1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Dương:

Một thủ nhang tố bị chính quyền “o ép” đuổi khỏi đền

(Dân trí) - Do đã bán hết nhà cửa, tài sản để góp phần xây dựng đền Lang Khê, nên khi bị chính quyền địa phương trục xuất khỏi 2 ngôi đền đang làm thủ nhang, ông Nguyễn Văn Phương (trú thôn Lang Khê, xã An Lâm, Nam Sách, Hải Dương) không còn chỗ ở.

Trình bày với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, ông liên tục bị cán bộ xã An Lâm “o ép”, trục xuất ra khỏi đền Lang Khê (còn gọi là Nghè Dào, thuộc thôn Lang Khê) và đền Vàng (thuộc thôn Hoàng Giáp) - nơi ông làm thủ nhang.

Ông Phương cho biết, ông tham gia các hoạt động tín ngưỡng từ nhỏ và nhận được nhiều sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con trong vùng. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đền Lang Khê, khoảng những năm 2000, bà con và chính quyền địa phương đã thống nhất họp và cử ông làm thủ nhang với nhiệm vụ trông coi, tìm nguồn kinh phí để tôn tạo, xây dựng lại ngôi đền.

Theo ông Phương, kể từ đó ông đã tận tâm tận lực ngày đêm trông coi, nhang khói, đi “khất thực” nhiều nơi để vận động đóng góp kinh phí xây dựng, tôn tạo đền Lang Khê. Sau này, ông Phương còn bán hết nhà cửa của gia đình, vay tiền người thân với số tiền lên tới gần tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tôn tạo lại ngôi đền mà không xin kinh phí, vận động bà con đóng góp.

Tìm nguồn tôn tạo di tích, Thủ nhang nhà đền bị “ngược đãi”?
Thủ nhang Nguyễn Văn Phương lo lắng sẽ không còn chỗ ở.

Sau đó, bà con nhân dân tiếp tục cử ông Phương làm thủ nhang đền Vàng. Thôn Hoàng Giáp cũng đã lập các biên bản, giao quyền cho ông Phương cai quản, trông coi đền, tiếp nhận công đức và các hiện vật có tại đền. Điều này cũng đã được Mặt trận Tổ quốc xã An Lâm xác nhận.

Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2014, ông Phương bất ngờ nhận được văn bản thông báo do Trưởng Công an xã An Lâm ký về việc “trục xuất” ông Phương ra khỏi Khu di tích đền Chùa Vàng.

Theo thông báo: Đến hết ngày 30/11/2014, ông Phương phải chuyển hết tài sản cá nhân khỏi khu di tích đền Vàng về thôn Lang Khê để ở, bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất của khu vực đền Vàng cho lãnh đạo thôn Hoàng Giáp, không được cư trú trong khuôn viên di tích đền Vàng. Hết thời hạn kể trên, nếu ông Phương không thực hiện, Công an xã An Lâm sẽ thực hiện công tác kiểm tra, củng cố hồ sơ và xử lí theo pháp luật.

Tiếp đó, đến ngày 21/11/2014, người thủ nhang nhà đền lại nhận được thông báo của Trưởng Công an xã An Lâm yêu cầu phải di chuyển toàn bộ đồ đạc cá nhân ra khỏi khuôn viên Nghè Đào trước ngày 30/11, không được cư trú như gia đình ở khu Nghè Đào. Đồng thời, yêu cầu bà Nguyễn Thị Hương, giúp việc cho ông Nguyễn Văn Phương, buộc phải di dời khỏi địa phương An Lâm trong ngày 21/11/2014.

Ông Phương cho biết: “Hiện nhà cửa và tài sản có giá trị của gia đình đều đã bán hết. Số tiền người vợ đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về hàng tháng nuôi con cũng đều đã dồn vào việc tu bổ, tôn tạo hai ngôi đền, nếu bị “trục xuất” thì tôi không biết sẽ ở đâu nữa”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch UBND xã An Lâm, huyện Nam Sách cho biết: “Chính quyền địa phương không phủ nhận việc ông Phương có công trong việc tôn tạo, xây dựng ngôi đền phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của bà con. Tuy nhiên, việc Công an xã An Lâm trục xuất ông Phương ra khỏi đền Vàng là hoàn toàn có căn cứ. Vì ông Phương không có hộ khẩu trong thôn Hoàng Giáp nên không thể đại diện cho nhân dân thôn làm thủ nhang của ngôi đền. Còn chuyện người dân thôn Hoàng Giáp bầu ông Phương làm thủ nhang ngôi đền trong thôn là hoàn toàn không có giá trị.”

Hiện trạng những xuống cấp của đền Lang Khê.
Hiện trạng những xuống cấp của đền Lang Khê.
Đền Lang Khê.

Lý giải việc trục xuất ông Phương ra khỏi đền Lang Khê, người đứng đầu UBND xã An Lâm cũng cho rằng, theo quy định của Luật cư trú, công dân cư trú tại các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng không được ở và sinh hoạt trên đất đang tranh chấp. Khu vực Nghè Đào (đền Lang Khê) là đất đang tranh chấp, chưa hợp pháp, hiện UBND xã An Lâm đang phê duyệt quy hoạch chứ chưa được cấp có thẩm quyền công nhận.

Theo ông Toản, chính quyền địa phương cũng liên tục nhận được phản ánh qua điện thoại của công dân tố cáo việc ông Phương tổ chức cúng và thu tiền vài triệu đồng/lần cúng, 70 - 80 triệu/khóa lễ. Trong quá trình làm thủ nhang, ông Phương để xảy ra sai sót như có trình trạng xem bói chân gà, xem lá trầu quả cau, cúng bái cho một số hộ gia đình; để tình trạng cờ bạc diễn ra và xô xát khi làng tổ chức lễ hội…

Cũng theo thông báo ngày 21/11/2014, Trưởng Công an xã An Lâm còn yêu cầu ông Phương bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất khu Nghè Đào cho lãnh đạo thôn Lang Khê, cử người có tinh thần trách nhiệm là công dân thôn Lang Khê ra trông coi 24/24 giờ để tránh mất mát tài sản của nhân dân.

“Chúng tôi không cấm việc tự do tín ngưỡng, lễ bái mà chỉ yêu cầu ông Phương không được ở lại qua đêm trong hai ngôi đền. Để cho khách quan và rộng đường dư luận, sắp tới UBND xã An Lâm sẽ cho tiến hành triệu tập họp, mời các bên liên quan và lấy ý kiến của nhân dân về vấn đề trên” - ông Nguyễn Văn Toản cho biết.

Q. Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm