1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi

Nhóm phóng viên miền Trung

(Dân trí) - Không chủ quan với bão số 6 (bão Trà Mi), người dân các tỉnh, thành miền Trung, đặc biệt là ngư dân vùng ven biển, chủ động di chuyển, neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các địa phương này đã ban hành công điện về chủ động ứng phó với bão Trà Mi.

Những địa phương ven biển và sở, ban, ngành tại các địa phương nêu trên được yêu cầu theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi - 1

Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Trà Mi, yêu cầu chủ tàu thuyền thường xuyên cập nhật diễn biến, không đi vào khu vực nguy hiểm (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn các tỉnh nêu trên được yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ".

Quảng Bình: Nhiều điểm nguy cơ sạt lở bờ biển

Bộ đội Biên phòng tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn do bão gây ra, giúp dân phòng chống thiên tai.

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi - 2

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình theo dõi diễn biến của bão để kêu gọi tàu thuyền về tránh trú (Ảnh: Tiến Thành).

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 6.174 tàu cá và gần 18.700 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh này đã theo dõi, nắm bắt cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ kêu gọi tàu cá, ngư dân vào bờ neo đậu an toàn.

Cảng Hòn La, cảng Gianh có 46 tàu, xà lan, phương tiện đường thủy với gần 200 người; các hệ thống nuôi trồng thủy sản tại Hòn La, Đảo Yến, sông Gianh... được theo dõi để khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng tránh bão.

Khu vực biên giới và vùng ven biển có 5 điểm nguy cơ sạt lở bờ biển, 2 điểm sạt lở núi. Dự kiến khi xảy ra mưa lớn, tuyến biên giới đất liền có 13 điểm ngập lụt, làm chia cắt cục bộ 21 thôn, bản tại 8 xã biên giới.

Đà Nẵng: Ngư dân thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú

Ngày 25/10, thời tiết có nắng nhưng ngư dân địa phương khẩn trương di chuyển tàu thuyền vào âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) để neo đậu tránh bão. Qua ghi nhận, âu thuyền Thọ Quang hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ vào neo đậu.

Cập bến âu thuyền Thọ Quang sau 20 ngày vươn khơi, ông Trần Đạt (ngư dân tỉnh Bình Định) cùng 10 thuyền viên khác lên đường về quê tránh bão.

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi - 3

Ngư dân Đà Nẵng thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ để tránh bão vào sáng 25/10 (Ảnh: Hoài Sơn).

"Cơn bão Trà Mi di chuyển rất phức tạp nên không thể chủ quan, không chỉ tôi mà các chủ tàu khác đều đang trên đường di chuyển vào âu thuyền để neo đậu cẩn thận, tránh bị thiệt hại về tài sản", ông Đạt chia sẻ.

Đối với những thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ ở ven biển Thọ Quang, từ sáng 25/10, nhiều ngư dân đã thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú. Tàu thuyền được ngư dân đưa về nằm dọc vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa.

Ông Trần Văn Ba (58 tuổi) cho hay, bão Trà Mi được dự báo sẽ mưa nhiều, nếu để thuyền thúng trên biển sẽ dễ bị sóng gió đánh chìm nên ông thuê xe cẩu kéo lên bờ để đảm bảo an toàn.

Theo ông Ba, tùy vào thuyền lớn hay nhỏ mà giá xe cẩu 300.000-500.000 đồng/lượt cẩu.

Để ứng phó với cơn bão số 6, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc ứng phó.

Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện triển khai ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân. Cảng vụ Đà Nẵng được yêu cầu thực hiện có hiệu quả phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển nếu có.

Quảng Nam: Cấm biển từ 10h ngày 25/10

Ngày 25/10, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ký công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện… yêu cầu tập trung ứng phó với bão Trà Mi.

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi - 4

Kể từ 10h ngày 25/10, tỉnh Quảng Nam cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn (Ảnh: Bình An).

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão Trà Mi, từ 10h ngày 25/10, tỉnh Quảng Nam cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh này cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện công điện nêu trên.

Bình Định: Không có tàu ở vùng nguy hiểm

Sáng 25/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương thông báo các tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển biết vị trí, hướng đi di chuyển không vào khu vực nguy hiểm và rà soát, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển để phòng, tránh bão Trà Mi.

Ngư dân thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ tránh bão Trà Mi - 5

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyền di chuyển không vào vùng nguy hiểm (Ảnh: Công Cường).

Qua kiểm đếm, có 5.688 tàu/40.028 ngư dân neo đậu tại bến, hoạt động gần bờ; có 551 tàu cá/3.645 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, tất cả các tàu trên biển và ngư dân đã nhận được thông tin và di chuyển, tránh khỏi khu vực nguy hiểm, không có tàu ở vùng nguy hiểm.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, kích hoạt ngay các phương án phòng chống, ưu tiên thu hoạch sớm các loại cây trồng để giảm thiệt hại.

"Tuyệt đối không được chủ quan, sẵn sàng mọi tình huống để ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở, đặc biệt ở các huyện miền núi…", ông Tuấn nhấn mạnh.