1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tương tác của bão đôi có thể khiến bão Trà Mi dịch chuyển ra ngoài, suy yếu

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Phía Đông Philippines đang có áp thấp nhiệt đới và trong 24-48 giờ tới mạnh lên thành bão nên có sự tương tác của bão đôi. Điều này làm cho bão Trà Mi sẽ dịch chuyển ra ngoài và suy yếu.

Sáng 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp cùng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) để ứng phó với bão số 6 (tên tiếng Việt là Trà Mi).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 24/10, bão số 6 đã đi vào biển Đông, sức gió gần tâm bão mạnh nhất giật cấp 9. 

Đến 8h ngày 25/10, cường độ của bão đã tăng lên cấp 10, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Trà Mi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên cấp 12. Khi vượt qua phía Bắc của đảo Trường Sa cường độ bão có xu hướng suy yếu do có tác động của không khí lạnh còn cấp 10-11.

Theo ông Hưởng, hiện nay ở phía Đông của Philippines có áp thấp nhiệt đới và trong 24-48 giờ tới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển đến phía Đông Bắc của đảo Lu Dông (Philippines) nên có sự tương tác của bão đôi. Điều này làm cho bão số 6 dịch chuyển ra ngoài và suy yếu. 

Song trên ảnh mây vệ tinh thể hiện hoàn lưu của bão số 6 là rất rộng và lệch về phía Tây. 

"Khu vực Bắc và giữa biển Đông là vùng tác động chính của gió mạnh. Từ chiều 26/10, vùng Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7. Khi bão số 6 đến gần tăng lên cấp 8-9", ông Hưởng nói và cho biết thêm, từ tối 26/10, bão số 6 có thể gây mưa lớn ở Trung Bộ. Mưa diện rộng từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. 

Tương tác của bão đôi có thể khiến bão Trà Mi dịch chuyển ra ngoài, suy yếu - 1

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đánh giá sơ bộ ban đầu mưa tập trung từ ngày 26 đến 29/10, nhiều nơi có mưa rất to với lượng mưa lên đến 200-300mm.

Trước diễn biến của bão Trà Mi, quân đội đã huy động 285.480 người (trong đó bộ đội 86.019, dân quân tự vệ 199.461) và 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó.

Cụ thể, Quân khu 3 huy động 51.075 người, 582 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 4 huy động 135.781 người, 1.195 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng.

Quân khu 5 huy động 55.163 người, 1.660 ô tô, tàu xuồng và 3 máy bay. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 4.600 người, 206 phương tiện và 8 máy bay. Binh đoàn 18 huy động 30 người, 2 máy bay trực thăng, 4 ô tô.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho hơn 67.210 phương tiện biết diễn biến, hướng đi của bão số 6 để chủ động tránh khu vực nguy hiểm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 4h ngày 25/10, vị trí tâm bão Trà Mi (bão số 6) vào khoảng 17 độ vĩ Bắc; 119 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h. 

Sáng 26/10, bão Trà Mi hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 490km về phía Đông; sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Đến 4h ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Một ngày sau, bão chuyển hướng Tây Tây Nam, hoạt động trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Tây và giảm xuống cấp 10, giật cấp 12.

Dự báo, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại có khả năng đổi hướng Đông Nam mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Đông, cường độ có suy yếu dần.