DNews

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập

An Huy

(Dân trí) - "Đầu mùa mưa, chợ Thủ Đức đã trải qua 2 trận ngập nặng, thành thử tiểu thương ai cũng đề phòng. Thấy trời kéo mây đen, chúng tôi lo gom đồ, không cần biết mưa nhỏ hay lớn", ông Đỗ Ngọc Thành nói.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập

15h, ông Đỗ Ngọc Thành (70 tuổi), chủ cửa hàng thời trang tại chợ Thủ Đức vội giục con gái gom quần, áo kê lên cao khi ngoài trời mây đen đang mù mịt kéo đến.

Dọn được nửa quầy, cha con ông Thành đành đem hàng treo trưng bày trở lại vì mây đen tan dần, nắng xuất hiện và không có dấu hiệu mưa.

"Hễ thấy trời chuẩn bị mưa là tôi lo gom đồ trước. Bởi cơn mưa lớn cách nay vài ngày, tôi dọn hàng không kịp khiến quần áo bị ướt hết", ông Thành nói rồi kéo tà áo lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt.

Nước cuốn hơn 100 đôi giày

Ông Đỗ Ngọc Thành cho biết, chợ Thủ Đức ngập nặng chừng 2 năm trở lại đây. Lúc chưa làm cống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân, mưa lớn 30 phút, khu vực chợ mới ngập. Hiện mưa 10 phút, đường quanh chợ đã ngập sâu và nước rút chậm.

Sinh ra và lớn lên ở địa phương, ông Thành nhận thấy chưa bao giờ khu vực chợ Thủ Đức ngập nặng như năm nay. Theo ông, trước những năm 2000, khu vực chợ Thủ Đức hiếm khi nào ngập dù hệ thống cống thoát nước xây dựng từ trước năm 1975. Sau này, người dân ở các tỉnh đổ về thành phố đông, nhà cửa xây lên hàng loạt khiến các lối thoát nước bị chặn, thu hẹp, ngập tăng dần theo từng năm.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 1

Ông Đỗ Ngọc Thành buồn rầu kể về hai trận ngập khiến cửa hàng ông bị hư hại tài sản (Ảnh: An Huy).

Chiều 15/5, mưa đổ xuống khu vực chưa đến 10 phút, đường bên hông chợ ngập gần 1m, xe chết máy la liệt. Cửa hàng thời trang của ông Thành có nền cao hơn mặt đường một chút cũng bì bõm nước.

Ông và con gái không gom kịp hàng khiến hàng chục bộ quần áo ướt sũng. "Mới đầu mùa mưa, chợ Thủ Đức đã trải qua 2 trận ngập nặng, thành thử tiểu thương ai cũng đề phòng. Thấy trời kéo mây đen là chúng tôi lo gom đồ trước, không cần biết mưa nhỏ hay lớn", ông Thành nói.

Chủ cửa hàng hy vọng cơ quan chức năng sớm nâng đường, khơi thông cống thoát nước xung quanh chợ, chống ngập, để những tiểu thương như ông ổn định kinh doanh.

Cách đó 100m là cửa hàng bán giày dép của ông Nguyễn Tấn Lâm (53 tuổi). Trận mưa 6 ngày trước khiến cửa hàng ông bị nước cuốn trôi hơn 100 đôi giày, thiệt hại hơn 18 triệu đồng.

Chỉ vào đống giày bị hư hỏng được gom vào một góc trong cửa hàng, ông Lâm cho biết chưa bao giờ chứng kiến trận ngập lớn như chiều 15/5. Ông đứng trong cửa hàng nhưng nước ngập đến ngang hông.

Ô tô chạy ngoài đường tạo sóng nước khiến tủ chứa hơn 100 đôi giày trong tiệm ông đổ ra đường, nhân viên gom không kịp bị nước cuốn trôi.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 2
Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 3

Điểm ngập tại khu vực bên hông chợ Thủ Đức trong cơn mưa chiều 20/5 (Ảnh, đồ họa: An Huy, Nam Anh).

"Lúc chưa làm cống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân, mỗi khi mưa lớn, nước hiếm khi tràn vào các sạp hàng trong chợ Thủ Đức. Cơn mưa vừa rồi nước dâng lên rất nhanh và ngập sâu, chúng tôi không kịp trở tay. Nắp cống cũng bị bung, nước trào lên ùng ục", ông Lâm kể.

Ông Lâm cho rằng hệ thống cống trên đường Võ Văn Ngân được mở rộng, nước ở các khu dân cư thoát nhanh xuống khu vực chợ Thủ Đức. Tuy nhiên, đường cống tại khu vực chợ Thủ Đức dẫn ra rạch Cầu Ngang nhỏ hẹp. Nước thoát không kịp gây ngập nặng.

Kỳ vọng rồi thất vọng

Ông Bùi Tấn Công Minh (68 tuổi), chủ tiệm sửa xe tại phường Linh Tây (TP Thủ Đức) vẫn chưa hết ám ảnh bởi hai trận mưa vào chiều 15 và 20/5, khiến đường Dương Văn Cam và Đặng Thị Rành ngập quá yên xe máy.

Ông Minh cho rằng, nguyên nhân ngập do cống thoát nước đường Võ Văn Ngân và Kha Vạn Cân (phía đường Hoàng Diệu) hướng về chợ Thủ Đức vừa nâng cấp, đưa vào sử dụng. Hai tuyến đường này có cốt nền cao, nước theo cống đổ dồn về khu chợ Thủ Đức khiến nhiều tuyến đường gần chợ cũng ngập theo.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 4
Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 5

Ông Bùi Tấn Công Minh và tuyến đường Đặng Thị Rành ngập trong biển nước chiều 15/5 (Ảnh: An Huy).

"Mưa hơn 10 phút, khu vực mênh mông nước. 2 tiếng sau tạnh mưa, nước mới rút hết. Xe và tài sản người dân ở địa phương hư hỏng hàng loạt. Vừa rồi cơ quan chức năng khánh thành cống thoát nước, người dân kỳ vọng chống được ngập, nhưng không ngờ bị ngập nặng hơn, chúng tôi rất thất vọng", ông Minh chia sẻ.

Đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức), được xem là rốn ngập của TPHCM, ngập nặng trong hai trận mưa lớn vừa qua. Theo người dân, đoạn ngập nặng nhất là trước số nhà 35 Lã Xuân Oai.

"Khoảng 10 năm nay, cứ mưa lớn là đường Lã Xuân Oai ngập. Trận mưa cách nay mấy hôm, nước lút hơn nửa ô tô. Nhân viên công ty thoát nước túc trực vớt rác tại các miệng cống nhưng không ăn thua. Hôm đó tôi kéo cả chục xe máy ngã nhào dưới đường lên vỉa hè", ông Long (48 tuổi, ngụ địa phương) chia sẻ.

Hẻm 334 Chu Văn An dẫn vào chợ Cây Điệp, phường 12 (quận Bình Thạnh) cũng liên tục xảy ra ngập trong những trận mưa vừa qua. Ngập lênh láng khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn.

"Hôm 20/5, nước ngập tại hẻm hơn 1m, người dân phải tự đi móc rác tại các miệng cống để nước rút nhanh", ông Trần Văn Mười (52 tuổi, ngụ đường Chu Văn An) kể.

Đủ kiểu chống ngập

Trong khi đó, những trận mưa đầu mùa, một số khu vực tại quận Gò Vấp, Tân Bình, chưa xảy ra ngập. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã chuẩn bị các biện pháp đối phó nước dâng.

Một tháng trước, ông Nguyễn Văn Tư (48 tuổi) ngụ trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) nghe tin TPHCM chuẩn bị vào mùa mưa, đã thuê thợ về hàn những khung sắt kê toàn bộ tài sản trong nhà cao lên 0,5m. Ổ cắm điện cũng được ông thiết kế cách mặt đất hơn 1m để đối phó ngập ở con đường trước nhà.

Theo ông Tư, đường Phan Huy Ích mỗi khi mưa lớn không khác gì dòng sông. Nhà dân hai bên đường bị nước tràn vào bì bõm. Sống chung với ngập nhiều năm, người dân cũng biết cách đối phó. "Tôi kê tủ lạnh, máy giặt… cùng các vật dụng khác lên cao. Nếu xảy ra ngập, chỉ cần múc nước dội và quét phía dưới nền cho bùn đất trôi ra đường là xong", ông Tư nói.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Ngọc Trường (23 tuổi), chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) cũng đối phó ngập bằng cách xây hai đoạn tường trước cửa nhà cao hơn nửa mét và chừa một kẽ hở.

Mỗi khi mưa lớn, anh dùng tấm ván lắp vào kẽ hở của hai đoạn tường tạo thành một vách ngăn chống nước tràn vào cửa hàng. "Chúng tôi sống với ngập suốt mấy năm qua nên quen rồi, tìm cách sống chung với nó thôi", anh Trường chia sẻ.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 6
Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 7

Ông Nguyễn Văn Tư kê tủ lạnh trong nhà lên cao để chống ngập; anh Nguyễn Ngọc Trường xây đoạn tường chừa khe hở để lắp tấm ván ngăn nước tràn vào nhà trên đường Phan Huy Ích (Ảnh: An Huy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức, cho biết để giải quyết tình trạng ngập nước mưa ở khu vực chợ Thủ Đức, phải tổng hòa nhiều yếu tố, dự án, chứ không chỉ một dự án thoát nước ở đường Võ Văn Ngân.

Cụ thể, phải xây dựng đồng bộ dự án thoát nước chợ Thủ Đức, đường Nguyễn Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Thị Tư; mở rộng, cải tạo nút thắt cổ chai rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức; dự án lắp đặt hồ điều tiết khu vực trung, thượng lưu đường Võ Văn Ngân… Các dự án này phải tổng hòa lại mới giải quyết được tình trạng ngập ở khu vực chợ.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, để ứng phó tình trạng ngập trong thời gian chờ các dự án mới được hoàn thành, đơn vị này đã đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có kế hoạch xử lý nhanh các trường hợp lấn chiếm kênh, rạch, hố ga... hiện hữu.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác nạo vét hệ thống cống, kênh rạch trên địa bàn quản lý, đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước chung thành phố.

Mới đầu mùa mưa, người dân TPHCM đã khổ vì ngập - 8
Dòng sự kiện: TPHCM vào mùa mưa