Một tháng tồn tại “gây bão” của công trình trái phép xâm hại di sản Tràng An
(Dân trí) - Công trình “khủng” trái phép trong di sản Tràng An bắt đầu xây dựng từ tháng 8/2017, đến tháng 2/2018 thì hoàn thành và được đưa vào khai thác. Đầu tháng 3/2018, báo Dân trí phản ánh vụ việc, Bộ VH,TT&DL vào cuộc kiểm tra, UBND tỉnh Ninh Bình tiến hành thanh tra, đến ngày 30/3 công trình chính thức bị tháo dỡ.
Ai “chống lưng” cho công trình sai phạm?
Như Dân trí đưa tin, ngày 30/3, Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc chính thức tháo dỡ công trình “khủng” xây dựng trái phép, xâm hại di sản Tràng An. Từ khi xây dựng cho đến lúc tháo dỡ, cầu thang khổng lồ dài 510m với hơn 900 bậc ở núi Cái Hạ tồn tại 8 tháng.
Vụ việc được khái quát cụ thể như sau: Ngày 18/8/2017, Sở Du lịch Ninh Bình có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT và UBND huyện Hoa Lư xử lý vi phạm rừng đặc dụng trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An sau khi kiểm tra và phát hiện gia đình ông Nguyễn Văn Son tự ý khoan núi, dựng cột bê tông, xây bậc lên núi Cái Hạ; việc làm này vi phạm nghiêm trọng đến các quy định quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.
Ngày 23/8/2017, UBND huyện Hoa Lư chỉ đạo các phòng chức năng và xã Trường Yên yêu cầu ông Son dừng ngay việc việc xây dựng trên núi Cái Hạ và tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng trái phép, hoàn trả lại cảnh quan như trước khi xây dựng; di sản Tràng An là vùng được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt, phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng.
Ngày 18/9/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra khu “Tràng An” cổ do ông Nguyễn Văn Son làm chủ. Thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp đang xây dựng 120m đường lên núi Cái Hạ, đã lắp được 80 bậc, khoảng 20m đã đổ giằng bê tông cốt thép chưa lắp bậc; chiều rộng bậc thang là 1,4m đã đổ lan can. Việc thi công chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nằm trên đất rừng đặc dụng.
Đoàn thanh tra liên ngành yêu cầu ông Son dừng hoạt động xây dựng cầu thang lên núi, hoàn thiện thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Yêu cầu UBND xã Trường Yên giám sát chặt chẽ hoạt động xây dựng của cơ sở, kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan.
Dù bị yêu cầu dừng nhưng sau đó ông Son vẫn tiếp tục xây dựng công trình. Đến ngày 25/10/2017, Sở Du lịch Ninh Bình sau khi phát hiện đã có văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư tiếp tục đề nghị xử lý vi phạm xây dựng làm ảnh hưởng đến hệ thống núi đá vôi, rừng đặc dụng trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An.
Tuy nhiên, UBND huyện Hoa Lư không xử lý dứt điểm vi phạm, tiếp tục để gia đình ông Son ngang nhiên xây dựng trái phép. Ngày 20/11/2017, Sở Du lịch một lần nữa đề nghị Sở NN&PTNT và UBND huyện Hoa Lư xử lý vi phạm của ông Son. Đến ngày 14/12/2017 Sở này có văn bản gửi Huyện ủy Hoa Lư cũng như tiếp tục báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình về việc đề nghị xử lý vi phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An.
Trách nhiệm vẫn chưa thuộc về ai?
Ngày 2/3/2018, báo Dân trí có bài “Công trình siêu “khủng” không phép trong di sản Tràng An”, phản ánh về việc ông Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng cầu thang khổng lồ lên xuống núi Cái Hạ, toàn bộ công trình xây dựng trái phép, xâm hại nghiêm trọng vũng lõi di sản Tràng An nhưng ông Son tự ý cho du khách vào tham quan.
Sau khi báo phản ánh, Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình báo cáo sự việc. Đến ngày 5/3, Bộ VH,TT&DL thành lập đoàn thanh tra đột xuất xuống làm việc với Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thể thao Ninh Bình. Đến ngày 6/3, Thanh tra Bộ VH-TT&DL thông tin về kết quả thanh tra liên quan đến công trình vi phạm tại khu “Tràng An cổ”.
Theo ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Công ty Du lịch Tràng An tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Cái Hạ là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản. Thanh tra Bộ đã yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Bình khẩn trương có biện pháp tháo dỡ công trình trái phép, trả lại nguyên trạng vùng lõi di sản thế giới.
Đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL còn phát hiện nhiều sai phạm tại khu “Tràng An cổ” như: sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ, tự ý sử dụng đò chở khách du lịch tham quan, tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé chưa được phép của cơ quan thẩm quyền…
Cũng trong ngày 6/3, Công ty CP Du lịch Tràng An đã treo biển “tạm ngừng đón khách” tại đường lên núi Cái Hạ. Công ty này cũng bị yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động du lịch tại “Tràng An cổ”. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công điện (hỏa tốc) về việc tập trung xử lý sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ và thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật của Công ty CP Du lịch Tràng An.
Sáng 7/3, UBND tỉnh Ninh Bình công bố Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện công trình “khủng” xây dựng trái phép trong di sản thế giới Tràng An. Những sai phạm có liên quan và trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm sẽ được làm rõ sau 45 ngày.
Ngày 24/3, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Hoa Lư tổ chức cắm biển báo, ngăn không cho du khách vào tham quan khu "Tràng An cổ" - điểm kinh doanh du lịch trái phép. Hàng chục người dân làm nghề chèo đò, bán hàng ở điểm du lịch này đã kéo ra ngăn cản cơ quan chức năng làm nhiệm vụ.
Đến ngày 26/3, chính quyền huyện Hoa Lư tổ chức cuộc họp bàn phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình xây dựng trái phép của Công ty CP Du lịch Tràng An. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Son có đơn xin tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm.
Đến sáng 30/3, Công ty CP Du lịch Tràng An chính thức bắt đầu tháo dỡ công trình “khủng”. Thời gian tháo dỡ cầu thang dài 510m với hơn 900 bậc xuyên lõi di sản dự kiến trong vòng một tháng (đến 30/4 hoàn thành).
Thái Bá