1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mỏ sắt Thạch Khê: Cơ cấu lại phần vốn của những cổ đông kém năng lực

(Dân trí) - Để giải quyết những khó khăn của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), chủ đầu tư TIC khẳng định đơn vị này sẽ phân chia lại phần vốn theo giá thị trường.

Trước sự quan tâm của dư luận về những vấn đề của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được kỳ vọng rất nhiều khi mới đi vào khai thác - phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đức Bình - Tổng Giám đốc TIC, Chủ đầu tư dự án - để tìm câu trả lời về nguyên nhân và hướng giải quyết.

Mỏ sắt Thạch Khê: Cơ cấu lại phần vốn của những cổ đông kém năng lực - 1
Ông Hồ Đức Bình - Tổng giám đốc ITC (phải) - trong buổi làm việc với phóng viên Dân trí

Thưa ông, từ trước tới nay Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê luôn được dư luận quan tâm. Hàng loạt khó khăn mà chủ đầu tư đang gặp phải khiến dư luận nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Đặc biệt, sau phát biểu của một lãnh đạo huyện Thạch Hà rằng nếu chủ đầu tư không sớm giải quyết khó khăn cho người dân trong vùng dự án sẽ đề nghị tạm đóng cửa mỏ càng khiến dư luận xôn xao Dự án mỏ sắt Thạch Khê sắp “bể”. Với tư cách là chủ đầu tư ông nói gì về điều này?

Đấy là dư luận bên ngoài thôi. Đúng là hiện chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi xin khẳng định dự án không thể nào và cũng không thể để “bể” được.

Với dự án này ai cũng biết nó có tầm chiến lược rất lớn đối với đất nước, không nhà đầu tư này làm thì có nhà đầu tư khác làm chứ không thể bỏ dở giữa chừng. Đã được giao làm chủ đầu tư, là trách nhiệm đối với nhân dân, trách nhiệm đối với Đảng, với Nhà nước, chúng tôi phải dốc hết sức để vượt qua được khó khăn này. Ngoài mong muốn tiếp tục được Chính phủ, địa phương quan tâm, chúng tôi cũng muốn nhiều cơ quan chức năng khác, kể cả báo chí, vào cuộc. Trong khó khăn này nhiều khi họ bày cho chúng tôi cách làm hay.

Ông có thể nói rõ hơn những khó khăn mà TIC đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án?.

Nguồn vốn là khó khăn nhất, kể cả tồn đọng thì các cổ đông còn thiếu 457 tỷ đồng. Cụ thể Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam thiếu hơn 100 tỷ đồng, MITRACO Hà Tĩnh hơn 160 tỷ đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam hơn 107 tỷ đồng, Tập đoàn Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) gần 52 tỷ đồng, Tập đoàn Sông Đà gần 18 tỷ đồng; Công ty TNHH SXKD XNK Bình Minh gần 15 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó năm 2010, các cổ đông đã không đóng góp vốn theo cam kết, mà chỉ góp được hơn 220 tỷ đồng còn thiếu của năm 2009. Thiếu chừng ấy thì xấp xỉ với dư nợ hơn 300 tỷ đồng. Rất may là khi khó khăn, chúng tôi làm văn bản khất nợ thì các nhà thầu cũng thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ ngay.

Mỏ sắt Thạch Khê: Cơ cấu lại phần vốn của những cổ đông kém năng lực - 2
TIC thừa nhận vốn là vấn đề lớn nhất của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vào lúc này

Sau vốn có thể nói đến là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân nằm trong vùng dự án. Thực chất những khó khăn này cũng liên quan đến nguồn vốn mà chúng tôi đang gặp phải. Tới đây khi mà các cổ đông không kịp đóng góp để kịp chi trả cho dân là rất gay go vì tài sản cầm cố của chúng tôi không đáng là bao, được mấy chục tỷ đồng, trong khi vay ngân hàng thì hiện nay không thể vay được.

Dư luận cho rằng, tình trạng thiếu vốn như hiện nay không hẳn là do năng lực tài chính của các cổ đông kém mà nó xuất phát từ thực trạng thiếu một đầu tàu để gánh vác nhiều vấn đề trọng yếu của dự án?

Cái đấy hoàn toàn không phải, vấn đề là tháo gỡ vốn cho dự án mà thôi. Dự án này có tổng vốn khổng lồ, làm cả mỏ và cả nhà máy luyện thép tổng vốn xấp xỷ 2 tỷ USD. Một doanh nghiệp đầu tư mà huy động số vốn như thế là rất lớn. Đầu tàu ở đây không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính mà còn là kinh nghiệm trong lĩnh vực khai khoáng, nếu công nghệ đơn thuần, hạng công trình nhỏ lẻ như khai thác.

Theo tôi đầu tàu ở đây là một đơn vị vĩ mô, có sự bảo lãnh của nhà thu xếp vốn, còn phải điều các cán bộ kỷ thuật tốt nhất, không kinh nghiệm thì không thể làm được.

Có nhiều ý kiến đề xuất TIC nên chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn cho Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thông qua sàn chứng khoán. TIC sẵn sàng chia sẻ phương án này hay không?

Đấy là một phương án chúng tôi đã tính toán cho tương lai. Còn hiện tại thì không được, không ai cho phép, khi nào có sản phẩm, có đánh giá về lợi nhuận, về tài chính thì mới có thể lên sàn được. Các thủ tục cần thiết lên đến sàn giao dịch còn phải đáp ứng nhiều thủ tục và cần có thời gian, có lộ trình của nó.   

Dư luận rất quan tâm thông tin Tập đoàn Hoà Phát (HPG) thay thế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, góp 5%) trong TIC. Điều này có đúng không thưa ông?

Cái này tôi mới được nghe từ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, còn việc Tập đoàn Hoà Phát có trở thành cổ đông của TIC hay không còn tuỳ thuộc vào quyết định của Đại hội cổ đông của công ty sắp tới đây.

Về hướng tháo g khó khăn hiện nay, ông có thể cho biết TIC đã triển khai những phương án nào?

Chúng tôi tiếp tục đốc thúc 9 cổ đông đóng góp vốn theo cam kết. Các cổ đông buộc phải ngồi lại với nhau, anh nào không có năng lực tài chính, không tâm huyết thì chúng tôi sẽ phân chia lại phần vốn theo giá thị trường.

Chúng tôi cũng đã làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, phía Tập đoàn Than cũng làm báo cáo trình Thủ tướng Chính Phủ về đề án tái cơ cấu cổ đông. Đến nay tất cả các thủ tục tái cơ cấu cổ đông đã được triển khai, nhưng hiện còn có cái vướng mắc từ các cổ đông, tất cả phải giải quyết đúng theo luật doanh nghiệp.  

Xin cảm ơn ông!

Văn Dũng - Thái Quyền (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm