1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ngày về hạnh phúc và chuyện tình đẹp của Vừ Già Pó nơi quê nhà

(Dân trí) - Câu chuyện Vừ Già Pó trở về, đoàn viên cùng gia đình đã khiến nhiều người bất ngờ; nhất là khi chuyến đi "không tưởng" của anh được thông tin trên mặt báo. Ngày hồi hương của anh cũng là cái kết có hậu của một chuyện tình đẹp.

Cuộc hồi hương bất ngờ

Tại đồn cảnh sát Zila Neelum, thị trấn Athmuqam, Pakistan, hàng ngày Pó bị giam một mình trong bốn bức tường lạnh lẽo. Trong thời gian đó, anh đã học lỏm được một vài câu giao tiếp đơn giản bằng ngôn ngữ của nước sở tại.

Trong suốt thời gian bị giam giữ, Pó cứ nghĩ rằng mình sẽ vĩnh viễn ở lại đây cho đến hết cuộc đời. Chuyện hồi hương sau bao năm xa xứ đối với Pó là điều không bao giờ anh dám nghĩ tới.

Pó cho biết, anh đã xin cảnh sát Pakistan để họ thả về Việt Nam. Nhưng đáp lại sự lo lắng của Pó, viên cảnh sát vui tính mà Pó gọi tên là “Pô lít” (Police - PV) nói rằng nhà nước bên đó sẽ không cho anh về Việt Nam nữa, họ sẽ lấy vợ cho anh và bắt anh ở lại đây suốt đời.

Khi ấy, Pó sợ hãi thực sự, anh rưng rưng nước mắt, nghĩ tới cảnh vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại vợ con nữa. Đến khi thấy họ cùng phá lên cười anh mới biết đó chỉ là câu nói đùa. Nhưng ngày về với Pó vẫn còn rất xa vì anh đã trót lọt qua khu vực cực kỳ nhạy cảm về an ninh.

Vợ chồng Vừ Già Pó trong ngày đoàn viên hạnh phúc tại quê nhà.
Vợ chồng Vừ Già Pó trong ngày đoàn viên hạnh phúc tại quê nhà.

Trong những đêm tĩnh mịch tại vùng đất lạnh giá này, Pó đã nghĩ đến vợ con rất nhiều, nhiều lúc anh gần như tuyệt vọng hoàn toàn. Ý nghĩ được trở về đoàn tụ với gia đình đã bị dập tắt khi bị bắt giam quá lâu mà không một tín hiệu khả quan.

Sáng 10/5/2014, bất ngờ có một vài người đến đồn cảnh sát và áp giải Pó đi từ rất sớm. Những cảnh sát ở đó cũng tỏ ra ngơ ngác, không hiểu chuyện gì sắp xảy ra đối với nhân vật “ngoài hành tinh” này. Còn Pó thì nghĩ rằng mình đang được bị chuyển trại giam khác như lần trước.

Chiếc xe khách to và cồng kềnh, nhưng trên xe chỉ có Pó và một số người cảnh sát. Chiếc xe rời khỏi đồn cảnh sát rồi chạy liên tục trong gần một ngày trời, đến 10 giờ đêm thì họ đưa Pó đến sân bay.

Pó được dẫn vào trong nhà để ký những giấy tờ thủ tục cần thiết rồi lên máy bay để trục xuất khỏi địa phương, nhưng Pó cũng không hề biết là mình đang được đưa đi đâu.

Giây phút hạnh phúc khi Pó được gặp lại và đoàn tụ với gia đình, người thân sau 2 năm dài xa cách.
Giây phút hạnh phúc khi Pó được gặp lại và đoàn tụ với gia đình, người thân sau 2 năm dài xa cách.

Khi chiếc phi cơ vừa đáp xuống sân bay tại Băng Cốc, Thái Lan, lại có người chờ sẵn dẫn Pó đi làm thủ tục tiếp. Khi đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện thì Pó lại được đưa lên một chiếc máy bay khác để tiếp tục hành trình “chuyển trại giam” của mình.

Sau nhiều giờ đồng hồ, đúng 9h30, chiếc máy bay mang số hiệu TG560 của hãng hàng không Thái Lan đáp xuống một sân bay Nội Bài. Cánh cửa máy bay bật mở, Pó run run lập cập đứng dậy nhìn ra ngoài.

Bất ngờ Pó reo và nấc lên trong sung sướng khi nhìn thấy bóng dáng công an Việt Nam quen thuộc tại sân bay. Pó ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ khi bất ngờ biết mình đã được trở lại Việt Nam sau 2 năm xa cách.

Pó xúc động kể lại: “Khi tôi vừa bước ra cửa máy bay đã có 2 anh chị công an đi tới dắt tôi xuống rồi chụp ảnh với tôi. Tôi quá bất ngờ trước những gì đang diễn ra bởi trong suốt hai chuyến bay tôi cũng không biết họ sẽ đưa mình đi đâu.

Chụp ảnh xong, người đàn ông nói bằng tiếng Mông rằng “Tôi là người Mèo Vạc, đến đây để đón anh về nhà!”. Không kịp để người này dứt câu, Pó nhảy lên ôm lấy người đồng hương của mình ngay tại cửa ngõ đặt chân vào Việt Nam.

Đoạn kết có hậu của một chuyện tình đẹp

Trong suốt thời gian lưu lạc, Pó luôn khao khát được sống, được trở về; lấy vợ con làm động lực để sống tốt, kiên trì tìm đường về nhà. Theo chị Ly Thị Lía - vợ Pó, hai vợ chồng đều xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Pó mồ côi mẹ từ năm mới lên 6 tuổi; đến năm 15 tuổi thì bố anh cũng chết vì bệnh tật; toàn bộ ruộng nương được để lại cho người con trai duy nhất thừa kế.

Vợ chồng con gái của Vừ Già Pó, mặc dù đã có con được 6 tháng nhưng vẫn chờ bố về để làm đám cưới.
Vợ chồng con gái của Vừ Già Pó, mặc dù đã có con được 6 tháng nhưng vẫn chờ bố về để làm đám cưới.

Để tự nuôi sống bản thân, Pó phải một mình lăn lộn, cày cuốc sớm khuya, trồng ngô để có cái ăn quanh năm mà không có sự hỗ trợ nào từ họ hàng.

Còn Lía, năm lên 9 tuổi thì bố mất sớm. Mẹ Lía do không có khả năng nuôi 5 người con nên đành phải đi thêm bước nữa để có người san sẻ về tinh thần lẫn vật chất. Lía cùng các chị, em theo mẹ sang bên nhà bố dượng để làm ăn.

Ngày ấy, cô gái Lía mới 14 tuổi, là hàng xóm với Pó. Hai nhà cách nhau chỉ vài bước chân. Từ lâu cô luôn ngưỡng mộ chàng thanh niên lực lưỡng, có tiếng chăm chỉ làm lụng. Hàng ngày Lía đi chăn bò cho bố dượng, còn Pó thì lên nương cày, cuốc trồng ngô. Lía cũng thường xuyên gặp Pó để trò chuyện, tâm sự khi biết rõ hoàn cảnh của nhau.

Những tiếng khèn Mông văng vẳng đầy quyến rũ từ phía nhà Pó đã nói lên tình cảm mà 2 người dành cho nhau. Sau một thời gian gắn bó, hai tâm hồn đồng cảm đã quyết định đến với nhau.

Nhưng quyết định lấy Pó đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình chị Lía bởi nhà anh quá nghèo. Dù vậy, cô gái Mông này vẫn cương quyết bảo vệ tình yêu chân chính của mình.

Lía cho biết: “Những ngày đầu mới lấy nhau chúng tôi nghèo lắm, hai vợ chồng chỉ sống trong một túp lều vài mét vuông trơ chọi giữa mỏm đồi. Nhưng Pó chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên vài năm sau đã làm được ngôi nhà rộng rãi hơn”.

Biết rõ hoàn cảnh của mình, thương vợ nên Pó không thường xuyên đi uống rượu với bạn bè mà chịu khó làm ăn.

Ngày Pó mất tích, Lía cũng đã có nhiều người đến “thăm hỏi”, nhưng chị cương quyết không sẽ đi thêm bước nữa mà quyết định ở vậy nuôi con để vẹn nghĩa người vợ.

Bản làng nơi Vợ chồng Vừ Già Pó và các con sinh sống tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Bản làng nơi Vợ chồng Vừ Già Pó và các con sinh sống tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Một năm sau, người con gái lớn của Pó - Vừ Thị Chúa (18 tuổi) - bén duyên với chàng thanh niên ở xã khác. Họ yêu nhau, đến với nhau nhưng vẫn mong chờ ngày bố trở về, ngày ấy sẽ là ngày cưới của hai người mặc dù đã sinh con được 6 tháng.

Pó cho biết: “Sau hai năm trở về, mọi thứ trong gia đình thay đổi nhiều quá, giờ tôi đã lên chức ông rồi. Khi tôi vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, con gái tôi mới 16 tuổi, nhưng 1 năm sau nó đã tìm được “ý chung nhân” của mình, nay lại đã sinh cháu, tôi lại lên chức ông rồi, mừng lắm”.

Theo Pó thì người khổ nhất vẫn là vợ của Pó khi một mình chèo chống gia đình vượt qua những lúc khó khăn nhất. “Gia đình có một con bò duy nhất cũng được bán cùng mảnh nương để gửi tiền sang cho tôi về nước. Nhưng tôi được trở về là may mắn rồi, còn bò với nương hai vợ chồng tôi cùng nhau làm lụng nhất định sẽ lấy lại được. Tôi thấy mình như thế này là may mắn và hạnh phúc rồi!” - Pó bộc bạch trong cảm xúc dâng trào.

Quốc Cường - Xuân Thái