Chặng đường ngắn trên con đường vạn dặm...

(Dân trí) - Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, phong trào khuyến học ở Quảng Nam đã được sáng lập do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng khới xướng. Tiếp nối là phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ trong cách mạng và kháng chiến...

Phong trào cứ thế phát triển cho tới những năm 90, ở Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương khác, các hình thức hoạt động khuyến học lần lượt xuất hiện.

 

Rồi đến giữa năm 1993, trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, thực hiện gợi ý quan trọng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc tổ chức một đoàn thể xã hội, hoạt động hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục; một số nhà quản lý Nhà nước và hoạt động xã hội, một số nhà sư phạm đã quy tụ thành “tổ trung kiên” tiến hành khởi thảo Điều lệ, Chương trình hoạt động, từng bước hình thành Ban vận động thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam với tên rút gọn: “Hội Khuyến học Việt Nam”

 

Tuy nhiên, phải đến 3 năm sau, vào ngày 2/10/1996, Đại hội thành lập Hội mới chính thức ra đời. Vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, những ai đã từng qua hẳn không bao giờ quên ý nguyện của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Việc lập Hội Khuyến học anh em chuẩn bị đã lâu, nhiều người mong đợi, sự nghiệp giáo dục cũng mong đợi. Nay đến lúc ra quân càng cần giữ vững nhiệt tình, nhưng đừng quên đây là loại việc khó, khó lắm, cần thấy hết khó khăn để cố gắng và kiên trì cố gắng, kết quả chưa được 100% thì hãy tranh thủ 40-50%, thậm chí lúc đầu ít hơn nhưng không lùi bước. Hãy nói ít, làm nhiều, làm từ việc nhỏ rồi lớn dần, làm thiết thực...”.

 

Đi đâu cũng thấy khuyến học...

 

9 năm cho ba lần Đại hội. Đại hội lần thứ nhất- Đại hội thành lâp hội. Đại hội lần thứ hai- Đại hội góp phần xây dựng xã hội học tập, Đai hội lần thứ ba- Đại hội phấn đấu đưa cả nước trở thành một xã hội học tập. Cùng với thời gian, nếu như Đại hội thứ nhất chỉ có hơn một trăm đại biểu, đại hội thứ hai, hơn hai trăm đại biểu. Nhưng đến Đại hội thứ ba, con số này đã gấp bốn lần.

 

Nông trường làm khuyến học, nhà trường làm khuyến học, Cơ quan làm khuyến học, bộ đội biên phòng làm khuyến học, nhà chùa làm khuyến học, nhà thờ làm khuyến học, bưu điện làm khuyến học, người cao tuổi làm khuyến họ, Hội nông dân làm khuyến học, Hội phụ nữ làm khuyến học....Đi đâu cũng thấy phong trào khuyến học...

 

9 năm qua, một chặng đường ngắn trên con đường vạn dặm. Bởi sự nghiệp giáo dục nói chung và xây dựng xã hội học tập nói riêng rất to lớn, mà những gì Hội Khuyến học Việt Nam đã làm được chỉ là những viên gạch đóng góp vào cái móng của ngôi nhà lớn- ngôi nhà sự nghiệp “trồng người”.

 

 

Minh - Hạnh - Cường

Dòng sự kiện: Đại hội Khuyến học

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm