1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Quảng Trị:

Ngành chức năng nói gì khi doanh nghiệp xin duy trì trạm bê tông trái phép?

Nhật Anh

(Dân trí) - Chủ trạm trộn bê tông nhựa trái phép tại Quảng Trị đề đạt nguyện vọng được duy trì hoạt động để phục vụ dự án cao tốc, tuy nhiên các ngành chức năng không đồng ý vì không đủ cơ sở.

Trạm trộn bê tông nhựa trái phép kể trên là của Cổ phần đầu tư và Xây dựng 703 (Công ty 703), đặt tại thôn Nam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Sau khi UBND huyện Cam Lộ yêu cầu chấm dứt hoạt động, tháo dỡ toàn bộ công trình, đại diện Công ty 703 đã có động thái xin gia hạn thời gian đặt trạm trộn bê tông đến hết ngày 31/8, để tiếp tục phục vụ thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong thời gian bảo hành (2 năm) và Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đang triển khai.

Ngành chức năng nói gì khi doanh nghiệp xin duy trì trạm bê tông trái phép? - 1

Trạm trộn bê tông nhựa trái phép đặt tại thôn Nam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Nhật Anh).

Theo đại diện Công ty 703, cuối năm 2019, đơn vị làm việc với UBND xã Cam Hiếu và các hộ dân để thuê mặt bằng sử dụng làm bãi tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa. Trong thời gian hoạt động, công ty luôn chấp hành bảo vệ môi trường, không khói bụi, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự.

Về việc di dời trạm trộn đến vị trí khác, hoàn trả mặt bằng theo yêu cầu của địa phương, Công ty 703 đang khảo sát, tìm kiếm vị trí phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc làm hồ sơ, lập dự án đầu tư và xin giấy phép cần nhiều thời gian, không thể hoàn thành trước ngày 30/4 theo yêu cầu của địa phương.

Về phía Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn), đơn vị này cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho Công ty 703 tiếp tục duy trì trạm trộn bê tông nhựa kể trên.

Trước kiến nghị của Công ty 703 và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho hay hiện nay công trình chính (gói thầu XL01) Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được bàn giao đưa vào sử dụng.

Mặt khác, UBND huyện Cam Lộ không chấp thuận tiếp tục khai thác, sử dụng trạm trộn bê tông nhựa vì một số sai phạm của Công ty 703, do đó việc gia hạn thời gian đặt trạm trộn bê tông này là không đủ cơ sở, chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho rằng chưa có cơ sở xem xét việc gia hạn thời gian đặt trạm bê tông nói trên vì Công ty 703 chưa được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê đất để thực hiện dự án.

Ngoài ra, trạm trộn bê tông này có công suất lớn, thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường, nhưng đến nay UBND huyện Cam Lộ và ngành chức năng chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường từ phía Công ty 703.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị nêu trên, Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị kiến nghị UBND tỉnh này, chỉ đạo UBND huyện Cam Lộ sớm làm việc với đơn vị quản lý trạm trộn bê tông nhựa, yêu cầu khẩn trương di dời, hoàn trả mặt bằng và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Ngành chức năng nói gì khi doanh nghiệp xin duy trì trạm bê tông trái phép? - 2

Cơ quan chức năng cho rằng, việc duy trì, gia hạn thời gian đặt trạm trộn bê tông là chưa đủ cơ sở, không đảm bảo theo quy định (Ảnh: Nhật Anh).

Như Dân trí phản ánh, năm 2019 Công ty 703 thuê đất của 4 hộ gia đình tại thôn Nam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ để làm bãi tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa SPECO, mục đích phục vụ Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Sau khi Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, Công ty 703 không giao trả mặt bằng lại cho các hộ gia đình sử dụng đất theo đúng mục đích (đất rừng sản xuất). Qua kiểm tra, chính quyền huyện Cam Lộ phát hiện công ty này chưa có chủ trương chấp thuận của các cấp có thẩm quyền về việc lắp đặt, dựng trạm trộn bê tông nhựa trên địa bàn.

Khi phát hiện sai phạm, huyện Cam Lộ đã yêu cầu đơn vị lắp đặt trạm bê tông trái phép chấm dứt mọi hoạt động, tháo dỡ toàn bộ công trình, khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu và đưa phương tiện, máy móc, vật tư, con người... ra khỏi khu vực xây dựng trái phép trước ngày 30/4.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng, Công ty 703 vẫn chưa tháo dỡ công trình, đưa các phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực xây dựng trái phép. Việc Công ty 703 không chấp hành yêu cầu của huyện, vẫn cho trạm bê tông hoạt động là trái với quy định.