1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hồi ức kinh hoàng của người Mông lưu lạc sang Pakistan

(Dân trí) - Do hoàn cảnh khó khăn, Vừ Già Pó (ở thôn Lũng Lầu, Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) nghe lời dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Số phận đã xô đẩy Pó phải lang thang khổ ải trên quãng đường 5.800 km sang tận Pakistan.

Sau 2 năm trôi nổi xứ người, với sự hỗ trợ đắc lực của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam, Vừ Già Pó đã được quay trở về quê hương để đoàn tụ cùng gia đình.

Vừ Già Pó đã kể với PV Dân trí về hành trình định mệnh của chuyến đi làm ăn xa ở Trung Quốc trong sự kinh hãi gần như tột cùng. Câu chuyện được bắt đầu như sau: Trước khi lên nương, vợ Pó dậy thật sớm nấu một nồi mèn mén cho cả gia đình. Những bộ quần áo cũ của Pó cũng được chị gấp lại phẳng phiu từ đêm hôm trước cho chồng chuẩn bị đi xa. Cùng đi Trung Quốc làm thuê với Pó có Ly Mí Na, Ly Mí Tử, Ly Mí Cho cùng một người nữa ở địa phương.

Hồi ức kinh hoàng của người Mông lưu lạc sang Pakistan

Vừ Già Pó cầm trên tay chiếc áo ấm là kỷ vật từ chuyến lưu lạc sang Pakistan trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.

Đúng 10 giờ sáng, ba chiếc xe máy chở 5 người trong thôn Lũng Lầu ì ạch rời khỏi “ốc đảo” Khau Vai. Đến thị trấn Mèo Vạc, nhóm của Pó đã gặp người đàn ông có tên là Vừ Xì Già (người xã Lũng Pù) để “nhập hội” rồi dẫn sang vượt biên. Cùng đoàn đi còn có Vàng Mí Mua, người cùng xã với Già cũng đi cùng sang Trung Quốc làm thuê. Đến gần chiều tối, đoàn người tới được Mốc 23 thuộc địa phận xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tiếp giáp với Trung Quốc.

Pó kể lại: “Để vượt biên, Vừ Xì Già dẫn chúng tôi băng rừng, chui qua những bụi rậm để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng 2 nước. Khi bàn giao người xong, Già đứng ra nhận tiền thay cho mỗi người là 10 triệu đồng để mang về cho vợ con. Trước khi trở về, Già còn dặn mọi người rằng đây chỉ là số tiền ban đầu, nếu cố gắng và chăm chỉ làm việc thì còn kiếm được rất nhiều tiền. Mọi người đều mừng rỡ khi thấy vợ con ở nhà sắp được nhận một số tiền lớn”.

Khi đoàn người đặt chân sang đất Trung Quốc cũng là lúc trời vừa nhập nhoạng tối. Một chiếc xe đã chờ sẵn bên đường để đón mọi người về nơi làm việc.

Chiếc ô tô lao đi rồi mất hút trong màn đêm lạnh giá. Pó không biết là mình đang ở đâu, chỉ thấy đường phố rộng lớn, sáng trưng và nhiều nhà đẹp. Lái xe chạy liên tục suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Những lúc đói, các “tù nhân” chỉ được ăn tạm trên xe.

Bốn ngày sau, chiếc xe dừng ở một bìa rừng trước cổng một công ty. Tại đây, Pó cùng nhiều người được bố trí chỗ ăn, ngủ tập thể, bên cạnh hàng trăm công nhân khác đang làm việc.

Lúc này, mọi người mới ngã ngửa khi biết rằng công việc không phải là tưới chuối, mỗi ngày được 70 đồng Nhân dân tệ như Vừ Xì Già đã nói. Hàng ngày Pó phải cùng mọi người trồng và bón cây, cả ngày làm việc giữa trưa nắng, thu nhập chưa được một nửa số tiền như đã hứa.

Dù công việc vất vả nhưng nhóm người Mông này đều làm việc hết mình. Với Pó, công việc này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với công việc trên cao nguyên đá. Động lực chính để Pó làm việc là mong kiếm thật nhiều tiền gửi về cho vợ mua quần áo mới cho con, cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Hồi ức kinh hoàng của người Mông lưu lạc sang Pakistan

Pó trở về quê hương, lại được làm những công việc thường ngày, với lời thề sẽ không bao giờ sang Trung Quốc nữa

 
Tháng sau, một vài người ở địa phương lại tiếp tục sang đó làm việc. Thấy người quen, Pó mừng rỡ ra bắt chuyện, hỏi thăm về gia đình mình.

“Bất ngờ tôi bị gục bởi một cú đánh mạnh từ sau lưng khiến tôi ngã xuống đất. Chưa kịp đứng dậy đã bị tên “cai” dữ dằn cầm gậy vụt lấy vụt để. Sợ quá, tôi cũng quỳ xuống van xin nhưng hắn vẫn không tha, tiếp tục đánh. Lúc này chẳng ai dám can ngăn trước thái độ hung hăng của hắn. Đến khi tôi bị toàn thân tím tái, ê ẩm thì hắn mới gọi thêm một tên nữa để tra tấn 5 người còn lại” - Pó kể với giọng run rẩy.

Pó cho rằng, do họ nghĩ Pó đang có ý định rủ mọi người bỏ trốn nên hắn mới hành hạ dã man như thế. Những ngày sau đó, Pó và mọi người có thể bị đánh bất cứ lúc nào mà không cần lý do. Mọi người phải làm việc cả ngày, mệt ngồi nghỉ nếu bị phát hiện thì sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.

Không thể chịu đựng thêm nữa, nhóm người Mông này quyết định bỏ trốn khỏi “địa ngục trần gian”. Không bàn bạc, không có kế hoạch cụ thể, ngay khi trời vừa chập tối, cuộc trốn chạy cũng đã nhanh chóng diễn ra khá suôn sẻ.

Hơn một ngày trốn chạy trên đường không gặp một bóng người, chỉ có rừng cây với những bụi rậm. Đến ngày thứ hai tới được một khu dân cư đông đúc, có nhiều nhà cửa sinh sống. Ai ai cũng mệt lả đi vì đói nên khi gặp nhà cửa, họ mừng rỡ và tách nhau ra đi vào xin ăn.

Pó cho biết: “Chúng tôi lang thang khắp mọi ngả đường gần đó để xin ăn, gặp ai có lòng tốt thì họ bố thí cho ăn. Nhưng do đói quá nên vẫn phải cắm đầu vào mà tiếp tục ăn xin. Mệt thì chui vào trong ống cống hoặc hiên nhà người ta mà ngủ, khỏe lại thì tiếp tục lên đường. Mình là người Việt Nam, là người tốt nên dù có đói rách đến mấy cũng không thể trộm cắp, ăn cướp để duy trì sự sống được”.

Theo Pó, cũng có lúc anh “phiêu bạt” hai ngày liền mà không gặp một bóng người, bụng sôi sùng sục nên phải trèo hái những hoa quả ven đường như cam, táo, lê để rửa và ăn tạm.

Lang thang được gần 1 tháng thì đoàn người tách ra làm hai nhóm để tìm đường về nhà. Nhóm Pó đi sau có Lý Mí Na và Vàng Mí Mua, hai người này là em vợ và em đồng hao của Pó. Dù đang bị lạc trên xứ người nhưng ai cũng háo hức mong chờ ngày được đoàn tụ.

Nhóm còn lại gồm Ly Mí Tử, Ly Mí Cho cùng một người khác trong thôn Khau Vai; khoảng một tháng sau, 3 người này bị lực lượng công an Trung Quốc bắt giữ giam lại 3 tháng 20 ngày; sau đó đưa sang trao trả tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Còn Pó, khi đang đi qua một thị trấn đông đúc, anh bị tụt lại phía sau rồi lạc mất hai người em. Chỉ còn một thân một mình, mọi thứ xung quanh đều quá xa lạ, ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn khác biệt, đi đâu Pó cũng cảm thấy như mình bị xua đuổi, chỉ trỏ.

Cứ lang thang như thế khoảng bốn tháng sau thì Pó gặp một dãy núi rất cao, sừng sững trước mắt. Hà Giang cũng có nhiều núi cao nhưng anh chưa từng gặp một ngọn núi nào cao như thế; trên đó có tuyết phủ trắng từ dưới chân lên đến đỉnh.

Vượt qua dãy núi cao, Pó cũng bất ngờ khi gặp những sự khác biệt về văn hóa, lạ kỳ mà anh chưa từng nhìn thấy. Nơi đó có phụ nữ mặc váy sặc sỡ bằng một tấm vải vắt chéo, hở một bên vai. Những người đó rất tốt, gặp ai khó khăn họ đều bố thí cho đồ ăn.

Pó không ngờ rằng anh đã băng hàng ngàn cây số qua đến tận đất nước Ấn Độ. Trong suốt quãng đường đó, anh cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người dân xứ Phật. Có những người bán quần áo ở ven đường trông thấy Pó rách rưới quá đưa cho một vài bộ quần áo để mặc. Pó kể rằng, Pó đã đi qua vùng “cát xi bia” (Kashmir). Pó còn được người ta cho tiền để tiêu, chỉ nói là tiền “Cát xi bia”. Ở đó có những người phụ nữ dùng khăn để trùm kín đầu mỗi khi ra ngoài đường.

Và ở vùng đất đó, Pó cũng trông thấy có rất nhiều xe tăng và ô tô mà Pó đã được nhìn thấy trên ti vi, cùng nhiều bộ đội đang ngày đêm cầm súng, luyện tập.

“Hàng đêm, tôi cứ trông vào mặt trăng mà đoán để xác định thời gian. Tôi đi được hơn một năm thì đến đất nước Pakistan và bị bắt giữ tại đây cho đến khi được giải cứu về Việt Nam ngày 11/5 vừa qua” - Vừ Già Pó chia sẻ.

(Còn nữa)

Quốc Cường - Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm