1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân mong biển sạch trở lại, để tàu thuyền lại tấp nập ra khơi

(Dân trí) - Sau khi Chính phủ công bố thủ phạm gây ra tình trạng cá chết thời gian qua, ngư dân các tỉnh miền Trung rất phấn khởi vì sự thật đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên điều mà ngư dân mong muốn nhất là Nhà nước sớm có biện pháp khắc phục môi trường biển, để bà con phấn khởi vươn khơi, đem về những tàu cá sạch.

Trả lại môi trường biển trong sạch

Vài tháng nay, thay vì ra khơi đánh cá, ông Hoàng Phi (SN 1966) ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình chiều chiều lại cùng nhiều ngư dân trong thôn ra ngồi ở bờ biển, buồn bã nhìn hàng trăm chiếc tàu đang neo đậu.

Chiều tối qua, sau khi nghe tin Chính phủ công bố Formosa đã xả thải độc, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, lại nghe Formosa cam kết sẽ bồi thường cho dân, ngư dân rất vui. Nhưng điều họ mong mỏi hơn cả lúc này là Nhà nước sớm có biện pháp khắc phục môi trường biển, trả lại một vùng biển trong sạch như trước đây.


Ngư dân Hoàng Phi buồn bã nhín ra biển

Ngư dân Hoàng Phi buồn bã nhín ra biển

Gần 50 năm gắn bó với nghề đi biển, ông Nguyễn Ngợi (SN 1954) ở xã Nhân Trạch tâm sự, chưa bao giờ làng biển này lại buồn đến vậy, tàu không thể ra khơi, ngư dân không có việc làm, khó khăn chồng chất khó khăn.

“Dân ở đây hơn 70% là làm nghề biển, vừa rồi cá chết khiến cuộc sống của ngư dân rất khó khăn. Thời gian qua Chính phủ, tỉnh cũng đã quan tâm, hỗ trợ gạo cho ngư dân nhưng đó không phải giải pháp lâu dài. Bây giờ Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp và đặc biệt là sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm để bà con yên tâm ra khơi mưu sinh”, ngư dân Ngợi bày tỏ.

Từ ngày cá chết, hàng ngàn chiếc thuyền đánh bắt gần bờ ở Quảng Bình không ra khơi
Từ ngày cá chết, hàng ngàn chiếc thuyền đánh bắt gần bờ ở Quảng Bình không ra khơi

Ngồi bệt bên rặng cát trắng gần bãi biển để chữa lại con thuyền sau mấy tháng ngừng hoạt động, ngư dân Phan Văn Phụng (52 tuổi, trú tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bày tỏ: “Đã mấy tháng nay rồi thuyền không ra biển, cứ để trên cát như thế này nên dần hư hỏng. Cả gia đình chỉ trông chờ vào con thuyền này, giờ nó nằm im một chỗ thì biết lấy gì để sống? Chính phủ đã xác định Formosa chính là thủ phạm xả thải độc thì phải có biện pháp buộc họ bồi thường thỏa đáng. Ngư dân chúng tôi cũng cần có vùng biển sạch để làm ăn yên ổn”.

Ông Phụng ngồi trên cát gia cố lại con thuyền sau mấy tháng không đi biển
Ông Phụng ngồi trên cát gia cố lại con thuyền sau mấy tháng không đi biển

Anh Nguyễn Văn Thuần, ngư dân ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng chung một mong muốn là môi trường biển trở lại như xưa. Gia đình anh Thuần có 7 người, cuộc sống chỉ dựa vào những chuyến đi biển. Sự cố cá chết hàng loạt vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình anh. “Vừa qua thực sự là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với bà con chúng tôi. Trước đây, ít nhất mỗi ngày cũng kiếm được hơn 500 nghìn đồng, nhưng giờ chỉ được 1/5 thôi. Giờ mong muốn của bà con chúng tôi là hãy trả lại môi trường biển như trước đây”.

Ngư dân Nguyễn Văn Thuần: Xin hãy trả lại môi trường biển như trước đây cho chúng tôi
Ngư dân Nguyễn Văn Thuần: Xin hãy trả lại môi trường biển như trước đây cho chúng tôi

Ngư dân Bùi Văn Thành (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ An) cương quyết: “Đã làm sai thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trên cơ sở của pháp luật; đồng thời phải khắc phục những hậu quả mà mình gây ra. Hãy trả lại môi trường biển như trước đây cho chúng tôi".

"Formosa phải thực hiện đúng các cam kết"

Ngư dân đánh bắt được số ít cá nục nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn
Ngư dân đánh bắt được số ít cá nục nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn

Ngư dân muốn Formosa phải bồi thường thỏa đáng

Chia sẻ về lời cam kết sẽ bồi thường 500 triệu USD của Formosa, ông Mai Văn Dàn (SN 1964, ở thị trấn Cửa Việt) bày tỏ: “Formosa phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai phạm nghiêm trọng đã gây ra, phải hỗ trợ toàn bộ sự thiếu hụt của ngư dân”.

Vừa cập cảng Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) sau mấy ngày dài đánh bắt trên biển, ngư dân Hồ Văn Bé rầu rĩ cho biết, tàu của ông đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chuyến này ra biển gặp áp thấp nên phải cập bờ sớm. Trước khi ra khơi phải bỏ chi phí chừng 25 triệu đồng, giờ đánh bắt được vài tạ cá thu, cá ngừ, bán chỉ được khoảng chục triệu nên bị lỗ.

“Nhà nước đã tìm ra nguyên nhân, thủ phạm khiến cá chết hàng loạt thì mong Nhà nước có biện pháp xử lý sao cho đúng pháp luật, đừng để ngư dân thiệt thòi”, ông Bé bày tỏ.

Không nằm trong nhóm địa phương có tình trạng cá chết, nhưng Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng một phần.

Anh Trương Đăng Hay, chủ tàu ĐNa – 90234 cho biết, các anh đi đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi gần cả tháng trời, nhưng cá đánh vào bán không ai mua và hoặc bán với giá thấp. Nếu như trước đây, mỗi chuyến đi về bán được khoảng 250 triệu đồng thì đợt cá chết, chỉ bán được 100 triệu đồng.

Anh Lê Dũng (trú Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa – 90098, xác nhận, cá của tàu Đà Nẵng đánh vào cũng bị tiểu thương ép giá, gây thua lỗ, khiến cuộc sống của người dân lao đao.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho rằng, việc Formosa bồi thường thiệt hại cho ngư dân là đương nhiên. Nhưng với những gì mà Nhà nước, Chính phủ đã phải thực hiện suốt thời gian qua, Formosa cũng phải đền bù cho Chính phủ.

Ông Lĩnh khẳng định: “Mặc dù Đà Nẵng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng ảnh hưởng gián tiếp cũng rất lớn. Chúng tôi đại diện cho các ngư dân ở đây cũng sẽ yêu cầu Formosa đền bù”.

Ông Phan Văn Kỉnh (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt trong vụ việc này. Ông Kỉnh nhận định: “Chẳng qua ở đây là sự bồi thường cảnh cáo, còn bồi thường đúng mức thì không thể bồi thường nổi!”.

Bên cạnh cam kết về đền bù, ngư dân cũng mong mỏi Chính phủ có biện pháp để Formosa phải thực hiện đúng các cam kết khác. Bởi điều mà các ngư dân trăn trở không chỉ là những điều hiện hữu. Một ngư dân Quảng Trị chia sẻ: Hôm nay chúng ta thống kê được số người bị ngộ độc, các chỉ số môi trường biển, nhưng những di chứng có thể xảy ra với thế hệ mai sau thì chúng ta chưa thể tính đếm được.

“Chúng tôi yêu biển và quyết bám ngư trường”

Ngư dân Hồ Văn Bé cho biết việc đánh bắt của bà con hiện nay gặp không ít khó khăn do tâm lý của người dân còn e ngại
Ngư dân Hồ Văn Bé cho biết việc đánh bắt của bà con hiện nay gặp không ít khó khăn do tâm lý của người dân còn e ngại

Nói về định hướng sản xuất trong thời gian tới, ông Bé cho hay: “Hơn 20 năm nay, gia đình tôi sống bằng nghề biển, đó cũng là công cụ kiếm sống duy nhất nên bây giờ dù vất vả chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, dựa vào biển để sinh sống”.

Theo ông Lê Văn Tuyền (ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) nói: “Bà con ngư dân chỉ có một tâm nguyện là mong Nhà nước làm sáng tỏ mọi việc, để môi trường biển trở lại bình thường, cho ngư dân tiếp tục đánh bắt như xưa”.

Liên quan đến câu chuyện cá chết ở miền Trung, PV Dân trí đã tìm gặp ông Nguyễn Xuân Diều (SN 1938, sống tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), nguyên Chủ nhiệm HTX đánh cá cấp cao Quang Phú, người đã cùng Đảng bộ, nhân dân xã Quang Phú gây dựng nên phong trào “Buồm Quang Phú” dẫn đầu ngành thủy sản toàn miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.

Ông Nguyễn Xuân Diều trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí
Ông Nguyễn Xuân Diều trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí

Trò chuyện cùng PV Dân trí, ông Diều khảng khái chia sẻ: "Bây giờ đã biết nguyên nhân cá chết. Vậy bà con ngư dân hãy có những hành động cụ thể. Trong chiến tranh, vì sao trong bối cảnh trên bom, dưới đạn, HTX Quang Phú vẫn ổn định được sản xuất, bám biển dài ngày, lấn dần tàu địch ra xa bờ biển? Vì chúng tôi có một cách làm sáng tạo. Nay trong hoàn cảnh nghề đánh bắt thủy sản bị đình trệ, ảnh hưởng nặng, chúng ta cũng phải vận dụng bài học cũ.

Ngư dân không thể cứ ngồi không chờ mãi gạo cứu trợ của nhà nước. Cá chỉ nhiễm độc ở gần bờ, ngư dân phải đóng tàu to, sắm ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt hiện đại để vươn ra biển lớn. Hiện tại, Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu lớn để vươn khơi, vậy sá gì ngư dân mình không làm để khắc phục khó khăn cục bộ trong giai đoạn này?".

Đặng Tài - Tiến Thành - Đăng Đức - Xuân Sinh - Khánh Hồng