1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Hà Tĩnh:

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê

(Dân trí) - Giếng trơ đáy, sông hồ cạn kiệt khiến lúa, hoa màu và cây ăn quả nhiều thôn thuộc xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ngắc ngoải, có nơi chết cháy. Hàng nghìn con người nơi đây cũng đang điêu đứng vì “khát” nước sinh hoạt…

Cây chết khô, người “chết khát”

Một ngày cuối tháng 4, giữa cái nắng gay gắt đầu mùa, rát đau như cát hắt vào mặt, ông Nguyễn Công Kiêm (thôn 1, xã Thạch Đỉnh) loay hoay vét những giọt nước cuối cùng tưới cho vườn cây ăn quả bạc tỷ đang khô héo của mình. Ông Kiêm chát chua bảo, từ ngày mỏ sắt Thạch Khê đưa vào khai thác đến nay, ao hồ, sông suối cạn kiệt, cả cánh đồng hoa màu trải dài tít tắp đều khô cứng. Hoa màu không sống nổi, một số cây ăn quả vốn chịu nhiệt tốt cũng đang chết dần.

“Xót xa quá, vợ chồng tôi tui bỏ ra hàng triệu đồng thuê người về khoan giếng ngay tại vườn, lắp mô tơ bơm nước với hy vọng cứu lấy những cây còn sót lại. Nhưng do máy móc của Công ty khai thác sắt đào xới độ sâu hàng chục mét nên mạch nước ngầm ở đây cũng khô cạn. Mọi nỗ lực cứu vãn “miếng cơm manh áo” cho cả gia đình đến chừ đều đã vô nghĩa mất rồi” - ông Kiêm buồn bã nói.

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê - 1
Ông Nguyễn Công Kiêm xót xa than cảnh thiếu nước.

Gia đình ông Kiêm là một trong những hộ điển hình về mô hình làm ăn kinh tế giỏi trong thôn nhưng nay cũng “lực bất tòng tâm”. Khi mỏ sắt Thạch Khê chưa đưa vào khai thác, ông Kiêm có vài héc ta rau màu, hơn 150 gốc cam cho quả, hàng trăm cây na, gần 50 gốc vải, hồng… Thu nhập bình quân hằng năm cũng xấp xỉ cả trăm triệu đồng. Nhưng hiện tại, vào thăm khu vườn cây ăn quả của ông mà xót xa. Hồng, vải, na, cam… đều chết khô.

Đi một vòng quanh xóm 1, chúng tôi chứng kiến mấy con suối nhỏ, ao hồ quanh thôn đều trơ đáy, cây cối chết khô. Ông Bùi Quang Chiến - xóm trưởng xóm 1 - cho biết: “Cuộc sống của 64 hộ dân xóm 1 chủ yếu dựa vào khoảng 30 héc ta diện tích đất trồng rau màu và cây ăn quả. Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng hàng chục héc ta đất trồng hoa màu bị bỏ hoang, cây ăn quả chết hàng loạt vì thiếu nguồn nước ngầm đã khiến người dân chúng tôi sống dở chết dở”.

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê - 2
Thiếu nước ngầm nên hàng chục héc ta hoa màu của thôn 1 nay chỉ còn lại bãi đất hoang trơ trọi
 
Không chỉ riêng gì người dân xóm 1 mà ở xã Thạch Đỉnh hiện có đến hàng trăm hộ dân thuộc các xóm sống gần khu vực mỏ sắt Thạch Khê cũng đang sống chung với nỗi khổ thiếu nước.

Trong quá trình thi công, phía Công ty CP Sắt Thạch Khê cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường sống cũng như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho những hộ dân sống ở các khu vực bị ảnh hưởng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thi công, người dân và chính quyền xã Thạch Đỉnh đã phải kêu trời vì những hậu quả nặng nề mà việc khai thác gây ra.

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê - 3
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Gặp chúng tôi trên đường đi gánh nước, mồ hôi nhễ nhãi, bà Phan Thị Vịnh bực dọc: “Tui sống ở đây hàng chục năm trời mà có khi nào thiếu nước sinh hoạt như năm ni mô. Mới đầu mùa nắng mà đã như ri không biết đến những tháng nắng nóng cao điểm sắp tới người dân chúng tôi sẽ sống như răng nữa. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài chắc cả xóm cũng chết khát mất thôi”.

“Trong quá trình triển khai Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, 73 hộ dân xóm 1, xã Thạch Đỉnh nằm trong diện giải tỏa và di dời nhưng đến nay cả thôn mới có 9 hộ dân được giải tỏa. 64 hộ còn lại đang sống trong tình trạng “dài cổ” chờ ngày được chuyển đến nơi ở mới”.

Chỉ tay vào bể nước khô rang sau nhà, bà Vịnh cho biết: “Từ khi công ty khai thác mỏ sắt Thạch Khê cho máy đến đào đất, hút nước nên nguồn nước ngầm bị hút cạn kiệt khiến hầu hết các giếng nước trong thôn đều trơ đáy. Những hộ giếng còn nước thì cũng bị nhiễm phèn…”.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Chuyên - Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh - cho biết: “Trước tình trạng đất hoa màu bỏ hoang, cây ăn quả chết khô, dân thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, chính quyền xã cũng đã nhiều lần đề xuất kiến nghị với Công ty CP Sắt Thạch Khê cũng như các cấp ban ngành tìm cách giải quyết nhưng đến nay họ vẫn chưa có biện pháp gì để khắc phục”.

Thầy, trò kêu trời vì bão bụi

Không chỉ người dân ở khu vực sống gần mỏ sắt Thạch Khê kêu trời vì những tác động xấu từ mỏ sắt này gây nên mà thời gian qua các trường học các xã nằm lân cận mỏ sắt này cũng đang hết khổ vì vấn nạn bụi bặm bủa vây trường học, gây nên những khó khăn nhất định cho thầy và trò các ngôi trường này.

Chúng tôi có mặt ở trường Tiểu học Thạch Hải, rùng mình khiếp sợ khi chứng kiến cảnh từng dòng xe tải trọng chạy phăng phăng, tung bụi mù trời, đúng lúc hàng trăm học sinh nhỏ túa ra khỏi cổng trường.

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê - 4
Bụi bặm, hiểm nguy luôn rình rập hàng trăm học sinh và giáo viên trường Tiểu học Thạch Hải, xã Thạch Hải

Thầy Nguyễn Bá Đống bức xúc: “Dù trường và địa phương đã nhiều lần đề nghị với cấp nên sớm có biện pháp ngăn chặn số lượng xe trọng tải lớn chạy trước cổng trường và địa phương cũng đã lập rào chắn nhưng họ vẫn luồn lách đi qua. Việc xe tải chạy qua tấp nập không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà con đe doạ đến tính mạng hàng trăm học sinh và giáo viên trường Tiểu học Thạch Hải. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp thích đáng để mang lại sự bình yên cho thầy và trò ngôi trường này”.

Cùng chung với nỗi khổ của trường Tiểu học Thạch Hải là trường THCS Lê Hồng Phong, xã Thạch Khê. Ngôi trường này nằm bên trục đường chính nối liền từ Thành phố Hà Tĩnh chạy về mỏ sắt Thạch Khê nên lưu lượng xe tải chạy qua đường này rất lớn. Chính vì thế giáo viên và học sinh trường THCS Lê Hồng Phong luôn dạy và học trong sự tra tấn của tiếng ồn và bụi bặm.

Cận cảnh nỗi khổ của người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê - 5
Thầy và trò trường THCS Lê Hồng Phong cũng đang hết khổ vì nạn bụi bặm bay vù trường

“Kinh khủng. Không thể tưởng tượng nỗi. Chú coi xe mới chạy qua cái là bụi bay vù trời có thấy trường lớp nằm ở đâu nữa mô. Mỗi lúc trời nắng, nhìn cảnh thầy cô và học sinh đến lớp áo quần đỏ au bụi đất, mưa xuống thì bùn đất bám nhoe nhoét...” - Bác Thành, bảo vệ trường THCS Lê Hông Phong ngao ngán.

Văn Dũng - Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm