1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một thập kỷ Khuyến học Việt Nam

(Dân trí) - 10 năm trước, Hội Khuyến học Việt Nam ra đời với tư cách là một tổ chức xã hội của mọi người Việt có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Trải qua 2 kỳ đại hội, Hội đã có bước phát triển nhanh về tổ chức, về quá trình xây dựng.

Tổ chức Hội đã phủ khắp 64 tỉnh thành với 9824/10.382 xã, phường, thị trấn trong cả nước.

 

Các chương trình khuyến học không chỉ được phát động ở TƯ mà còn đến từng địa phương, như: phong trào thi đua khuyến học, phong trào đăng ký phấn đấu trở thành những Gia đình hiếu học, xây dựng và phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng đến từng xã, phường, tạo tiền đề cho một xã hội học tập từ cơ sở.

 

Những tấm lòng hảo tâm, hiến đất xây dựng trường học, tiếng kẻng khuyến học, thửa ruộng khuyến học, thầy giáo làng với bầy trẻ thơ vùng cao, vùng xa, thầy giáo mang quân hàm xanh, những người chở đò “chữ” trên sông Lục Đầu (miền Bắc), sông Tiền (miền Nam)... đều là những hoạt động mạnh mẽ của Hội Khuyến học Việt Nam trong suốt gần một thập kỷ qua.

 

Đại hội III là đại hội phát huy trí tuệ tập thể của hơn 3,5 triệu hội viên với tầm nhận thức mới, nâng cao chất lượng của từng hoạt động khuyến học, khuyến tài, tiêu biểu là 442 đại biểu chính thức của các tỉnh thành Hội Khuyến học trong cả nước. 

 

5 nội dung của Đại hội III sẽ thực hiện trong cả nhiệm kỳ gồm:

 

1. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng về tổ chức hoạt động của cơ sở Hội và hội viên.

2. Phát triển mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học... Khuyến học làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng từng địa phương và cả nước trở thành một xã hội học tập.

3. Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, các ngành, các cấp có liên quan để củng cố phát triển các trung tâm học tập cộng đồng và các phương thức học tập khác, tạo nhiều cơ hội học tập cho mọi người, thiết thực nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế xã hội.

 

4. Liên kết hợp tác với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các nhà trường tạo dựng tốt môi trường giáo dục và đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài trong nhân dân.

 

5. Tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoàn thiện dần cơ chế chính sách, tạo cơ sở tinh thần, vật chất cho đội ngũ cán bộ Hội và hoạt động của Hội các cấp.

 

Đại hội Khuyến học lần thứ III diễn ra đúng vào thời điểm Hội Khuyến học Việt Nam ra đời tròn một thập kỷ và mở đầu nhiệm kỳ 5 năm, trùng hợp với 5 năm cuối thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Nhiều thời cơ sẽ đến, nhưng cũng không ít thử thách quyết liệt.

 

Cơ hội và thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải vươn tới, không ngừng nâng cao dân trí, đổi mới tư duy về mọi mặt trong đó có tư duy về giáo dục và học tập, về khuyến học và tổ chức khuyến học, về nội dung và phương pháp vận động toàn dân học tập tiến tới “cả nước trở thành một xã hội học tập”.  

 

Cách đây hơn 9 năm (2/10/1996; 2/10/2006) ý tưởng thành lập Hội Khuyến học Việt Nam của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thông qua. Từ đó đến nay Hội đã trải qua 2 kỳ đại hội:

 

Đại hội lần thứ nhất (2/10/1996) là Đại hội chính thức thành lập Hội, bắt đầu đi vào xây dựng tổ chức và hoạt động khuyến học theo tôn chỉ mục đích của Hội. Ban vận động thành lập Hội do ông Hồ Trúc đứng đầu cùng các ông Hoàng Quốc Dũng, Hoàng Xuân Tuỳ và hơn 10 người khác cùng vận động, tổ chức, xác định mục tiêu và chức năng của Hội, bàn bạc dự thảo Điều lệ của Hội.

 

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp tham gia xây dựng nội dung của Đại hội I. Khi lập Hội, cố Thủ tướng đã ghi vào sổ vàng của Hội Khuyến học Việt Nam: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu của nước ta và tương lai của dân tộc. Mong rằng mọi người hãy quan tâm theo khả năng của mình”.

 

Đại hội I đã bầu ra BCH và cử GS.NGND Nguyễn Lân làm Chủ tịch Hội, đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội.

 

Đại hội lần thứ hai (vào 16/6/1999) là Đại hội phát triển mạnh về tổ chức và hoạt động khuyến học, khẳng định vị thế của Hội Khuyến học Việt Nam trong đời sống xã hội.

 

Đại hội có 152 đại biểu chính thức (bao gồm 50 đoàn đại biểu khuyến học cấp tỉnh), bầu ra 93 uỷ viên BCH để thực thi nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ còn có Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam.

 

Nếu như năm 1999 mới chỉ có 28 tỉnh thành có tổ chức Hội thì đến nay Hội Khuyến học đã phủ kín tại 64 tỉnh thành. Trong đó có 124.209 Chi hội Khuyến học ở các thôn, xóm, làng, bản, tổ dân phố… và hàng ngàn Ban Khuyến học ở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hội đồng hương.

 

Số hội viên khuyến học những ngày đầu thành lập mới có khoảng 100.000 đến nay đã có 3,5 triệu hội viên. Xây dựng được 2588 TTHTCĐ; 1.234.345 gia đình được công nhận là GĐHH; Quỹ Khuyến học trên toàn quốc được xây dựng có tổng giá trị 309 tỷ đồng.

 

Minh - Hạnh - Cường

Dòng sự kiện: Đại hội Khuyến học