lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo đã làm chủ và phát huy tất cả vũ khí trong tay. Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng đơn thuần mà chúng ta còn phát triển thành nghệ thuật phối hợp các loại vũ khí, tạo ra "lưới lửa" phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài, khiến cho đối phương bất ngờ, khiếp đảm, phải chịu thất trận. Tướng Gioóc Ét-tơ, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí "Không lực Hoa kỳ" (US.Air Forces): "Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc".

Tổng thống Mỹ Ních-xơn trong cuốn sách "Không còn những Việt Nam nữa" cũng viết "…chúng ta đã thất bại và buộc phải ký Hiệp định Paris… Thất bại ở Việt Nam là một thảm họa lớn đối với nước Mỹ". Kẻ thù thừa nhận thất bại nặng nề của họ, mặc nhiên cũng là công nhận thành tích to lớn của quân và dân ta, càng khẳng định thêm trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam qua Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời, trở thành nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự - đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam - 2

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. (Ảnh: Văn Bảo - TTXVN).

Thứ ba, Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, "cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức", "tất cả để chiến thắng": Chiến dịch Phòng không 12 ngày, đêm cuối tháng 12 năm 1972, Đảng ta đã kế thừa và phát triển văn hóa đánh giặc lên tầm cao mới với các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng, nhằm phát huy cao nhất với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, kháng chiến về văn hóa, chống văn hóa thực dân, phản động, xây dựng nền văn hóa cách mạng, yêu nước mang tính dân tộc, dân chủ, khoa học và tiến bộ. Mặt trận văn hóa tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần, tư tưởng to lớn cùng với sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế trong chiến lược tổng hợp để chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất và tàn bạo nhất, văn hóa, văn minh Việt Nam chiến thắng bạo tàn.

Những khẩu hiệu "Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa", "xây dựng đời sống mới"…Lời kêu gọi thiết tha, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"; "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"… đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Là trọng điểm đánh phá trong 12 ngày, đêm tháng 12/1972, song song với lực lượng Bộ đội Phòng không, Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ huy các quận đội, huyện đội, các cơ quan nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, nhanh chóng tổ chức, kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ; khắc phục địa hình, địa vật chật hẹp, tận dụng nhà cao tầng trong nội thành, bố trí trận địa súng 12 ly 7, 14 ly 5 cả trên nóc nhà kiên cố để đánh máy bay địch ở tầm thấp.

Ngoài ra, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, khối phố ở nội thành, làng xã ngoại thành đều tổ chức các tổ đội "tay búa tay súng", "tay cày tay súng", làm tốt công tác thông tin trên 36 đài quan sát với 414 cơ sở để đếm bom rơi chính xác, báo lên cấp trên. Ba thứ quân được tổ chức chặt chẽ theo một mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, đạt hiệu quả cao, tạo thế trận nhiều tầng nhiều lớp, vừa có trọng điểm, vừa có thể cơ động nhanh chóng; vừa đánh địch ở các độ cao khác nhau, vừa có sức chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm. 

Trong khi đó, quân và dân miền Nam đã anh dũng tiến lên, "chia lửa" với đồng bào miền Bắc, đẩy mạnh tiến công quân Mỹ, Ngụy, triển khai lực lượng, tổ chức chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều hướng, nhiều mặt trận, làm giảm sức chiến đấu của chúng, gây tư tưởng chán nản, hoang mang trong binh lính Mỹ, Ngụy. Tiêu biểu như: Đánh bại cuộc phản kích của không quân và hải quân Mỹ ở Bình Trị Thiên, Bắc Bình Định, Tây Nguyên. Đặc biệt là trên mặt trận Quảng Trị, Nam Bộ, Trung Bộ đều phối hợp tiến công mạnh mẽ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế bao vây, uy hiếp đối với Mỹ, Ngụy.

Thứ tư, ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng, giá trị văn hóa quân sự bền vững của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam: Ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng của quân và dân ta bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hun đúc suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chính trị, quân sự nhạy bén, ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm nhận rõ âm mưu toan tính thâm độc của tập đoàn Nixon. Người thường xuyên chỉ đạo, định hướng tư tưởng, tổ chức động viên quân và dân ta, nhất là lực lượng Phòng không, Không quân, theo dõi chặt chẽ, nắm chắc về hoạt động của máy bay B-52, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng B-52 của Mỹ.

Ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 50 thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân, sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Ngày 19/7/1965, khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tam Đảo, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bác đã dạy: Tinh thần của con người phải truyền qua nòng súng, tức là làm sao phải có kỹ thuật giỏi. Bác khẳng định: ...ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua... Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng. …Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, có quyết tâm thì làm gì cũng được.

Đầu Xuân 1968, Bác triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đến báo cáo tình hình và Bác đã nhận định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Từ dự báo chiến lược đó, ngày 5/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: "Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc".

Với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sự chủ động về chiến lược, tổ chức xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp tạo thành sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" bản hùng ca vĩ đại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh; làm sụp đổ hoàn toàn "thần tượng vô địch" của "không lực Hoa Kỳ", tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam - 3

Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN).

Thứ năm, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12 năm 1972) - chiến thắng của tinh thần lạc quan và đức hy sinh cao thượng của dân tộc Việt nam:

Từ ngày 18 đến 30/12/1972, Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn, với mật danh "Linebacker II", ném hơn 100 ngàn tấn bom đạn xuống các mục tiêu Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc.

Riêng Hà Nội chúng đã ném hơn 10 ngàn tấn bom, hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập hơn 5.000 ngôi nhà, trong đó, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết chết gần 2.400 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Ác liệt là thế, tội ác của Mỹ chất chồng vậy, tổn thất, thương vong là rất lớn, sự căm phẫn với giặc Mỹ đã lên đến tột cùng thế nhưng quân và dân ta vẫn giữ được "một trái tim nóng với đầu lạnh".

Khi số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày càng nhiều, thì số lượng phi công bị bắt cũng ngày càng tăng lên. Viễn cảnh thoáng qua trong đầu những phi công này, họ có thể bị đối xử tồi tệ, bị đánh, thậm chí là "xé xác" khi nhìn thấy những dòng chữ đỏ, đen: "Đời đời ghi xương khắc cốt tội ác của giặc Mỹ" khắp phố phường Hà Nội. Song, họ đã nhầm, dân tộc Việt Nam luôn "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", dân tộc Việt Nam đã tiếp đón họ như những vị thượng khách ở "Hilton Hà Nội", không đánh đập, không khổ sai cũng không có cảnh "xé xác"... Họ đã được ưu tiên chăm sóc đặc biệt, thậm chí còn cao hơn so với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam[8]. Khi những đợt bom B-52 trút xuống họ đã rất lo sợ bị bom của chính đồng đội đánh trúng.

Ngay trong thời khắc nguy hiểm đó, chính người lính Việt Nam đã trấn an, động viên và bảo vệ họ". Như lời Hạ sĩ lục quân Robert P. Chenoweth kể: "Tôi ở Hỏa Lò rất ngắn nhưng lại đúng vào những đêm máy bay B-52 ném bom. Tất cả mọi người đã rất lo sợ bị bom đánh trúng cả chúng tôi. Trong giai đoạn nguy hiểm đó, chính người quản giáo đã trấn an, động viên và bảo vệ chúng tôi khỏi bom đạn". Đó là những minh chứng đầy tự hào thể hiện cho tinh thần lạc quan và bản chất cao thượng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam - 4

Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN).

Thứ sáu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giớinhững yếu tố rất quan trọng để làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - nét độc của văn hóa quân sự Việt Nam:

Ở nhiều nước phương Tây, báo chí cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của đế quốc Mỹ. Các chính phủ như: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, Ý và Thụy Điển cũng đã lên tiếng bảo vệ hòa bình, bảo vệ dân thường, yêu cầu phía Mỹ chấm dứt ném bom. Một trong những phản ứng dữ dội nhất của Thủ tướng Thụy Điển, ông đã lên án cuộc ném bom đó là một tội ác chống lại loài người và đích thân đến một cửa hàng tổng hợp để thu thập chữ ký cho bản kiến nghị của toàn quốc đòi Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam để gửi tới Tổng thống Mỹ Ních-xơn.

Ngay tại Mỹ, nhân dân tiến bộ cũng đòi chính phủ chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam, Ních-xơn cũng bị chỉ trích là điên rồ, nhiều người đã từng ủng hộ cuộc ném bom hồi tháng 5 năm 1972, đến tháng 12 năm 1972 cũng phản đối vì sự vô lý và tính chất tàn bạo bất thường của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II. Các nước xã hội chủ nghĩa: Cu Ba, Trung Quốc và các nước anh em khác, nhất là Liên Xô (trước đây)… đã kịp thời ủng hộ, giúp đỡ, sức người, sức của chi viện, vũ khí, đạn dược, giúp Việt Nam đội ngũ cán bộ quân sự giỏi, khai thác, sử dụng hiệu quả những vũ khí hiện đại.

Đồng thời, cử nhiều chuyên gia quân sự sang chiến trường Việt Nam trực tiếp giúp bộ đội Việt Nam về mặt kỹ thuật…những vũ khí, trang bị kỹ thuật đã phát huy hiệu quả ngay từ đầu bước vào cuộc chiến, cổ vũ, động viên mạnh mẽ quân và dân ta góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng  "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - đỉnh cao văn hóa quân sự Việt Nam - 5

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN).

Nửa thế kỷ đã trôi qua, song, những âm hưởng của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX, đỉnh cao vinh quang, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân chủng phòng không - không quân anh hùng.

Chiến công này là minh chứng hùng hồn, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng… tạo nên sức mạnh tổng hợp đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Văn Lâu, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân