"Nếu dính chiến tranh thương mại, Việt Nam khó đạt tăng trưởng 8%"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chỉ ra nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng nếu Việt Nam không bị dính thương chiến và có thể tiết kiệm chi, mục tiêu tăng trưởng 8% mới có thể đạt được.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 14/2, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) dành thời gian góp ý cho Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Ông nhắc lại lần gần nhất Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế trên 8% là gần 30 năm trước, vào năm 1997. Sau giai đoạn đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm lại và từ đó đến nay chưa bao giờ đạt tốc độ cao như vậy.

Năm 2022 có được tăng trưởng trên 8%, nhưng đó là do sau 2 năm Covid-19. Và năm 2023 ngay sau đó chúng ta chỉ tăng trưởng 5%. Như vậy, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và sau đó, tăng trưởng hai con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn", ông Đồng nhận định.

Nếu dính chiến tranh thương mại, Việt Nam khó đạt tăng trưởng 8% - 1

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 14/2 (Ảnh: Minh Châu).

Với thế giới, vị đại biểu cho rằng Việt Nam vẫn là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng, song rất khó tiên liệu năm 2025 Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại thế giới hay không.

"Chính phủ đã chuẩn bị các kịch bản, cũng đã tìm cách vận động để tránh thương chiến, nhưng nếu Việt Nam bị Mỹ đánh thuế cũng khó mà tránh khỏi sụt giảm tăng trưởng", đại biểu Đồng lưu ý.

Để đạt mức tăng trưởng 8%, Chính phủ đề xuất "Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP".

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng nếu tiết kiệm chi ngân sách được thì tốt, nhưng nếu không được mà phải tăng thu hoặc bội chi, nợ công, cần hết sức cân nhắc.

Nhìn vào nguồn tăng thu thì hiện nay, việc thu ngân sách đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp và cả ngành thuế và hải quan, theo lời vị đại biểu.

Ông cho biết có nghe doanh nghiệp phản ánh vài năm gần đây, thuế và hải quan chịu áp lực thu quá lớn dẫn đến các trường hợp thu bất hợp lý. "Cái này có thể giúp thu được ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ không kích thích được doanh nghiệp đầu tư, phát triển", ông Đồng nêu quan điểm.

Về nguồn bội chi và nợ công, theo đại biểu, các biện pháp vay nợ sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng.

"Những vấn đề trên cho thấy, lý tưởng nhất là Việt Nam không bị dính thương chiến và có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công, không phải tăng thu hay vay nợ. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 8% mới có thể đạt được", ông Đồng nhấn mạnh.

Ông khẳng định trường hợp dính thương chiến, mục tiêu tăng trưởng 8% khó có thể đạt được, khi đó mới cần các biện pháp tăng bội chi hay vay nợ.

Vị đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết.

Tức là phải coi việc tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị dính vào chiến tranh thương mại, chứ không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%, theo lời đại biểu.

Ngoài ra, ông đề nghị hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt quan tâm cải cách hệ thống tư pháp, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế để doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Trong nhóm giải pháp về thúc đẩy đầu tư công, ông Đồng góp ý nên tập trung vào chi đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, cho chuyển đổi số trong Chính phủ, từ đó mới giúp tăng trưởng trong các năm sau.