Cổ đông “kém lực”, mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á chồng chất khó khăn
(Dân trí) - 4 năm trước, người dân cả nước đặt kỳ vọng rất nhiều vào sự ra đời của Cty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) - chủ đầu tư đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Nhưng cho đến thời điểm này, kỳ vọng đó đang vướng những khó khăn chồng chất.
Cam kết một đằng, làm một nẻo
Theo kết quả thăm dò, mỏ sắt Thạch Khê (thuộc địa bàn 6 xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị, Thach Lạc thuộc huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh) có tổng diện tích 38km2, trong đó có gần 3.900 ha diện tích quy hoạch, nằm ở độ sâu khai thác cốt từ -8m đến -550m, với trữ lượng ước khoảng 544 triệu tấn. Là một niềm tự hào, nhưng trong một thời gian rất dài làm gì để biến mỏ sắt này trở thành “mỏ vàng”, tạo bệ phóng đưa nền kinh tế đất nước đi lên luôn là một thách thức đối với các ngành, cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương Hà Tĩnh.
Ngày 17/5/2007, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng 9 cổ đông sáng lập (gồm Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30%); Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (24%), Tổng công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (4%), Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (5%), Tổng công ty Sông Đà (5%), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (5%), Công ty TNHH sản xuất, XNK Bình Minh (4%), Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%) đã làm lễ ra mắt Công ty Cổ phần mỏ sắt Thạch Khê làm đại diện chủ đầu tư. Số vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Việc Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê (TIC) đi vào hoạt động được đánh giá là một trong những bước phát triển mới và là thành công của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Để biến những kỳ vọng về mỏ sắt thành “mỏ vàng”, trong buổi lễ ra mắt, phía TIC hứa sẽ chủ động bảo đảm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào khai thác, vận hành đúng tiến độ quy định, bảo đảm hiệu quả hoạt động, thân thiện với môi trường và tạo được nhiều công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động.
Cũng phải ghi nhận rằng, thời gian qua Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) đã có những cố gắng khắc phục khó khăn trong việc triển khai thực hiện các công việc về tư vấn thiết kế, khai thác, tháo kho mỏ được ½ công việc theo kế hoạch.
Thế nhưng, điều quan trọng là cho tới thời điểm này, khi thời gian cam kết thực hiện giai đoạn đầu (chủ yếu là giải phóng mặt bằng và bóc đất tầng phủ) đã sắp trôi qua, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang ở trong tình trạng sống dở, chết dở. Nguy cơ bị đóng cửa là rất cao nếu không có tiền đền bù cho người dân và chi trả cho các nhà thầu. Những khó khăn này xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng như của chính TIC, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư thiếu tiền từ góp vốn.
Theo báo cáo của TIC, đến thời điểm này lũy kế nợ chậm vốn theo kế hoạch huy động của 9 cổ đông sáng lập trong 4 năm qua lên đến hơn 457,5 tỷ đồng. Được biết, chây ỳ nhất trong số này có thể phải kể đến Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (cổ đông chủ trì) với hơn 100 tỷ đồng, MITRACO Hà Tĩnh hơn 160 tỷ đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam hơn 107 tỷ đồng, Tập đoàn Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) gần 52 tỷ đồng, Tập đoàn Sông Đà gần 18 tỷ đồng; Công ty TNHH SXKD XNK Bình Minh gần 15 tỷ đồng. (Riêng số vốn gần 52 tỷ đồng của Vinashin do Vinacomin góp thay). Đặc biệt, trong đó năm 2010, các cổ đông đã không đóng góp vốn theo cam kết, mà chỉ góp được hơn 220 tỷ đồng còn thiếu của năm 2009.
Việc các cổ đông không góp vốn đúng cam kết đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của chủ đầu tư. Theo cam kết, ngay trong quý II năm 2011, TIC buộc phải rót cho UBND huyện Thạch Hà gần 179 tỷ đồng/600 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ, tái định cư, nhưng đó là điều không thể đối với đơn vị này. Dù chịu nhiều sức ép nhưng ngày 9/4/2011, ông Hồ Đức Bình - Tổng Giám đốc TIC buộc phải ký Công văn số 275/TK-KHVT gửi UBND huyện Thạch Hà thông báo điều chẳng lấy gì làm vui rằng: đơn vị này không có nguồn vốn để chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân!
Không chỉ tỉnh Hà Tĩnh mà nhiều nhà thầu cũng đang hết sức ngán ngẩm trước thực trạng "nợ như chúa chổm" của TIC. Chỉ tính riêng số tiền mà TIC đã ký hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê với liên doanh các nhà thầu, gồm Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - TKV (VIMCC), Viện Khoa học và Công nghệ mỏ luyện kim (VIMLUKI) và Viện Mỏ VIOGEM (Nga) với tổng giá trị hợp đồng xấp xỉ 63 tỷ đồng vào cuối năm 2010 cũng chưa biết lây đâu ra.
Người dân ngồi trên đống lửa
Năng lực tài chính yếu kém của Công ty CP Sắt Thạch Khê đang khiến nhiều cấp lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng như người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của đại dự án khai thác mỏ sắt tựa như ngồi trên đống lửa.
Sáng ngày 23/4 vừa qua, hơn 250 người dân của 64 hộ thuộc xóm 1, xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà) đã kéo đến vùng khai trương Mỏ sắt Thạch Khê yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công, ngừng bơm nước. Theo phóng viên tìm hiểu, được biết 64 hộ dân này nằm sát moong mỏ và bãi thải, cuộc sống của người dân vì thế bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Họ mong chờ nhanh chóng được bồi thường, hỗ trợ tái định cư để sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng suốt gần hai năm qua họ chờ đợi trong vô vọng để rồi cuộc sống rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì người dân thiếu yên tâm để sinh hoạt và sản xuất. Đó là chưa kể những yêu cầu cơ bản khác như chuyện học hành cho con cái, xây dựng nhà cửa để dân “an cư mới lạc nghiệp”.
Tình cảnh của người dân xã Thạch Đỉnh cũng là thực trạng chung của hàng ngàn hộ dân tại các xã khác như Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn…
Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, bức xúc: “Theo cam kết đến cuối năm nay chúng tôi buộc phải hoàn tất việc di dời hơn 4.000 hộ dân đến 16 khu tái đinh cử nằm rải rác trên địa bàn 10 xã vùng biển ngang. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 12 hộ được di dời, lý do chủ yếu là khu tái định cư chưa hoàn thành dù theo cam kết nhẽ ra lúc này đã được bàn giao cho chính quyền và người dân cũng chưa nhận được tiền đề bù, hỗ trợ tái định cư”.
Ông Đỗ Khoa Văn, Chủ tịch UBND huyện nói thẳng: “TIC đã đẩy chính quyền chúng tôi vào thế rất khó khăn. Người dân đã tuân thủ tất cả những gì dự án đặt ra, thế nhưng đổi lại tất cả những cam kết với người dân thì không được chủ đầu tư thực hiện. Nguyện vọng, đòi hỏi của người dân vùng khai mỏ lúc này là chính đáng”.
Cũng theo ông Văn, áp lực hiện nay dành cho UBND huyện Thạch Hà là quá lớn, vì thế nếu mọi việc không nhanh chóng được giải quyết, huyện sẽ bắt buộc phải đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét tạm đóng cửa Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để tìm phương án mới.
Chiều ngày 27/4/2011, PV Dân trí đã có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Sắt Thach Khê. Những bất cập nêu ra ở trên được đại diện lãnh đạo đơn vị thừa nhận. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Tổng Giám đốc TIC chia sẻ: "Khó khăn của chúng tôi lại rơi đúng vào thời điểm kinh tế diễn biến theo chiều hướng lạm phát, suy thoái". Ông Sơn còn cho biết: Trong ngày 28/4 HĐQT sẽ nhóm họp đột xuất tại Hà Nội, có sự tham gia của Ban GPMB Hà Tĩnh để giải quyết thực trạng cấp bách về thiếu vốn hiện nay của các cổ đông. Nếu sau cuộc họp vẫn cứ tồn tại bất cập này thì thú thật công việc khai thác Mỏ sắt Thạch Khê vốn đã khó khăn lại rơi vào chồng chất khó khăn !
Sau đây là một số hình ảnh Dân trí ghi được.
Văn Dũng - Duy Thảo